Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc ngày 11/7 đưa tin Mỹ đang cân nhắc gỡ bỏ trừng phạt nhằm vào Triều Tiên nếu nước này giải trừ cơ sở hạt nhân chính và đóng băng toàn bộ chương trình hạt nhân.
Dẫn lời một nguồn tin thân cận các cuộc thảo luận của Nhà Trắng về vấn đề Triều Tiên, Yonhap cho biết đề xuất tiềm năng này sẽ tạm dừng triển khai các lệnh cấm vận đối với hoạt động xuất khẩu than và dệt may của Triều Tiên, nguồn thu nhập chính của nước này, trong vòng 12-18 tháng.
“Nhà Trắng, khi các cuộc đối thoại cấp chuyên môn bắt đầu, muốn đặt ra các điều kiện để họ có thể bắt đầu quá trình giải trừ hạt nhân Triều Tiên”, nguồn tin cho biết.
Người này nhấn mạnh việc tạm ngưng áp cấm vận có thể được gia hạn nếu quá trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên "tiến triển tốt", nhưng sẽ nhanh chóng bị hủy bỏ nếu Bình Nhưỡng gian dối.
Theo nguồn tin, nếu hiệu quả, mô hình này có thể được áp dụng cho các cơ sở khác ngoài khu phức hợp hạt nhân chính Yongbyon.
Mô hình cũng sẽ được thực hiện từng bước cho đến khi Bình Nhưỡng từ bỏ hoàn toàn chương trình sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt và Mỹ gỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt.
“Việc này quan trọng vì nó cho phép Mỹ và Triều Tiên đo lường ý định của đối phương và xây dựng lòng tin, nhưng theo cách thúc đẩy quá trình phi hạt nhân hóa và gỡ bỏ cấm vận”, nguồn tin nói.
Người này cho rằng việc kiểm chứng và thanh sát quá trình giải giáp cơ sở Yongbyon cũng như đóng băng hạt nhân, đóng băng tức là không sản xuất thêm vật liệu phân hạch và đầu đạn, của Triều Tiên có thể rất khó nên cần thỏa thuận chi tiết.
Nguồn tin tiết lộ thêm nếu Triều Tiên đồng ý tháo dỡ khu phức hợp Yongbyon và đóng băng hạt nhân hoàn toàn, Mỹ thậm chí xem xét ký tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Ngoài ra, Washington cũng sẵn sàng cùng Bình Nhưỡng thiết lập văn phòng liên lạc ở thủ đô hai nước, cũng như cho ra đời một kênh hoặc văn phòng riêng rẽ để điều phối việc tìm kiếm, hồi hương các hài cốt lính Mỹ ở Triều Tiên.
Cũng theo nguồn tin, Nhà Trắng hiện xem xét nhiều ý tưởng nhằm khích lệ Bình Nhưỡng, bước quan trọng đầu tiên để đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Mục đích đầu tiên của Mỹ trong các cuộc đàm phán là chứng minh Bình Nhưỡng có thể tin tưởng Washington và chấm dứt sự thù địch trước đây giữa hai bên.
Theo Giáo sư Yang Moo-jin tại ĐH Triều Tiên ở Seoul (Hàn Quốc), Mỹ và Hàn Quốc đang xem xét các ý tưởng khác nhau để đưa lên bàn đàm phán khi các cuộc đối thoại với phía Triều Tiên nói lại. Tuy nhiên, vẫn chưa có ý tưởng nào được quyết định.
|
Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên hồi tháng 5. Ảnh: AP
|
Giáo sư Kim Yong-hyun tại ĐH Dongguk ở Seoul nhận định Mỹ đang thể hiện tính linh hoạt hơn trong việc tìm cách phá vỡ bế tắc khi Triều Tiên cương quyết các cuộc đối thoại nên được thực hiện từng bước và hai bên nên tiến hành đồng thời thỏa thuận.
Mời quý vị xem video: Ẩn số phương tiện Nhà lãnh đạo Triều Tiên dùng đi đến Việt Nam
Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai tại Hà Nội hồi tháng 2, hai bên không thể thu hẹp khác biệt về phạm vi phi hạt nhân hóa của Triều Tiên và gỡ bỏ trừng phạt từ phía Mỹ chính là nguyên nhân khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không ký tuyên bố chung.
Tổng thống Trump khi đó nói rằng giải trừ cơ cở Yongbyon không đủ để trừng phạt được gỡ bỏ vì Triều Tiên còn nhiều cơ sở hạt nhân khác, trong đó có một nhà máy làm giàu uranium. Từ đó, các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân của Triều Tiên rơi vào bế tắc.
Ông Trump và ông Kim đã nhất trí nối lại các cuộc đối thoại ở cấp độ chuyên môn về giải trừ hạt nhân của Triều Tiên khi cả hai bất ngờ gặp nhau tại biên giới liên Triều tháng rồi.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết ông hy vọng các cuộc đối thoại này sẽ được nối lại vào giữa tháng 7.