Nhà giàu khôn ngoan
Từ năm 2010, Trung Quốc đã chính thức vượt qua Nhật Bản để trở thành là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới và có tốc độ phát triển nhanh gấp 4 lần Nhật và Mỹ. Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), sản lượng quốc gia (GDP) của Trung Quốc năm 2012 là 8.358 tỷ USD chỉ đứng sau Mỹ (15.680 tỷ USD) và xếp trên cả Nhật (5.969 tỷ USD) – trong khi đó GDP của Anh chỉ là 2.435 tỷ USD. Như vậy, tính theo GDP, Trung Quốc “giàu” hơn Anh gần đến bốn lần.
Thu nhập bình quân đầu người mỗi năm của người dân Trung Quốc đã tăng từ 279 USD vào năm 1982 lên đến 6.086 USD vào năm 2012, còn nếu tính theo PPP (sức mua ngang giá) thì mức thu nhập bình quân này lên đến 9.100 USD vào năm 2012. Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) còn dự báo đến năm 2016, tính về sức mua, Trung Quốc thậm chí còn có khả năng vượt qua cả Mỹ.
Trong những năm gần đây, thặng dư thương mại của Trung Quốc luôn nằm ở mức 200-300 tỷ USD/năm. Cộng các khoản tiền thặng dư này qua nhiều năm, Trung Quốc có được trữ ngoại tệ ở mức khổng lồ 2,4 nghìn tỷ USD vào đầu năm 2010, chủ yếu dưới dạng tiền cho các nước khác vay, trong đó khoảng 70% (khoảng 1,7 tỷ USD) là cho Mỹ vay. Bắc Kinh đang là chủ nợ lớn nhất của Washington. Trong quý 1 năm 2013, Trung Quốc là nước có dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, khoảng 3,4 nghìn tỉ USD.
Một vài năm qua cũng chứng kiến việc “kẻ mới giàu” Trung Quốc tham gia vào các cuộc chơi của giới “đại gia thế giới” như phát triển vũ khí hay công nghệ vũ trụ. Trung Quốc hiện cũng là quốc gia có chi tiêu quốc phòng lớn thứ 2 trên thế giới. Theo số liệu của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (Stockholm International Peace Research Institute), chi tiêu cho quốc phòng của Trung Quốc năm 2013 là 166 tỷ USD.
|
Trung Quốc phóng tàu vũ trụ “Hằng Nga 3” để đưa với robot tự hành Thỏ Ngọc (Jade Rabbit) lên mặt trăng, tháng 12/2013. |
Sau khi phóng thành công tàu vũ trụ Thần Châu 6, Trung Quốc cũng chính thức bước vào "cuộc chơi" không gian cùng các cường quốc như Nga, Mỹ. Bắc Kinh cũng tiến hành một chuyến bay có người lái khác vào vũ trụ như một bước khởi đầu cho việc xây trạm vũ trụ riêng vào năm 2020; công bố kế hoạch phóng một tàu thí nghiệm quỹ đạo vào khoảng năm 2015; và phóng một tàu vũ trụ tới mặt trăng với cuộc hạ cánh mềm đầu tiên xuống "chị Hằng" trong 37 năm qua.
Trong 6 tháng đầu năm nay, lần đầu tiên Trung Quốc dẫn đầu thế giới về số lượng phóng tàu vũ trụ. Trung Quốc thực hiện 10 vụ phóng thành công, Nga - 9, Mỹ - 8 vụ. Trung Quốc đang gia tăng kinh phí nhà nước để đào tạo chuyên gia cho ngành công nghiệp không gian.
|
Trung Quốc đang viện trợ hàng tỉ đôla cho châu Phi |
Thậm chí Trung Quốc còn cam kết chi tổng cộng 75 tỉ USD cho các dự án viện trợ và phát triển ở châu Phi trong giai đoạn 2000-2011.
"Con nợ" viện trợ cho "chủ nợ"
Xét trên nhiều tiêu chí, Trung Quốc dường như đã thoát khỏi mác “quốc gia đang phát triển” và có lẽ các khoản tiền viện trợ tới quốc gia này sẽ ít dần đi. Nhưng thực tế và con số lại đang chứng minh ngược lại. Theo OECD mỗi năm Trung Quốc nhận được 2,6 tỉ USD tiền viện trợ nước ngoài. Các “mạnh thường quân” chính đến từ Nhật Bản, Đức, Pháp, Anh và sau đó là Mỹ. Các quốc gia này không ít thì nhiều đều là "con nợ" hoặc có thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc. Trong khi các quốc gia khác như Ethiopia, nơi có thu nhập đầu người thấp gấp 10 lần Trung Quốc nhận được 1,6 tỉ USD/năm, Afghanistan là 3,475 tỉ USD/năm và Iraq thì nhận được 9,46 tỉ USD/năm. Vậy hà cớ gì “nhà giàu” Trung Quốc vẫn được nhận viện trợ “khủng” đến vậy?
|
Thủ tướng Anh Cameron trong chuyến thăm Trung Quốc đầu tháng 12/2013. Anh cũng là nước dành nhiều viện trợ cho Trung Quốc |
Hầu hết các khoản tiền viện trợ này đều được dùng để xoá đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn, hoặc hỗ trợ các chiến dịch nhân quyền. Tuy có một nhóm người cực kỳ giàu có nhưng thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc tương đối thấp. Đó là lý do tại sao theo tiêu chuẩn của Liên Hiệp Quốc, nước này vẫn là nước đang phát triển. Như vậy, Trung Quốc không chỉ là một nước được nhận viện trợ mà còn có được những nhượng bộ trong các điều ước quốc tế. Ví dụ như trọng một quy định về cắt giảm khí thải nhà kính của Nghị định thư Kyoto, Trung Quốc là công xưởng của thế giới vẫn được hưởng quyền miễn trừ vì vẫn là một quốc gia đang phát triển, trong khi Trung Quốc chiếm 47% số lượng khí đốt than đá.
Một số chuyên gia như Romilly Greenhill, thuộc Viện Phát triển Hải ngoại (ODI) cho rằng lý do mà các quốc gia khác còn viện trợ cho Trung Quốc chủ yếu là đến từ những thách thức và vấn đề toàn cầu.
Đơn cử như Mỹ, từ năm 2001 đến 2013, Mỹ đã viện trợ cho Trung Quốc tổng cộng 310 triệu USD. Trong năm 2012, thông qua Cơ quan Phát triển Mỹ (USAID), Mỹ viện trợ cho Trung Quốc khoảng hơn 28 triệu USD. Con số này được báo cáo là có giảm nhẹ trong năm 2013 xuống còn khoảng 25 triệu USD. Có bốn lĩnh vực mà Mỹ tập trung viện trợ cho Trung Quốc là bảo vệ môi trường, minh bạch hóa trong thủ tục hành chính, phòng chống HIV/AIDS và phát triển bền vững cho khu vực Tây Tạng. Nhiều thượng nghị sỹ Mỹ nói khá ẩn dụ khi nhắc đến lợi ích đằng sau những khoản viện trợ này.
“Tôi tin rằng những khoản viện trợ này chẳng sớm thì muộn cũng tăng thêm lợi ích của Mỹ tại Trung Quốc”, Thượng nghĩ sỹ Ben Cardin, chủ tịch khu vực Đông Á – Thái Bình Dương của Ủy ban Đối ngoại Mỹ cho hay.
Trong khi đó, một điều thú vị là theo OECD, Nhật Bản lại là nước viện trợ lớn nhất cho Trung Quốc với khoảng 800 triệu USD mỗi năm dù quan hệ thường "cơm không lành canh không ngọt". Thậm chí trong quá khứ, trong năm 2000, viện trợ của Nhật cho Trung Quốc còn đạt đỉnh với con số khổng lồ 1,98 tỉ USD, theo số liệu được đăng trên trang web của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Nhật viện trợ nhiều cho Trung Quốc bởi một phần vì “mặc cảm” tội lỗi đã gây ra trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai. Một phần khác vì những viện trợ tới Trung Quốc gắn bó mật thiết với các lợi ích của Nhật như trong lĩnh vực ô nhiễm không khí. Đã có nhiều tranh cãi nổ ra ở Nhật khi nhiều người chỉ trích Nhật đang “nuôi ong tay áo” nhưng thực chất Nhật không thể dừng hoàn toàn các hoạt động viện trợ cho Trung Quốc.
Cắt giảm viện trợ
Trong tháng 8/2011, một nhóm Thượng nghị sĩ Mỹ của lưỡng đảng đã viết thư kêu gọi kết thúc viện trợ phát triển cho Trung Quốc, nói rằng "Trung Quốc đã dư sức chăm sóc cho các công dân của mình mà không cần dựa vào Mỹ. Tháng 11/201, tại buổi điều trần trước Hạ viện Tiểu ban các vấn đề châu Á và Thái Bình Dương, các vấn đề mang tên: "Cho Rồng ăn: đánh giá lại hỗ trợ phát triển của Mỹ với Trung Quốc” đã bị mang ra chất vấn. Kết quả là Quốc hội Mỹ đã quyết định sẽ giảm bớt các khoản viện trợ cho Trung Quốc trong một số lĩnh vực vì “khó giải thích với người dân Mỹ lý do tại sao nước Mỹ lại đang cho một con “Rồng” ăn nhiều đến vậy?”.
Gần đây, chính phủ Đức cũng tuyên bố sẽ giảm và hạn chế bớt các khoản viện trợ cho Bắc Kinh trong khi Canada cũng cho biết sẽ ngừng tất cả các viện trợ cho Trung Quốc vào năm 2015. Nguyên Tổng thư ký Liên Hiệp quốc Kofi Anna đã phát biểu trên tờ Dailymail kêu gọi Anh và khối EU, “Hãy dừng việc viện trợ hàng triệu đô cho các nước giàu như Trung Quốc hay Ấn Độ. Thế giới vẫn còn nhiều nước khác nghèo hơn”. Lời kêu gọi này đến ngay sau khi bài phát biểu của Thư ký phát triển quốc tế của EU Justin Greening tại Luxembourg Bỉ. Bà Greening đã chỉ ra rằng Bỉ đã cam kết hỗ trợ một số dự án tại Trung Quốc trị giá 30 triệu bảng, đất nước mà có hơn 150 tỉ phú thế giới và hơn 10 triệu bảng dành cho Brazil nơi dùng tới 9 triệu bảng cho Olympics 2016 và có GDP lớn hơn cả Anh trong năm 2012. Giữa lúc châu Âu đang vật lộn để quay lại guồng phát triển kinh tế, người dân phải thắt lưng buộc bụng đóng "siu cao thuế nặng" thì những đồng tiền viện trợ không đúng chỗ này có thể là một con dao hai lưỡi.