Danh xưng Quán Thế Âm và Quán Tự Tại

Google News

Hỏi: Danh xưng Quán Thế Âm Bồ tát và Quán Tự Tại Bồ tát là một vị Bồ Tát hay hai vị Bồ Tát khác nhau?

Trả lời: Chỉ là một vị Bồ tát Quán Thế Âm chứ không phải hai. Sở dĩ có tên gọi khác nhau như thế, là vì đứng trên hai phương diện mà nói. Gọi Quán Thế Âm là đứng về mặt tu nhân. Vì Bồ tát Quán Thế Âm khi còn ở địa vị tu nhân, thì Ngài dùng nhĩ căn để tu, gọi là : “Phản văn văn tự tính”, có nghĩa là Ngài nghe lại tính nghe của chính mình.

 

 

 

Thông thường, chúng ta khi nghe tiếng là chạy theo tiếng, phân biệt tiếng hay tiếng dở v.v…Ít có ai nghe lại tính nghe của mình. Tiếng thì lúc có lúc không, còn tính nghe thì thường hằng không bao giờ vắng mặt với mình. Nhưng khổ nổi là tất cả chúng ta đều nhận ở nơi tiếng mà quên mất tính nghe thường hằng. Do đó, trong Kinh Lăng Nghiêm Phật quở là: “Quên mình theo vật.”

Ngược lại, Bồ tát Quán Thế Âm nhờ ứng dụng tu đúng phương pháp Phật dạy: "Phản văn văn tự tính" mà Ngài chứng được Nhĩ căn viên thông, hoàn toàn làm chủ chính mình không còn lệ thuộc ở nơi thinh trần... tới lui tự tại vô ngại, bấy giờ gọi Ngài là Quán Tự Tại. Như vậy, danh xưng Quán Tự Tại là đứng về phương diện quả vị mà nói.

Thích Phước Thái

Chú thích: Bài đã được đăng trên một số trang cá nhân trên mạng Internet, đăng trên phatgiao.org.vn với sự cho phép của tác giả.

Theo Phật giáo Việt Nam

Bình luận(0)