Mới nghe đến hai chữ “cầu siêu” ta dễ dàng nghĩ ngay tới chết chóc, dễ thấy… ớn lạnh bởi vì đối với mình, cái chết là nỗi sợ - một tập khí tồn tại trong con người, trong những chúng sinh có sự sống, tất cả đều “ham sống sợ chết”.
Sợ chết bởi vì ta chưa biết sau khi chết mình sẽ đi đâu về đâu trong mịt mùng luân hồi. Sợ chết bởi vì ta nghĩ rằng chết có nghĩa là không còn tồn tại nữa, là mình sẽ mất hẳn đi. Sợ chết còn bởi vì ta nắm níu tài sản và những mối quan hệ thân thuộc, yêu thương… quanh mình và luyến ái những thứ đó, nghĩ rằng, mình sẽ xa rời, sẽ mất đi tất cả họ cũng như những cái thuộc về sở hữu thế gian của mình. Bởi vì tri giác sai lầm như thế nên ta đã rất sợ cái chết và đôi khi biến nó thành nỗi ám ảnh vô cùng trong cuộc sống của mình.
Chính vì thấy có và không, còn và mất trong cái nhìn nhị nguyên nên đã đưa tới nỗi sợ đó, nó làm mình mất bằng an và tất nhiên cũng sẽ dẫn tới hành động sai lầm. Từ cổ chí kim, có rất nhiều người từ vua quan tới thứ dân đều từng nghĩ tới việc kéo dài sự sống, thậm chí là thao thức việc sẽ tìm ra một loại thuốc giúp con người “trường sinh bất lão” hay chế ra dược phẩm có thể “cải tử hoàn sinh”. Lòng tham sống và sợ chết đó thật vô lý vì nó không tuân theo quy luật sinh-trụ-dị-diệt trong thiết chế vô thường trong từng sát-na, nên người ta đã khổ càng trở nên khổ.
|
Ảnh minh họa.
|
Khổ vì đi ngược lại với quy luật - cái khổ mang tên “cầu bất đắc ý”, sẽ càng khiến con người điên cuồng trong hành vi, dễ đưa tới việc làm phi nhơn tính. Có những câu chuyện lịch sử ghi lại việc vua-quan dùng người để nấu thuốc hay cúng tế quỷ thần để cầu xin được sống lâu và kết cuộc càng bi thương bởi oán hận chất chồng. Vì không nhận thức được “gieo nhân gì, gặt quả nấy” nên con người ta mới cuồng si trong hành động của mình, cái đó gọi là tà kiến. Cái thấy không chơn chánh dẫn tới tà nghiệp vì thấy sai sẽ nghĩ sai, nói bậy và làm ác. Do vậy, nếu không tin nhân quả thì ta dễ tạo nghiệp và dễ bị đọa lạc, bị rơi vào khổ đau ngay trong hiện tướng con người này.
Vì vậy, có thể thấy, nếu ta mong muốn mình sống lâu mà mình lại đi lấy mạng sống người khác hay hành hạ họ bằng cách sử dụng sức lực của họ để cung phụng cho mình thì đã là sai rồi. Không có chánh nhân thì kết quả không thể thành được.
Nhưng, nếu chấp nhận có sinh là có tử và mong muốn sự tử sanh luân hồi của mình là một quá trình đi lên (siêu), tức là được về cảnh giới cao hơn trong kiếp hiện tại mà thiếu tạo những nhân lành-thiện nhằm gom góp nội lực để khi “đi” mình có thể về được thế giới của Phật, Bồ-tát, Hiền Thánh… thì mình cũng không thể đến đó được.
Ở đây, ta thấy, có rất nhiều người tu Phật chỉ biết cầu xin với niềm tin gia hộ là chính, tức là chỉ dựa vào tha lực mà không bao giờ biết xắn tay ra làm việc thiện lành, không sửa ý-khẩu-thân mình tốt lên (thiếu tự lực) thì niềm mong ấy cũng là một sự tham lam vô lối. Giống như một người không làm mà cứ cầu xin được hưởng thì làm gì có thể được nếu không muốn nói là sự cầu nguyện kiểu đó dễ đưa tới mất niềm tin (bởi cầu hoài mà không được, sinh nghi rồi phỉ báng Phật, Bồ-tát không linh thiêng). Khi đó, người ấy đã biến Đức Phật và chư vị Bồ-tát, Thánh Hiền Tăng thành “thần linh” ban giáng tội-phước, càng làm mình đi sai đường, rơi vào chỗ không lành là cái chắc.
Do đó, “bộ ba” tín-hạnh-nguyện như một công thức để mở cánh cửa thực tập cho hành giả tu Phật. Trong đó, tín có nghĩa là tin Phật bao hàm cả kính và hiểu. Muốn hiểu thì phải học, phải suy nghiệm lời Phật dạy, thì mới có thể thấy được như yếu chỉ Ngài truyền trao trong kinh-luật-luận (Tam Tạng thánh điển). Hiểu rồi thì phải hành, tức là phải làm, hay phải ứng dụng vào trong đời sống hằng ngày - từ ý đến khẩu, đến thân (ba nghiệp). Dần dần, làm thanh tịnh ba nghiệp ấy (có định) và khi đó tuệ phát sinh, cũng như năng lực tâm linh hiện diện để mình có vốn liếng mà về cảnh giới của Như Lai.
Tất nhiên, trước khi “về” cõi Phật, tức là trước khi xả báo thân (hữu tướng) này thì trong tâm mình đã thấy Phật rồi, hay chứng quả chính là ở chỗ này. Quả ở đây có nhiều tầng bậc, tùy vào khả năng tu tập - sự dụng công học-hiểu-hành của mỗi người, nên cũng đồng là tiếp xúc với lời Phật dạy như nhau mà có người an lạc nhiều, người lại an lạc ít hoặc không có an lạc. Tất nhiên, hiểu sai lời Phật thì mang tiếng tu Phật nhưng lại thành… tà ma ngoại đạo, vì đâu có giống như con đường Phật đi, không theo gót Như Lai thì làm sao vào nhà Như Lai và ngồi tòa Như Lai?
Và khi đó, dầu lời nguyện vãng sanh, thành Phật của mình có tha thiết thế nào thì cũng chỉ là sự cầu cạnh một cách tham lam và không thể thấy Phật mà thấy ngạ quỷ, súc sanh vì lòng tham đưa tới. Hiểu thế để biết, cái gì là chánh nhân đưa tới quả giải thoát, và chọn một con đường tu tập cho đúng, phù hợp với căn cơ, rồi phải hành cho chuyên cần (không có giãi đãi) thì may ra mới giải thoát từng phần, mỗi ngày một ít, mỗi năm một chút, rồi cứ thế đi xa, hết đời này tới đời khác. Đó là niềm tin chân chánh, như vẫn hằng tin vào thọ ký của Đức Thế Tôn dành cho tất cả chúng sinh, rằng “…các ngươi là Phật sẽ thành” vậy. Sẽ thành Phật bởi vì trong mỗi chúng sinh đều có hạt giống đó, gọi là Phật tánh.
Đã tin rằng, trong cõi Ta-bà này có sinh thì phải có diệt, nhưng cũng cần nhớ rằng diệt và sinh ở đây không có nghĩa là có và không một cách bất biến, thường hằng mà là sự tiếp nối, sự chuyển hóa - cái nhìn bất nhị. Trong đó, ý niệm sẽ dẫn dắt, sẽ đưa đến những biểu hiện cụ thể, như Phật nói là “nhất thiết duy tâm tạo” trong kinh Hoa Nghiêm vậy.
Vậy, muốn siêu sinh khi thân mình hoại diệt là một cái “muốn” (ở con chữ thì thấy vẫn là còn dính mắc, nhưng nghĩ kỹ thì ngộ ra, nó là chỗ quy ngưỡng, hướng về của hành giả chứ không phải là ham muốn) thì phải “cầu siêu” cho chính mình bằng việc sống theo lời Phật dạy, hàng ngày, nguyện sống theo Phật dạy đời đời kiếp kiếp rồi tinh tấn mà sửa mình.
Tu cũng cần có thời gian, có quá trình, do vậy “giục tốc bất đạt”, nghĩa là nôn nóng quá sẽ không được, bởi đó cũng là tham. Do vậy, có người tu hình tướng theo Phật mà bị “tẩu hỏa nhập ma”, chính là vì họ nôn quá nên tu gấp, trong khi để đi tới vị trí ấy cần những điều kiện cụ thể, cần thời gian và quá trình. Ngoài ra, tu sai cũng là vấn đề, bởi nhận thức không đúng lời Phật dạy nên làm sai, làm sai thì dẫn tới kết quả không đúng mà biểu hiện “không giống Phật tử” chính “dấu hiệu nhận diện”.
Tóm lại, “cầu siêu” cho chính mình chính là sống an lạc trong chánh pháp của Như Lai và nguyện đi mãi trên con đường giác ngộ - giải thoát, nguyện cho tất cả chúng sinh trọn thành Phật đạo.