Ý đồ thật của ông Trump khi xé bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran

Google News

Việc Tổng thống Trump quay lưng với thỏa thuận hạt nhân Iran đã làm rõ lập trường cứng rắn của Mỹ về yêu cầu giải giáp hoàn toàn hạt nhân trước cuộc gặp với lãnh đạo Triều Tiên.

Quyết định xé bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran của Tổng thống Trump nhận nhiều chỉ trích khi bị cho là hủy hoại uy tín của nước Mỹ trên trường quốc tế. Tuy nhiên, Nhà Trắng đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ tới các đối thủ, và đặc biệt là Triều Tiên, rằng những đe dọa của Washington sẽ không phải là "lời nói gió bay".
Mỹ chỉ chấp nhận thỏa thuận thực sự
Nhiều tháng qua, các chuyên gia chính sách đối ngoại đã cảnh báo nếu Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Nhà Trắng sẽ càng khó thuyết phục Bình Nhưỡng tin tưởng vào những cam kết của mình trong nỗ lực giải giáp hạt nhân bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, ông Trump và bộ máy có cách nhìn khác. Giới chóp bu tại Washington coi bước đi hôm 9/5 là thông điệp nhắc nhở nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên rằng Mỹ không chấp nhận bất cứ điều khoản nào mà cuối cùng lại để cho Bình Nhưỡng tái khởi động chương trình hạt nhân.
Tổng thống Trump quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Ảnh: New York Times. 
"Một khía cạnh khác của quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran là khẳng định vị thế mạnh mẽ của Mỹ, đây là thông điệp không chỉ cho Iran mà cho cả cuộc gặp tới đây với Triều Tiên. Thông điệp rất rõ ràng, Tổng thống Trump muốn một thỏa thuận thực sự", Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton tuyên bố.
Trong khi nhiều chuyên gia về Triều Tiên coi bước lùi trong vấn đề Iran sẽ làm phức tạp hóa cuộc hội đàm ngày 12/6 tới đây tại Singapore, một số khác nhìn nhận Nhà Trắng đang cố gắng tạo ra sự thống nhất trong các thông điệp gửi tới Bình Nhưỡng.
Trước đó, chính quyền Mỹ nhiều lần tuyên bố mục đích cuối cùng của Washington là chấm dứt hoàn toàn chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, điều mà thỏa thuận hạt nhân năm 2015 không làm được với Iran.
"Việc rút khỏi thỏa thuận Iran đã cho công luận Mỹ, cộng đồng quốc tế, và cả Triều Tiên thấy chính quyền Trump sẽ không chấp nhận thỏa thuận mà họ coi là 'yếu'. Ông Trump cũng tuyên bố rõ là ông ấy đã nói gì thì sẽ làm đúng như vậy", chuyên gia Sue Mi Terry từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định.
Từ sau khi thỏa thuận hạt nhân Iran đạt được năm 2005, Tehran ngày càng mở rộng hiện diện quân sự tại Syria, đồng thời tăng cường viện trợ cho phiến quân Houthi trong cuộc nội chiến Yemen. Nhà phân tích Columb Strack từ Cơ quan tư vấn chính sách IHS Markit, London, cho rằng quyết định hôm 9/5 cũng là "đòn dằn mặt" của Washington vào chính sách bành trướng ảnh hưởng của Iran những năm qua, đồng thời nhắc nhở Triều Tiên rằng Washington sẽ mạnh tay nếu lợi ích của Mỹ và đồng minh bị tổn hại.
"Vấn đề về hạt nhân có thể không bị vi phạm, nhưng hành vi ở những lĩnh vực khác, nếu chạm vào lợi ích của Mỹ, cũng sẽ bị trừng phạt. Các đối thủ của Washington nên nhận thức được điều này", ông Strack đánh giá.
Triều Tiên được lợi từ đổ vỡ của thỏa thuận Iran
Triều Tiên từng rơi vào hoàn cảnh hiện tại của Iran trong quá khứ khi Thỏa thuận Khung 1994 không được Washington tuân thủ đầy đủ. Thỏa thuận này cuối cùng đổ vỡ hoàn toàn năm 2006 sau khi quốc hội Mỹ từ chối cung cấp tài chính cho các dự án xây dựng lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ, cam kết mà trước đó chính quyền Clinton thỏa thuận với Bình Nhưỡng.
"Triều Tiên không cần chờ đến lúc thỏa thuận hạt nhân Iran đổ vỡ mới nhận ra cam kết với Mỹ mong manh tới mức nào", Mintaro Oba, chuyên gia nghiên cứu quốc tế từ Đại học American, nhận định.
Đây là lý do chính khiến Triều Tiên nhiều lần kêu gọi lộ trình giải giáp hạt nhân phải được thực hiện bằng "các giải pháp từng bước và đồng bộ trên tinh thần trách nhiệm". Quan điểm này được nhà lãnh đạo Kim Jong Un nhấn mạnh trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại Liên hôm 7/5.
 Nhà lãnh đạo Kim Jong Un nhấn mạnh giải pháp "từng bước và đồng bộ" trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 7/5. Ảnh: CBC.
Triều Tiên muốn đảm bảo sự tồn tại của thỏa thuận với Mỹ, bằng cách bắt đầu từ những cam kết nhỏ và cùng tiến tới các mục tiêu tham vọng nhưng khó khăn hơn, dựa trên tiền đề là Mỹ thực hiện các cam kết trước đó theo từng giai đoạn.
Thực tế, thỏa thuận hạt nhân Iran đổ vỡ sẽ khó có khả năng tác động lớn tới lập trường của Triều Tiên. Nó thậm chí còn trao cho Bình Nhưỡng công cụ truyền thông - ngoại giao hoàn hảo trước cuộc hội đàm thượng đỉnh Mỹ - Triều.
"Một mặt, nó củng cố thêm lập trường của Triều Tiên với cách tiếp cận 'từng bước và đồng bộ' tiến tới phi hạt nhân hóa. Mặc khác, Bình Nhưỡng nay có cái cớ, trong trường hợp đàm phán Mỹ - Triều đổ vỡ, để đổ lỗi cho sự thiếu thiện chí từ Washington như những gì xảy ra trong trường hợp Iran", Mark Dubowitz, giám đốc tổ chức Foundation for Defense of Democracies, đánh giá.
Nếu hội đàm Mỹ - Triều tới đây kết thúc với thỏa thuận như kỳ vọng của Bình Nhưỡng, đó sẽ là một chiến thắng ấn tượng cho nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Trong trường hợp hai bên không tìm được tiếng nói chung, Mỹ nhiều khả năng sẽ bị dán mác "kẻ xấu", hệ quả từ việc ông Trump đã xé bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran. Kết quả này nhiều khả năng sẽ nới rộng khoảng cách giữa Mỹ và các đối tác và đồng minh tại khu vực.
Theo Duy Anh/Zing.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)