Vì sao biểu tình “Áo vàng” nhanh chóng lan rộng khắp thế giới?

Google News

(Kiến Thức) - Từ một phong trào tự phát ở Pháp, làn sóng biểu tình "Áo vàng" đã và đang nhanh chóng lan rộng sang nhiều quốc gia khác ở Châu Âu, Châu Mỹ hay thậm chí là khu vực Trung Đông.

Kế hoạch tăng thuế nhiên liệu của Chính phủ Pháp đã làm bùng nổ làn sóng biểu tình dữ dội của phong trào biểu tình "Áo vàng" tại các thành phố lớn trên khắp quốc gia Châu Âu này từ ngày 17/11.
Dù khởi đầu là một phong trào tự phát, không có lãnh đạo và không có đảng phái nào "chống lưng" nhưng cuộc biểu tình của những người áo khoác vàng đến nay đã bước sang tuần thứ 5 liên tiếp và đang thu hút sự quan tâm của toàn thế giới.
Mặc dù chính quyền của Tổng thống Pháp Emmanuel đã thông báo hoãn tăng thuế nhiên liệu cùng một số biện pháp nhượng bộ khác nhưng điều đó vẫn chưa thể dập tắt cơn giận dữ của những người thuộc phong trào biểu tình "Áo vàng". Họ đề nghị chính phủ hạ mức thuế, tăng mức lương tối thiểu và trợ cấp hưu trí tốt hơn,...
Không những trên toàn nước Pháp, làn sóng biểu tình "Áo vàng" đã và đang lan rộng nhanh chóng sang nhiều quốc gia khác ở Châu Âu (như Anh, Áo, Italy, Bỉ, Hà Lan), Châu Mỹ (Canada) và khu vực Trung Đông (Israel).
Vi sao bieu tinh “Ao vang” nhanh chong lan rong khap the gioi?
 Cuộc biểu tình của phong trào "Áo vàng" ở Pháp. Ảnh: BCC.
Tại Anh, các nhà hoạt động ủng hộ Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, cũng mặc trang phục áo vàng, để tiến hành cuộc tuần hành trên cầu Westminster. Họ đề nghị chính phủ đẩy nhanh tiến trình Brexit.
Ngày 8/12, một nhóm biểu tình ở Brussels đã kêu gọi Thủ tướng Bỉ Charles Michel từ chức. Cảnh sát Bỉ phải dùng vòi xịt nước và hơi cay để giải tán những người biểu tình mặc áo vàng.
Tại Italy, hàng nghìn người dân cũng đổ xuống các con phố ở thủ đô Rome để phản đối luật nhập cư và an ninh mới.
Ở Áo, 17.000 người tham gia vào cuộc biểu tình chống chính phủ ở thủ đô Vienna. Tại Canada, những người biểu tình mặc áo khoác vàng đổ xuống đường phản đối Hiệp ước di cư của Liên Hợp Quốc.
Còn tại khu vực Trung Đông, phẫn nộ trước việc chi phí sinh hoạt tăng cao chóng mặt, nhiều người dân Israel đã quyết định dấy lên một phong trào Áo Vàng của riêng mình tại Tel Aviv nhằm buộc chính phủ phải nhượng bộ một số yêu cầu.
Chắc hẳn nhiều người sẽ tự đặt câu hỏi vì sao biểu tình "Áo vàng" lại có thể nhanh chóng lan rộng ra khắp thế giới như vậy?
Có thể thấy, nguyên nhân sâu xa làm bùng phát phong trào biểu tình “Áo vàng” tại Pháp cũng chính là những nhân tố âm ỉ lâu nay tại nhiều quốc gia phát triển khác, nơi mà quyền lợi của người dân thu nhập thấp luôn bị ảnh hưởng bởi các chính sách cải cách.
Dù phong trào biểu tình “Áo vàng” ở Pháp là tự phát, không người dẫn dắt hay đại diện nhưng vẫn đủ sức buộc chính quyền Tổng thống Marcon phải rút lại kế hoạch tăng thuế nhiên liệu và đưa ra một số nhượng bộ khác. "Thành công" này được coi là một nhân tố quan trọng khiến phong trào biểu tình “Áo vàng” thành hiệu ứng lan rộng mặc dù những người “Áo vàng” tại các quốc gia khác nhau xuống đường phản đối vì mục tiêu và đòi hỏi khác nhau.

Mời độc giả xem thêm video: Cuộc biểu tình của phong trào Áo vàng tại Pháp (Nguồn: Ruptly)

Phong trào biểu tình "Áo vàng" hiện tại ở Pháp khiến nhiều người liên tưởng đến những cuộc cách mạng khác từng xảy ra tại Châu Âu. Các cuộc cách mạng màu sắc từng đạt được thành công trước đây phải kể đến là Cách mạng Hoa hồng vào năm 2003 tại Gruzia hay là cuộc Cách mạng Cam vào năm 2004 tại Ukraina,...
Những người xuống đường biểu tình phản đối chính phủ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều khoác áo choàng ngoài màu vàng. Liệu đây có phải là một cuộc cách mạng sắc màu hay không? Câu trả lời hiện tại là không bởi kết quả cuối cùng của phong trào đòi quyền lợi này vẫn còn rất xa mới thấy rõ.
Thiên An (Tổng hợp)

>> xem thêm

Bình luận(0)