Theo War History Online, âm mưu ám sát Hitler ở thời điểm năm 1944 không phải là điều gì đó quá mới mẻ. Hồi tháng 7.1944, chiến dịch ám sát Hitler, cướp chính quyền Đức Quốc xã của Đại tá Claus von Stauffenberg kết thúc bằng vụ đánh bom thất bại.
|
Trùm phát xít Đức Adolf Hitler. |
Trước đó một năm, Johann Georg Eiserz trở thành người đầu tiên ám sát hụt trùm phát xít Hitler bằng vụ gài mìn thất bại. Quả bom nổ chỉ 5 phút sau khi Hitler kết thúc bài phát biểu thường niên.
Ở thời điểm đó, người Anh rất muốn ám sát Hitler để có thể sớm kết thúc Thế chiến 2, cứu sống hàng triệu sinh mạng. Có nhiều kế hoạch được đặt ra, từ đánh bom đoàn tàu Hitler cho đến đổ thuốc độc vào nguồn nước nhưng đều bị hủy bỏ vì tính khả thi thấp.
Mọi chuyện thay đổi kể từ cuộc đổ bộ Normandy ở Pháp vào ngày 6.6.1944. Trong trận đánh dẫm máu đó, một trong những cận vệ của Hitler bị bắt sống và đem đi thẩm vấn.
Người này nói mình từng bảo vệ Hitler ở dinh thự Berghof, trên dãy núi Bavaria. Đây là nơi Hitler thường ở lại trong phần lớn thời gian diễn ra Thế chiến 2.
Dinh thự này nằm trong một khu phức hợp lớn mang tên Obersaltzberg. Hầu hết sỹ quan cấp cao của phát xít Đức khi đó đều được cấp nhà ở đây. Dù Hitler có ở dinh thự hay không, lá cờ phát xít Đức luôn được treo cao và dễ dàng được người dân địa phương nhìn thấy từ thị trấn Berchtesgaden.
Theo lời kể của cận vệ này, cứ vào lúc 10 giờ sáng, Hitler sẽ rời dinh thự để đi bộ đến địa điểm uống trà gần đó và dùng bữa sáng. Chuyến đi bộ thường mất khoảng 15-20 phút.
Hitler cảm thấy an toàn trong khu phức hợp, được canh phòng cẩn mật nên trùm phát xít luôn đi một mình, trừ khi có khách đến thăm. Nếu không, ngay cả cận vệ của Hitler cũng không thể tháp tùng.
Dĩ nhiên, Hitler được bảo vệ bởi vô số những tháp canh rải rác xung quanh khu dinh thự. Lính canh không rời mắt khỏi Hitler ở khoảng cách 100-500 mét.
Đơn vị trinh sát của quân đồng minh khi đó đã chụp được những bức ảnh chi tiết về khu dinh thự Berghof. Họ biết rõ địa hình ở đó và xác nhận thói quen của Hitler mỗi sáng.
Họ còn biết rằng cách đó vài trăm mét là một khu rừng nằm ngoài dinh thự. Xạ thủ bắn tỉa Anh hoàn toàn có thể ẩn nấp ở đó, chờ thời cơ thích hợp để ám sát Hitler.
Ngay cả khi phát đạn đầu tiên trượt mục tiêu, xạ thủ vẫn còn cơ hội thứ hai khi Hitler quay về ẩn nấp trong nhà.
Nhưng Berghof nằm sâu trong lãnh thổ phát xít. Bất cứ một ai nhận nhiệm vụ ám sát đều phải phù hợp cả về thể chất và tinh thần. Người đó phải là một xạ thủ, nói trôi chảy không chỉ tiếng Đức mà còn âm điệu của người vùng đó để không bị phát hiện. Đây cũng không phải là nhiệm vụ tự sát.
Chiến dịch Foxley được lên kế hoạch tỉ mỉ, bao gồm một người nói tiếng Đức và một xạ thủ Anh. Họ phải mặc quân phục Đức, nhảy dù ở vùng lân cận và tiếp cận địa điểm đã lựa chọn sẵn.
Để đến được khu dinh thự của Hitler, hai lính bắn tỉa Anh cần một tay trong. May mắn thay, người Anh tìm được một cựu chiến binh Đức tên Heidentaler. Người này sống ở Salzburg, cách dinh thự Berghof khoảng 20km. Heidentaler cũng là người căm ghét chủ nghĩa phát xít.
Heidentaler là chủ một cửa hàng tạp hóa, thường đi săn bắn ở khu vực cách ngọn núi nơi Hitler ở lại khoảng 16km, nên anh ta nắm rõ địa bàn trong lòng bàn tay.
Tình báo Anh khẳng định Heidentaler rất muốn tiêu diệt Hitler, sẵn sàng hợp tác giúp hai lính bắn tỉa Anh hoàn thành nhiệm vụ.
Danh tính hai lính bắn tỉa không được tiết lộ, nhưng họ trải qua hàng tháng trời luyện tập bằng khẩu Kar 98K, mẫu súng trường tiêu chuẩn của Đức. Họ cũng được trang bị súng ngắn Parabellum Luger 9mm với nòng giảm thanh, để sử dụng trong tình huống khẩn cấp.
Địa điểm huấn luyện được thiết y hệt như những gì lính Anh sẽ gặp phải khi đặt chân xuống dãy núi Bavaria.
Mọi thứ đã được chuẩn bị xong và kế hoạch sẵn sàng vào tháng 11.1944. Nhưng Trung tá Ronald Thornley, phó tư lệnh sở Chỉ huy các chiến dịch đặc biệt của Anh (SOE, tiền thân của Cơ quan tình báo Anh) lại nghĩ ngược lại.
Cái chết của Hitler có thể khiến phát xít Đức có cớ đổ lỗi cho thất bại, dấy lên những câu chuyện thần thánh hóa về trùm phát xít. Để tránh khả năng nổ ra Thế chiến 3, quân đồng minh muốn Hitler phải thua trên chiến trường, chứ không phải bị ám sát.
Ở thời điểm đó, phát xít Đức bị đẩy lùi trên khắp mặt trận, nên nhiệm vụ giành thắng lợi hoàn toàn là hoàn toàn có thể. Nếu Hitler bị ám sát, một người tài giỏi hơn lên nắm quyền có thể đưa ra quyết định chính xác hơn, khiến quân Đồng minh đối mặt với nhiều bất lợi trên chiến trường.
Vậy nên cuối cùng cơ quan tình báo Anh đã gác lại Chiến dịch Foxley, cùng nhiệm vụ ám sát trùm phát xít Adolf Hitler bằng xạ thủ bắn tỉa.