Vụ nhà báo Khashoggi bị sát hại tại lãnh sự quán Saudi Arabia ở thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) hôm 2/10 thực sự đã vượt qua khỏi tầm kiểm soát của Riyadh, và người chịu trách nhiệm lớn nhất cho cuộc khủng hoảng chính trị này chính là Thái tử Mohammad bin Salman - người được cho sẽ kế vị ngai vàng Saudi Arabia trong tương lai. Hiện tại, Saudi Arabia đang phải đối diện với "hậu quả" và những đòn trừng phạt đầu tiên đến từ phương Tây.
Sau cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi, bất chấp lợi ích kinh tế mang lại từ những hợp đồng mua bán vũ khí trị giá hàng tỉ USD với Saudi Arabia, nhiều nước Châu Âu vẫn quyết định "mạnh tay" với Riyadh.
Ngày 19/11 vừa qua, Đức đã áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với 18 công dân Saudi Arabia bị tình nghi liên quan đến vụ sát hại nhà báo Khashoggi hồi tháng trước, sau khi Bộ Kinh tế Đức xác nhận rằng toàn bộ các thỏa thuận vũ khí với Riyadh đã bị hủy bỏ hoàn toàn.
Bộ Ngoại giao Đức thông báo tất cả các biện pháp trừng phạt được áp đặt cùng sự phối hợp với Anh và Pháp. 18 công dân Saudi Arabia này cũng sẽ bị cấm vào tất cả 26 quốc gia thuộc Khối Schengen.
|
Nhà báo Khashoggi (trái) và Thái tử Mohammed bin Salman. Ảnh: Getty. |
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian ngày 20/11 cho biết Paris sẽ sớm đưa ra quyết định trừng phạt các cá nhân có liên quan tới cái chết của nhà báo Saudi Arabia Jamal Khashoggi.
"Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với Đức và sẽ sớm có quyết định của mình về việc trừng phạt. Chúng tôi tin rằng cần phải có một lệnh trừng phạt nghiêm khắc hơn một khi toàn bộ sự thật được phơi bày", ông Le Drian nói với đài Europe 1.
Tuy nhiên, ông Le Drian không cung cấp thông tin cụ thể về các biện pháp trừng phạt, những cá nhân bị trừng phạt cũng như thời điểm áp dụng.
Về phía Mỹ, Tổng thống Trump cho rằng việc từ bỏ thỏa thuận vũ khí trị giá 110 tỷ USD của nước này với chính phủ Riyadh là một điều “ngu ngốc”. Ông chủ Nhà Trắng lên án vụ sát hại nhà báo Khashoggi, nhưng không tin Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đứng sau vụ việc.
Trước đó, ngày 15/11, Mỹ đã tuyên bố trừng phạt 17 quan chức Saudi Arabia bị nghi ngờ có dính líu trong vụ sát hại nhà báo. Mặc dù vậy, chính quyền của ông Trump ngày 21/11 bày tỏ quan điểm sẽ không trừng phạt thêm Saudi Arabia cũng như Thái tử nước này.
Theo nhận định của cựu Đại sứ Mỹ tại Kuwait, ông Richard LeBaron, Riyadh có rất nhiều cách để đáp trả lại các biện pháp trừng phạt nhưng không biện pháp nào có thể giúp họ trong ngắn và dài hạn, bởi chúng đều hủy hoại hình ảnh của chính quyền và sức hấp dẫn của thị trường Saudi Arabia.
|
Tổng thống Trump (phải) và Thái tử Salman. Ảnh: ABC.net. |
Cái chết của nhà báo Khashoggi không chỉ khiến Riyadh hứng chịu các đòn trừng phạt từ cộng đồng quốc tế mà còn có thể làm thay đổi người trị vì vương quốc này trong tương lai. Trước sự phản ứng quyết liệt từ quốc tế và ngay trong chính hoàng gia Saudi Arabia, nhiều người cho rằng vị trí của Thái tử Salman đang bị lung lay.
Theo hãng thông tấn Reuters dẫn 3 nguồn tin thân cận với tòa án hoàng gia Saudi Arabia cho biết, sau vụ sát hại nhà báo Khashoggi hồi tháng 10/2018, hàng chục hoàng tử và anh chị em họ trong Hoàng tộc Al Saud đang tìm cách ngăn Thái tử Salman (thường được phương Tây gọi là MbS) lên ngôi vua sau này.
Họ được cho là đang thảo luận với các thành viên khác về khả năng Hoàng tử Ahmed bin Abdulaziz 76 tuổi, em trai của Quốc vương Salman và là chú của Thái tử kế vị Mohammed, có thể sẽ tiếp quản ngai vàng sau khi đương kim Quốc vương Saudi Arabia qua đời.
Mời độc giả xem thêm video: Thái tử Salman nói về vụ sát hại nhà báo Khashoggi (Nguồn: Daily Mail)
Một nguồn tin Saudi Arabia tiết lộ thêm, Hoàng tử Ahmed nhận được sự ủng hộ của các thành viên trong gia đình hoàng gia, bộ máy an ninh và một số cường quốc phương Tây.
Trước đó, sau khi xuất hiện thông tin nhà báo Khashoggi mất tích và nghi bị sát hại, Le Figaro đã đưa tin, gia đình Hoàng gia Saudi Arabia cho rằng những hành động của Thái tử Salman đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của đất nước nên sẽ thay thế ông bằng người em trai là Hoàng tử Khalid, hiện đang là Đại sứ tại Mỹ.
Hội đồng Tận trung Saudi Arabia được cho là đang xúc tiến bầu chọn Hoàng tử Khalid bin Salman làm Phó Thái tử. Một nguồn tin từ Saudi Arabia cho hay, Hoàng tử Khalid sẽ từng bước nắm quyền và thay thế anh mình.