|
Nhật ký của Hitler – tập tài liệu bí ẩn từng giúp tờ báo Sunday Times hốt bạc nhưng nhanh chóng bị bóc trần là đồ giả. |
Cuốn nhật ký gây sốc
Tháng 4.1983, tờ Sunday Times của Anh làm chấn động thế giới với bài đăng có tên Toàn tập Nhật ký Hitler, công bố những thông tin chưa từng được biết đến của trùm phát xít Hitler.
Tờ báo nhanh chóng gây sốt và bán được hơn 1 triệu bản cho số báo ấy. Nhận thấy tiềm năng béo bở, tờ Sunday Times tiếp tục triển khai các đề tài liên quan đến cuốn nhật ký cho các số báo sau.
Thực chất, “Nhật ký của Hitler” được tạp chí Stern bán lại bản quyền khai thác cho Sunday Times với mức giá cao ngất ngưởng 200.000 USD. Người đem lại câu chuyện sốt dẻo cho tạp chí Stern là Gerd Heidemann – một phóng viên kì cựu của báo và có sở thích sưu tầm các món đồ liên quan đến phát xít Đức.
Theo lời kể của Heidemann, ông ta đã thu thập được một số quyển sách cũ kỹ, trong đó là những ghi chép bằng tay của trùm phát xít Adolf Hitler.
|
Bản sao lưu hành cuối cùng của Nhật ký Hitler được bán đấu giá tại Berlin năm 2004. |
Ban biên tập của tạp chí Stern tất nhiên không thể bỏ qua tin tức đặc biệt này, và họ đều cuốn hút vào hành trình lưu lạc của các cuốn nhật ký.
Theo đó, một máy bay chở đồ đạc của Hitler đã rơi tại thành phố Dresden (Đức), các nông dân gần đó thu thập lại những cuốn nhật ký rồi giấu ở mái nhà. Sau đó, tập nhật ký rơi vào tay một sĩ quan quân đội cấp đội cấp cao bí ẩn của Đông Đức.
Dựa theo quyền “bảo vệ nguồn tin”, Heidemann chỉ cho ban biên tập của tờ Stern biết vị sĩ quan quân đội đang cần tiền nên muốn bán đi những tập tài liệu quý hiếm.
Cuối cùng, qua một thời gian dài thương thuyết, tạp chí Stern đã chi tổng cộng 2,35 triệu Bảng Anh để sở hữu 60 quyển nhật ký của Hitler.
Một màn kịch không hơn không kém
Tất nhiên, trong quá trình thương thảo, tạp chí Stern cũng tìm cách kiểm định mức độ chính xác của các tài liệu chưa từng được ai biết đến trước kia song điều khó hiểu là không một chuyên gia nào phát hiện cuốn nhật ký là đồ giả.
Qua nhiều lần kiểm tra, kết quả trả về đều kết luận chữ trong nhật ký trùng với chữ viết của trùm phát xít. Thực chất, phiên bản gốc được gửi đi để kiểm chứng cũng do một tay Heidermann sắp đặt từ trước.
Sử gia nổi tiếng Hugh Trevor-Roper viết lời đề tặng cho bài đăng của tờ Sunday Times là “tài liệu có ý nghĩa lịch sử”. Song, cũng chính ông bắt đầu hoài nghi tính xác thực của những cuốn nhật ký.
Sau đó, giữa Hugh Trevor và ông chủ Rupert Mudoch của Sunday Times đã nảy ra tranh cãi lớn. Bất chấp nghi ngờ của vị sử gia, ông Mudoch vẫn tiếp tục cho đăng những số tiếp theo liên quan đến cuốn nhật ký.
|
Gerd Heidemann bên cạnh các quyển nhật ký giả mạo. |
Ngày 25.4.1983, tờ Stern tổ chức họp báo công bố quyền sở hữu với Nhật ký của Hitler. Chuyên gia Hugh Trevor cũng có mặt tại đó và can đảm nói lên nghi ngờ của mình.
“Tôi rất tiếc vì các phương pháp kiểm định thông thường đã bị bỏ qua, nhường chỗ cho bài báo gây sốt ra đời”, ông nói.
Sử gia Trevor không phải người duy nhất nhận ra tính mập mờ của những cuốn nhật ký. Trong buổi họp báo, nhiều người đặt ra dấu hỏi về việc trên thực tế, tháng 7.1944, Hitler bị thương ở tay và không thể viết được.
Vụ việc trở nên ồn ào đến mức thủ tướng Đức Helmut Kohl lúc bấy giờ cũng bày tỏ mối nghi ngờ về tính xác thực của cuốn nhật ký.
Ngày 6.5.1983, kết quả giám định mới nhất chỉ ra loại mực được viết trong các cuốn nhật ký là mực hiện đại, không phải loại mực từ khi Hitler còn sống. Lượng clo đo được trong mực bay hơi cho thấy những dòng chữ trong nhật ký mới chỉ được viết từ 2 năm trước.
Vụ việc vỡ lở trong chốc lát. Hai tổng biên tập của tạp chí Stern từ chức vài giờ sau đó.
Gerd Heidemann buộc phải cung cấp nguồn tin của mình - một người đàn ông tên Konrad Kujau. Hai người bị bắt ngay sau đó.
Kẻ chuyên lừa đảo bán các vật phẩm liên quan đến trùm phát xít
Konrad Kujau từng có công việc giả mạo các tác phẩm tranh vẽ dưới tên Hitler để kiếm tiền từ những người hứng thú thích sưu tập đồ của trùm phát xít. Hầu hết các hoạt động mua bán đồ vật liên quan đến người đứng đầu Đức Quốc xã đều diễn ra lén lút nên chính người mua cũng không thể nhờ các chuyên gia kiểm định chính xác.
Lợi dụng kẽ hở này, Kujau đã vẽ các bức tranh rồi đổ nước trà lên để khiến chúng nhìn thật cũ kỹ, dưới mỗi bức tranh Kujau lại tự viết những dòng để tặng và nói đó là lời Hitler nhắn nhủ đồng đội.
Nhận ra công việc dễ dàng kiếm tiền, Kujau tiếp tục “sáng tác” ra cuốn “Nhật ký của Hitler” với tổng cộng 60 quyển.
Nguồm cảm hứng để Kujau đặt bút bao gồm một cuốn kỷ yếu của Đức Quốc xã năm 1935. Tuy nhiên, với vốn tư liệu ít ỏi, Kujau không ít lần viết ra những chi tiết buồn cười như miêu tả việc Hitler đi ra bưu điện để gửi điện tín.
Năm 1978, cuốn “nhật ký của Hitler” đầu tiên ra đời và được Kujau bán cho một người sưu tầm đồ phát xít. Một năm sau đó, Gerd Heidemann biết đến thông tin này và thông đồng với nhau hòng kiếm chác số tiền lớn từ việc đăng bài.
|
Konrad Kujau – tác giả của các cuốn nhật ký giả mạo đã hợp tác với Heidemann để móc túi các tờ báo. |
Trước tòa, Heidemann một mực phủ nhận cáo buộc và khẳng định ông ta cũng chỉ là một nạn nhân của Kujau. Hai người không ngừng công kích nhau tại tòa khi Kujau cũng tố cáo Heidemann đã hợp tác với mình để thực hiện vụ lừa đảo.
Sau cùng, hai người đều nhận mức án 4 năm 8 tháng tù giam với tội danh tung tin tức thất thiệt.
Đây được coi là vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử báo chí Đức, khiến nhiều cái tên uy tín trong giới chuyên gia bị ảnh hưởng. Tên tuổi sử gia Hugh Trevor đến cuối đời vẫn bị nhắc đến cùng với vụ tin tức giả chấn động này.
Về phía hai kẻ chủ mưu vụ việc, Kujau lui về sống tại Majorca trước khi qua đời vào năm 2000, thọ 62 tuổi. Còn những năm tháng cuối đời của Heidemann loanh quanh trong một căn hộ chật hẹp, điều kiện sống thiếu thốn với mức thu nhập chỉ 280 USD/ tháng.