Khát vọng lớn nhất của con người khi hiện hữu ở cõi đời là được sống hạnh phúc. Có thể nói, hạnh phúc là sự mong ước và chờ đợi một điềm lành đến với chính mình và mọi người xung quanh ta.
Thế nhưng, hạnh phúc hay điềm lành không phải tự nhiên đến với mọi người. Nó được thiết lập trên nền tảng kể từ khi ta vừa lọt lòng, mẹ cha đã truyền thông trao cho cái gia tài đầu tiên “tình người” bắt đầu từ tình phụ mẫu đối với con cái. Đây chính là kết quả ươm mầm, ra hoa kết trái của những hạt giống yêu thương, của sự kết nối truyền thông qua các mối quan hệ trong cuộc sống đời thường mà không có một bút mực nào mô tả cho hết.
Trong dòng chảy văn hóa tình người, xưa nay con người không ngừng suy nghiệm và thực thi tâm hiếu hạnh như là thông điệp sống có ý nghĩa nhân văn cao cả, trên hết là hướng đến giải thoát khổ đau, xây dựng nếp sống hướng thiện. Do đó, ta chẳng ngạc nhiên gì, các học thuyết, giáo lý triết lý hiện hữu ở đời đều được xây dựng trên nền tảng từ tâm hiếu hạnh. Nói rõ ra, thực thi tâm hiếu là thực thi điềm lành tối thượng, thực thi nếp sống hạnh phúc an lạc ở đời này, đời sau như Phật dạy trong kinh Điềm lành tối thượng: “Hiếu dưỡng mẹ và cha/Nuôi dưỡng vợ và con/Làm nghề không rắc rối/Là điềm lành tối thượng”.
Xem ra, tất cả sự thành tựu của mỗi người đều xuất phát từ tâm hiếu. Cho nên, trong các hạnh, hạnh hiếu được xem là hạnh đứng đầu. Một người có hiếu kính với mẹ cha thì mới có sự liên hệ thân thiện với những người xung quanh. Nói rộng ra, một người có tâm hiếu chí thành thì mới có sự tôn kính với cha mẹ, hiếu đễ với bà con dòng họ, kết nghĩa keo sơn của tình huynh đệ tỷ muội, chung thủy với người tình trăm năm, chung sống hòa thuận với làng xóm, gắn kết với cộng đồng xã hội. Kể từ đây, người ta mới có khái niệm hiếu kính với mẹ cha, hiếu đễ với bà con, hiếu tình với người bạn đời, hiếu thuận với mọi người, hiếu tâm với mọi công việc trong cuộc hành trình hướng tâm xây dựng một đời sống hạnh phúc, an lạc.
Kinh Thi, một trong những bản kinh cổ xưa của học thuyết Nho giáo đã không ngần ngại tuyên ngôn “Hiếu đạo” là cơ sở thiết lập, mở đầu văn hóa tình người một cách thiết thực mà ai cũng có thể cảm nhận: “Phụ hề sinh giả, mẫu hề cúc ngã, ai ai phụ mẫu sinh ngã cù lao, dục báo thâm ân, hiệu thiên võng cực” (Cha sinh ta ra, mẹ bồng bế ta, thương thay cha mẹ, sinh ta khó nhọc, muốn báo đáp ân sâu, khác nào trời cao không lường). Rõ ràng, cội rễ văn hóa con người được kết tinh bằng tình thương cha mẹ dành cho con cái. Hay nói cách khác, khi tâm hiếu chảy đến đâu tình người hóa hiện đến đó. Cho dù bạn là ai, từ đâu đến, tất cả đều đi không ra khỏi cuộc hành trình bất tận mà phụ mẫu đã đi qua mà kinh điển xưa nay đúc kết với chín chữ “Cù lao”: Sinh (đẻ ra), Cúc (nâng đỡ), Phủ (vuốt ve), Súc (nuôi cho bú mớm), Trưởng (nuôi cho khôn lớn), Dục (dạy dỗ), Cố (trông nom), Phục (xem tính tình mà bảo ban), Phúc (bảo vệ).
Thế nên, Khổng Tử từng nói:“Đạo hiếu bắt đầu từ việc thờ cha mẹ, kế đến là thờ vua giúp nước và sau cùng là lập thân”. Đó chính là suối nguồn văn hóa mà mỗi cá nhân hiện hữu ở cõi đời này đều khát khao thực thi. Lịch sử thường minh chứng như thế, một người được tiếp nhận nguồn giáo dục khởi đầu bằng sự hiếu thảo với mẹ cha khi ở nhà, cũng có thể là người nỗ lực đóng góp cho đất nước. Và như thế, đây chính là mẫu người trung hiếu lưỡng toàn của mỗi gia đình, của mỗi quốc gia dân tộc.
Trang Tử còn khai mở đạo Hiếu rộng ra để mỗi người có điều kiện thực thi bằng sự thâu tóm qua ba điều:“Đạo Hiếu có ba: Đại hiếu là tôn kính cha mẹ, kế là không làm cho cha mẹ mang tiếng nhục, sau cùng mới là nuôi dưỡng”. Xem ra, trong ba điều, điều thứ nhất là điều giữ vai trò thiết yếu, nó quyết định sự hình thành nhân cách con người. Con người có trưởng thành và thăng tiến bắt đầu từ sự tôn kính, tôn thân. Bổn phận người con hiếu hạnh là phải biết thương yêu và kính trọng cha mẹ. Đây chính là đại hiếu.
Điều thứ hai mà Trang Tử muốn đề cập đến đạo Hiếu là không làm cho cha mẹ bị mang tiếng nhục. Bổn phận người con có hiếu phải biết giữ gìn thanh danh cho cha mẹ. Điều này có nghĩa thanh danh của cha mẹ cũng chính là thanh danh của chính mình. Do đó, người con phải biết sống đạo đức mà học thuyết Nho gia khuyến cáo theo tinh thần Tam cương, Ngũ thường, Tam tùng, Tứ đức, Phụ từ tử hiếu, Phu xướng phụ tùy để thiết lập các mối quan hệ giữa người với người ngày càng tốt hơn, không nên vì danh lợi thực thùy mà cha mẹ phải tủi nhục vì con cái.
Điều thứ ba mà Trang Tử khuyên đạo làm người là phải biết nuôi dưỡng, phụng dưỡng cha mẹ như là bổn phận trách nhiệm của bất cứ người con có hiếu nào ở đời này. Điều này khiến chúng ta càng thấy lời khuyên của Khổng Tử thâm thúy hơn bao giờ hết, nhất là trong văn hóa ứng xử với cha mẹ: “Hiếu tử chi sự thân, cư tắc trí kỳ kính, dưỡng tắc trí kỳ lạc, bệnh tắc trí ưu, tang tắc trí ai, tế tắc trí kỳ nghiêm” (Người con hiếu phụng dưỡng cha mẹ, ăn ở cư xử phải cực kỳ cung kính, nuôi dưỡng cha mẹ hết sức vui vẻ, khi cha mẹ đau ốm phải lo lắng hết lòng, khi lo việc ma chay phải cực kỳ thương xót, khi cúng tế cha mẹ phải rất mực trang nghiêm”. Rõ ràng đạo Hiếu mà Nho giáo thiết lập sẽ có tác động vào quá trình hình thành và phát triển văn hóa con người trên mọi lĩnh vực.
Phật giáo truyền vào nước ta với nền giáo lý cũng được thiết lập trên cơ sở suối nguồn của tâm hiếu. Chính Đức Phật từng nói tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật. Trong kinh Tương ưng, Phật còn nói: “Vô thỉ luân hồi, tất cả chúng sinh từng làm cha, làm mẹ, làm anh, làm chị, là bà con quyến thuộc trong các nẻo đường sinh tử”. Xem ra, giáo lý nhà Phật thiết lập nền văn hóa cho nhân loại cũng khởi đầu bằng việc tiếp nhận văn hóa hiếu hạnh. Đạo lý giải thoát khổ đau, chứng ngộ Niết-bàn cũng bắt đầu từ đây.
Nếu Kinh Thi nói tóm tắt công đức cha mẹ qua chín chữ cù lao như trên thì kinh Đại báo phụ mẫu trọng ân trình bày công ơn sinh thành của cha mẹ và giải trình phương pháp báo đáp ân đức phụ mẫu một cách rốt ráo và cụ thể rõ ràng hơn. Có thể nêu ra đây 10 công đức của mẹ đối với con cái: 1. Chín tháng cưu mang khổ nhọc, 2. Sợ hãi, đau đớn khi sinh, 3. Nuôi con cam đành cực khổ, 4. Nuốt cay, mớm ngọt cho con, 5. Chịu ướt, nhường ráo cho con, 6. Sú nước, nhai cơm cho con, 7. Vui nhặt đồ dơ cho con, 8. Thương nhớ khi con xa nhà, 9. Có thể tạo tội vì con, 10. Nhịn đói cho con được no.
Kinh Tăng Nhất A-hàm còn ghi lại lời dạy của Phật về công ơn sâu dày của cha mẹ thật cao hơn trời, sâu hơn biển cả, đồng thời khuyên con người phải biết tri ân và báo ân với cha mẹ: “Này các thầy Tỳ-kheo, nếu có kẻ vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, đi xa nghìn dặm, cung phụng đầy đủ mọi thức ăn, đồ mặc, chăn đệm và thuốc thang, thậm chí cho cha mẹ có tiểu tiện trên vai mình đi nữa, cũng chưa trả được ân sâu. Các thầy phải hiểu rằng ân cha mẹ nặng lắm, bồng bế nuôi nấng, dưỡng dục đúng lúc, làm cho ta trưởng thành. Vì thế mà biết ân khó trả. Này các thầy Tỳ-kheo, có hai việc làm cho phàm phu được công đức lớn, được quả báo lớn, đó là phụng sự cha và phụng sự mẹ”.
Như con sông tuôn chảy về biển cả, tâm hiếu hạnh cần phải hóa hiện từ trong những trái tim biết yêu thương và khối óc bừng sáng trí tuệ trong văn hóa tình người. Mục đích cuối cùng là không ngoài việc khuyến cáo con người không chỉ hoàn thiện nhân cách mà còn giúp con người biết quý trọng cha mẹ, anh chị em ông bà, chung thủy với người bạn đời, hòa thuận với mọi người trong xã hội và không ngừng nỗ lực tích cực đóng góp cho đất nước, cho đời, cho đạo.
Kinh Tâm Địa quán, Đức Phật ví dụ công đức của cha mẹ như núi cao biển rộng sông dài: “Ân cha lành cao như núi Thái/Đức mẹ hiền sâu tợ biển khơi/Dù cho dâng trọn một đời/Cũng không trả hết ân người sinh ra”. Sự đền ơn đáp nghĩa cho cha mẹ không gì hơn là phải thực thi năm điều mà kinh Thi-ca-la-việt ghi, 5 điều bao gồm: 1. Cung kính và vâng lời cha mẹ, 2. Phụng dưỡng cha mẹ khi cha mẹ già yếu, 3. Giữ gìn thanh danh và truyền thống gia đình, 4. Bảo quản tài sản do cha mẹ để lại, 5. Lo tang lễ chu đáo khi cha mẹ qua đời. Ngoài ra, Đức Phật còn đề cập bốn trách nhiệm để hướng dẫn cha mẹ sống đúng theo Chánh pháp: 1. Nếu cha mẹ không có niềm tin, khuyến khích cha mẹ phát tâm tin tưởng Tam bảo, 2. Nếu cha mẹ xan tham, khuyên cha mẹ phát tâm bố thí, 3. Nếu cha mẹ làm ác thì khuyên cha mẹ hướng tâm làm việc thiện, 4. Nếu cha mẹ theo tà kiến thì khuyên cha mẹ theo chánh kiến. Đây chính là “hiếu dưỡng mẹ cha là điềm lành tối thượng” trong sự thực thi đời sống hạnh phúc, an lạc mà bất cứ ai là Phật tử đều mong chờ.
Một người có trách nhiệm hiếu kính với mẹ cha, chắc chắn có hiếu tình với người bạn đời. Đạo lý người Việt dạy rằng: “Trai lớn lấy vợ, gái lớn lấy chồng”. Do đó, bất cứ cha mẹ nào cũng mong muốn con cái của mình hạnh phúc trong tổ ấm gia đình. Dưới cái nhìn của tấm lòng thương yêu vô bờ bến của tình phụ mẫu, cha mẹ bao giờ cũng mong muốn được nhìn thấy con cháu của mình chung sống hạnh phúc, hòa thuận vững bền. Kinh nói “Mẹ già trăm tuổi còn thương con tám mươi” là vậy, mẹ cha bao giờ cũng dõi mắt theo con cháu suốt đời. Một người thực thi xây dựng đời sống gia đình hạnh phúc chính là thực thi tâm báo hiếu với cha mẹ, là thực thi tâm hiếu tình của mình với người vợ, (hay người chồng) trong dòng sống tương tục. Thế nên, Phật dạy: “Nuôi dưỡng vợ con là điềm lành tối thượng”.
Ai cũng biết rằng yêu và được yêu là điều hạnh phúc nhất ở đời. Trong cuộc hành trình tìm kiếm hạnh phúc lứa đôi, để đến với nhau thành một đôi vợ chồng trong mối tương duyên giữa cuộc đời này là nhân duyên lớn. Duy trì, nuôi dưỡng niềm hạnh phúc lứa đôi này cho đến khi “tóc bạc răng long” thì thiện duyên này lại càng lớn hơn. Vì vậy, kinh Thiện sinh, Phật dạy người chồng đối với vợ có các bổn phận: kính trọng vợ, chung thủy với vợ, săn sóc chu đáo đời sống kinh tế của người vợ với sự cung cấp các tiện nghi vật chất, nuôi dưỡng tình cảm, thường tặng quần áo, đồ trang sức cho vợ. Vợ đối với chồng có các bổn phận: làm tốt đẹp bổn phận của mình đối với chồng, khéo đón tiếp bà con, chung thủy với chồng, khéo giữ gìn tài sản của chồng, khéo léo nhanh nhẹn trong mọi công việc.
Rõ ràng, hạnh phúc gia đình là cơ sở thiết lập hạnh phúc của xã hội. Trong đời sống thực tiễn, hạnh phúc lứa đôi qua sự thương yêu là chưa đủ, hạnh phúc còn đòi hỏi các nhu cầu thực tế hơn nữa. Kính trọng là thái độ cần thiết trong mối quan hệ giữa vợ chồng, thể hiện tình người, khiến cho tình yêu thêm nồng nàn, mang tính bền vững hơn nữa. Sự tôn trọng lẫn nhau làm tình yêu thăng hoa, sẵn sàng sẻ chia cho nhau những khó khăn cũng như sự thành công trong cuộc sống, từ đó con cái sẽ trọn hưởng niểm hạnh phúc từ trong vòng tay mẹ cha.
Hạnh phúc giữa vợ chồng còn được thể hiện qua sự hiếu tình mà người chồng có bổn phận bảo đảm nền kinh tế cho gia đình mình. Khi lòng yêu thương và kinh tế gia đình ổn định, người vợ cần được người chồng quan tâm, nuôi dưỡng tình yêu liên tục, thỉnh thoảng sắm quà cho vợ, bày tỏ tình thương yêu, lòng trung thành của người chồng. Người vợ sẽ mỉm cười, hạnh phúc thật sự khi bạn đời trăm năm đi đâu xa về mà tặng quà cho mình. Một bộ đồ, một món trang sức là tâm lý mong chờ của người vợ luôn hướng nghĩ đến tính chung thủy của người chồng.
Đáp lại, người vợ phải thương yêu, kính trọng, trung thành với người chồng. Đây là một trong những điều kiện cần và đủ để thiết lập hạnh phúc lứa đôi mang tính vững bền. Thực tế, trong khi người chồng quá bận rộn công việc xã hội, người vợ phải có bổn phận quản lý, gìn giữ tài sản gia đình, khéo léo điều hành công việc, khéo léo đối xử, niềm nở tiếp đón những người bà con của chồng, vui vẻ với láng giềng. Xem ra, người vợ là nhân tố kết nối yêu thương với mọi người không những đối với những người thân trong gia đình mà còn đối với những người trong xã hội. Vì thế, người ta nói “giàu nhờ bạn, sang nhờ vợ” là một sự thật hiển nhiên. Thậm chí, trong những hoàn cảnh khác nhau, người vợ cư xử với chồng như là người yêu, người bạn và có khi như là người chị, người em, người mẹ của chồng.
Và như vậy, mối quan hệ giữa vợ chồng là mối quan hệ thể hiện sự hiếu kính, hiếu thuận, hiếu tâm ở đời, nó báo hiệu cho một điềm lành hạnh phúc tối thượng. Vợ chồng càng kính trọng bao nhiêu, càng tùy thuận với nhau bấy nhiêu, cùng nhau chia sẻ mọi tâm tư tình cảm, cùng nhau gánh vác công việc thu nhập chi tiêu, vun đắp đời sống hạnh phúc gia đình, là tấm gương phản ánh cho con cái noi theo.
Là người Phật tử được sinh ra, lớn lên, trưởng thành thì trách nhiệm và bổn phận đối với cha mẹ, vợ (chồng) con là hết sức quan trọng. Gia đình có hạnh phúc hay không sẽ tùy thuộc vào mỗi thành viên trong gia đình có làm tốt trách nhiệm và bổn phận của mình đối với gia đình hay không. Dĩ nhiên, trách nhiệm và bổn phận sẽ tùy thuộc vào vị trí và vai trò của từng thành viên trong gia đình mà có sự sai khác. Ở đây, mỗi người cần thể hiện sự hiếu tâm của mình ở trong gia đình. Bởi có trách nhiệm chăm lo đời sống cho cha mẹ, vợ (chồng) con, nên mỗi thành viên trong gia đình cần có công ăn việc làm ổn định. Với nghề nghiệp hợp pháp, đúng pháp sẽ là cơ sở thiết lập nên hạnh phúc tự thân và hạnh phúc gia đình. Người ấy không nên vì bất cứ lý do gì mà làm các nghề nghiệp không hợp pháp khiến gây bất an cho gia đình và làm rối loạn xã hội. Cho nên, Phật dạy: “Làm nghề không rắc rối là điềm lành tối thượng”.
Trong trách nhiệm nuôi dưỡng vợ (chồng) con thì người Phật tử không những phải chăm lo đầy đủ các tiện nghi vật chất gia đình, mà còn phải chú ý đến đời sống tinh thần của mọi thành viên trong gia đình mình. Người Phật tử cần dành thì giờ để chăm lo việc giáo dục con cái, hướng dẫn trở thành những đứa con ngoan, những học trò giỏi. Người ấy cần vui vẻ, hòa thuận với vợ (chồng) mình trong mọi công việc và đặc biệt, cần lắng nghe và tham khảo ý kiến của cha mẹ trong nhiều trường hợp để hưởng trọn niềm hạnh phúc hơn.
Có thể nói, mỗi người càng thể hiện sự hiếu tâm của mình trong việc khéo léo cư xử tốt trong các trách nhiệm và bổn phận của mình đối với tự thân, đối với gia đình và xã hội càng cao bao nhiêu thì sự mong chờ hạnh phúc sẽ dễ dàng hóa thành hiện thực bấy nhiêu. Cụ thể, người đó cần thể hiện sự hiếu tâm qua thực thi bốn điều căn bản sau: 1. Làm việc giỏi, siêng năng, quản lý giỏi, giàu nghị lực vươn lên. 2. Bảo vệ tất cả của cải đã làm ra một cách hợp pháp. 3. Tiêu dùng đúng việc, đúng mức, không phung phí, không keo kiệt. 4. Giao lưu với bạn bè có tính khoan dung cởi mở, có tín, có thí, có giới và tuệ.
Tại đây, ta có thể nói đạo Phật chính là đạo hiếu, tâm hiếu là tâm Phật. Một người thực thi tâm Phật tức là thực thi một nếp sống thiện lành: hiếu kính với mẹ cha, hiếu đễ với bà con, hiếu tình với người bạn đời, hiếu thuận với mọi người xung quanh, chắc chắn người ấy sẽ có kết quả của một đời sống bình an nội tại ngay trong đời này; khi lâm chung sẽ sinh vào nơi cảnh giới an lành. Trên hết, thực thi tâm hiếu là thực thi sẽ bảo lưu mọi giá trị văn hóa truyền thống, sự kết nối giữa người còn kẻ mất theo nguyên lý duyên sinh duyên khởi:“Hiếu thuận hoàn sinh hiếu tử/Ngỗ nghịch hoàn sinh ngỗ nghịch nhi/Bất tín đãn khán thiềm đầu thủy/Điểm điểm trích trích bất sai di” (Nếu mình hiếu thảo mẹ cha/Mai sau con hiếu với ta khác gì/Nếu mình ăn ở vô nghì/Đừng mong con thảo làm gì uổng công/Kìa xem giọt nước xuôi dòng/Giọt sau, giọt trước cũng đồng một nơi).
Vậy là, bất cứ ai thực thi nếp sống hiếu hạnh tức là thực thi điềm lành tối thượng nhất ở đời. Suy cho cùng, hạnh phúc đồng nghĩa với sự hóa hiện những khát vọng mong chờ cuộc sống cao đẹp nhất trong hiện thực đời này, đời sau. Trong ý nghĩa đó, Vu lan là dịp để mọi người tiếp nối cho dòng chảy văn hóa thực thi hiếu hạnh tình người. Vu lan - nơi hội tụ hoa thơm quả ngọt dâng cho quá khứ cha mẹ bảy đời, cho cha mẹ hiện tiền, lục thân quyến thuộc, cho những ai hiện hữu trong cõi đời này.