Họ bật dậy khi tiếng chuông đổ lúc 5h sáng, rất nhanh gọn, người thì đặt xương, người chuẩn bị nước dùng. Sau đó khoảng 30 phút, họ đi chợ - không phải chợ hay siêu thị như ở TP HCM, Hà Nội. Để mua những thực phẩm tươi ngon, họ phải tới đúng giờ, giao dịch, trả giá bằng… tay, rồi khệ nệ tay xách nách mang cơ man nào thịt, cá, rau…
Đó là công việc rất thường ngày của “đội quân bí mật”, nhưng đóng góp quan trọng vào những chiến thắng của đội tuyển U.19 Việt Nam. Họ là những “anh nuôi” của đội bóng.
Mang mắm, mẻ lên máy bay là… nhiệm vụ quốc gia
Ngồi trước mặt tôi là hai chuyên gia dinh dưỡng Huỳnh Hoàng Phong và Lưu Nguyễn Quang Khải. Thật sự mà nói thì trông họ chẳng có dáng dấp gì của những…đầu bếp. Phong và Khải có phong thái giống những ông chủ hơn. Mà họ là ông chủ thật, ông chủ của nhà hàng Lúa Vàng khá nổi ở TP HCM.
|
Những "anh nuôi" của đội tuyển U.19 Việt Nam. |
Ấy thế khi “nhận mật lệnh” về việc giải cứu U.19 đang “mắc kẹt” về chuyện ăn uống bên Malaysia, họ lên đường ngay như thể họ giải cứu “binh nhì U.19” vậy. “Đó là thời điểm năm 2013, khi U.19 thi đấu ở Brunei - Quang Khải nói - tôi được thông báo là các em ở tuyển U.19 gần như không ăn được gì dù ở khách sạn 5 sao. Đơn giản, đó là vùng đất đạo Hồi nên khách sạn chỉ phục vụ món đạo Hồi, hầu như cà ri, rất khó ăn. Chúng tôi gồm 5 người đến nơi, tưởng dễ dàng nấu ăn cho các cầu thủ thì gặp chuyện. Đó là chủ khách sạn kiên quyết không cho chúng tôi vào bếp. Đây là điều dễ hiểu vì nếu là chúng tôi thì cũng vậy thôi, đối với nhà hàng, khách sạn, khu vực bếp là nơi tuyệt đối cấm người lạ”.
Ấy thế mà Phong và Khải thuyết phục được ông chủ khó tính sau đúng… 3 ngày năn nỉ. Xong chuyện bếp núc lại đến chuyện đi chợ. Những tưởng chỉ cần nhấc điện thoại “alô” như ở nhà thì sẽ có người mang đồ tươi sống đến. Nhưng không, chỉ có đồ đông lạnh. “Mình làm nhà hàng mình biết, đồ đông lạnh không đảm bảo. Nấu cho các em ăn ngộ nhỡ trước giờ thi đấu mà bị… đau bụng thì mình trở thành tội đồ”- Khải tiếp chuyện.
Đúng là chuyện ăn uống công phu, có chỗ nấu, mua được đồ tươi ngon, nhưng vẫn phải đứng “canh” các cầu thủ ăn. “Khó khăn là chọn đúng nguyên liệu, chọn đúng khẩu phần và làm đúng khẩu vị cho các em - Hoàng Phong bảo - ngay cả khi các em ăn, chúng tôi cũng quan sát, các em không ăn được là mình phải suy nghĩ rồi. Quan trọng là những gia vị đặc trưng như mắm, mẻ. Có khi vội quá chúng tôi xách tay mang lên máy bay. Tất nhiên là đóng gói cẩn thận. Mấy anh hải quan ngăn lại, không cho qua, vậy là chúng tôi hết năn nỉ đến… dọa nạt rằng: “Không có mấy thứ này mà các em U.19 thua là các anh chịu trách nhiệm đấy. Mang mắm, mẻ ra nước ngoài lúc này là…nhiệm vụ quốc gia”. Mấy anh ở sân bay “tạm cho qua”, nhưng lúc nào cũng nhắc: “Lần cuối cùng đấy nhé”.
Học ăn, học nói
Khải nói, hồi chưa có tư vấn dinh dưỡng, những ngày đầu tiếp xúc các em chúng tôi thấy: chuyên môn thì tốt rồi, nhưng thể lực thì yếu quá. Có em khỏe như Ksor Úc, nhưng đến phút 80 trở đi là… hết pin. Đều là do ăn uống cả. Các cầu thủ được luyện đá bóng, nhưng không được luyện ăn. Tiền vệ Tuấn Anh chẳng hạn, thường 7h tối đá thì 4h chiều phải ăn nhẹ, nhưng Tuấn Anh giờ ấy cứ ăn vào là… ói, vậy là nhóm đầu bếp phải cho Tuấn Anh uống kém thuốc trợ tiêu. Một số cầu thủ khác không uống được sữa, uống vào là ộc ra luôn. Hay có em chỉ thích ăn… cơm cà, không thích bánh mì bơ, sữa…
“Rồi thì chúng tôi và mấy anh Ban huấn luyện phải dọa các em là “ăn cũng là nhiệm vụ quốc gia” thì các em mới gắng” - Khải nói - Dần dần thì các em cũng hiểu tầm quan trọng của dinh dưỡng. Vì, hiệu quả là thấy rõ sau từng trận đấu. Công Phượng là cầu thủ có tố chất của một ngôi sao. Trước đây Phượng ăn uống cũng rất bừa, nhưng sau khi được tư vấn, hầu như khi ăn gì, Phượng cũng cố hỏi chúng tôi xem ăn thức ăn đó thì năng lượng bao nhiêu, so với bát cơm, so với bát phở thế nào… Phải nói là Phượng ăn uống kỹ càng, ngay cả những thức ăn trước đây Công Phượng không thích, nhưng thấy tốt cho thể lực là ăn cho bằng được”.
Hồi cuối năm, khi đội tuyển U.19 Việt Nam đá liên tục mấy giải, các chuyên gia lo lắng về việc họ sẽ bị quá tải, nhất là giai đoạn đá 2 ngày/trận như giải U.19 Châu Á. Ấy thế mà U.19 Việt Nam không hụt hơi, chơi ngang ngửa với U.19 Hàn Quốc, U.19 Nhật Bản.
“Vũ khí bí mật” của U.19
Nhưng cả Khải và Phong đều thừa nhận, trong thể thao hiện đại, chỉ ăn qua đường thực phẩm thông thường thì chưa đủ. Thể lực cầu thủ muốn đảm bảo, phải có sự hỗ trợ bằng những giải pháp dinh dưỡng đặc biệt. Hóa ra cái “đặc biệt” mà cả hai chuyên gia dinh dưỡng nói chỉ đơn giản là…sữa và ngũ cốc dinh dưỡng.
Bác sĩ Trần Thị Minh Nguyệt - người có thời gian theo dõi sự phát triển của các cầu thủ U.19, đặc biệt là những cầu thủ U.19 HAGL nói: “Những lần các em đi thi đấu ở xa, chúng tôi đã lên thực đơn cẩn thận và đưa đầu bếp qua tận nơi nấu ăn cho các em. Tuy nhiên, việc đưa đầu bếp đi chỉ là tạm thời, về lâu về dài, chúng tôi muốn hướng các em tới sự chuyên nghiệp, rèn luyện các em cho dù trong môi trường hoàn cảnh nào thì cũng vẫn tự ý thức phải ăn đủ và đúng thực phẩm để đảm bảo thể lực thi đấu”.
Hồi tháng 3/2014, Viện Dinh dưỡng TP HCM có tiến hành khảo sát lứa cầu Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường và đưa ra kết luận khiến nhiều CĐV…đau lòng: Các cầu thủ này không còn khả năng tăng trưởng chiều cao ở mức tối ưu, nhiều cầu thủ thấp còi.
Một quyết định được đưa ra: Các cầu thủ phải dùng bột ngũ cốc và sữa Grow Plus trong một thời gian dài, mỗi ngày… 4 hộp. Bác sĩ Nguyệt nói: “Hóa ra đó lại là thứ... "vũ khí bí mật". Thật ra, đó là những sản phẩm cho trẻ em thấp còi, nhưng lại được dùng cho những cầu thủ đã 18 tuổi nhằm can thiệp tăng trưởng chiều cao tối ưu”. Điều không ngờ là những cầu thủ U.19, tưởng chừng như không thể cao to hơn được bỗng…lớn như thổi. Thật khó tin là Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường đã tăng chiều cao thêm vài cm trong vòng chưa đến một năm. Đặc biệt Công Phượng từ chỗ “mỏng manh” đã khá “dày cơm”.
Sự có mặt của những chuyên gia dinh dưỡng như Hoàng Phong, Quang Khải cũng như “vũ khí bí mật” từ việc bổ sung dinh dưỡng đã khiến ông bầu Đoàn Nguyên Đức chấp nhận gói hợp đồng tài trợ lên tới hàng chục tỉ từ NutiFood từ mùa giải 2015. Dường như câu chuyện về thể lực của cầu thủ Việt đã có lời giải.
Trong khi đó, bác sĩ Nguyệt thì khẳng định: “Thật ra cũng chẳng có vũ khí gì bí mật, dinh dưỡng là một phần quan trọng của bóng đá chuyên nghiệp. Thường khi cầu thủ đã trưởng thành mới can thiệp dinh dưỡng, thế là muộn. Phải cho các cầu thủ được bổ sung những thực phẩm đặc biệt từ lứa tuổi U.12, U.13 thì mới cho ra lò các cầu thủ có thể hình và thể lực tối ưu”.
Thành công của tuyển U.19 đã chứng minh điều này, còn ông bầu Đoàn Nguyên Đức hôm ký hợp đồng với NutiFood thì cười nháy mắt: “Tôi dám chắc không đội bóng nào trên thế giới dám cho 28 người gồm cầu thủ lẫn ban huấn luyện nghỉ để nhường chỗ cho các cầu thủ mới 19 tuổi. Tôi làm vậy vì tin rằng lứa cầu thủ này sẽ thành công và để lại ấn tượng đẹp khi thi đấu tại các sân vận động trên cả nước”. Niềm tin của bầu Đức có thể bắt nguồn từ việc HAGL là đội bóng đầu tiên tiến hành cuộc cách mạng về dinh dưỡng cho cầu thủ. Công đầu phải kể đến “đội quân bí mật” của U.19 Việt Nam…