Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP (TPP-11) vừa được ký kết trưa 8/3 tại Santiago, Chile. Đây là hiệp định thương mại toàn diện, đa phương và quan trọng đầu tiên được ký kết kể từ đầu thập kỷ 90 và được các chuyên gia nhận định có khả năng tái định hình luật lệ thương mại toàn cầu.
|
Bộ trưởng thương mại các nước TPP-11 và Tổng thống Chile Michelle Bachelet (giữa) tại lễ ký TPP-11. Ảnh: Kyodo. |
Hiệp định lịch sử
"TPP-11 từ nay trở thành hình mẫu cho thế hệ các hiệp định thương mại tự do mới", giáo sư Peter Petri, trưởng khoa Tài chính quốc tế, Đại học Kinh doanh quốc tế Brandeis, trả lời Zing.vn.
Ông Brandeis cho biết TPP-11 có thể mang lại lợi ích đáng kể cho các nước thành viên. Cụ thể, hiệp định này sẽ nâng mức tăng trưởng kinh tế của các thành viên thêm 1% mỗi năm. Cơ quan nghiên cứu của giáo sư Petri đưa ra tính toán TPP-11 giúp các nước thành viên thu được khoảng 147 tỷ USD nhờ hoạt động thương mại và đầu tư.
"Những lợi ích này sẽ tăng gấp 3 lần nếu như TPP-11 có thể mở rộng và kết nạp thêm 5 thành viên", giáo sư Petri đánh giá.
|
Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam Trần Tuấn Anh (trái) và Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi (phải) tại buổi ký kết TPP-11. |
Các nền kinh tế nằm trong khả năng mở rộng của TPP-11, theo giáo sư Petri, gồm Hàn Quốc, Indonesia, Đài Loan, Philippines và Thái Lan. Với khả năng mở rộng lên 16 thành viên, hiệp định TPP-11 sẽ tạo ra nguồn thu 486 tỷ USD mỗi năm cho các nước thành viên, vượt quá lợi ích theo tính toán ban đầu trước khi Mỹ rời khỏi TPP.
"TPP-11 là hiệp định chưa từng có tiền lệ và sẽ mang lại rất nhiều cơ hội cho các thành viên thâm nhập thị trường rộng lớn với 500 triệu dân", ông Matthias Helble, chủ tịch cơ quan nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á ADB, nhận định.
Chuyên gia của ADB đánh giá TPP-11 sẽ sớm trở thành động lực chính cho hội nhập kinh tế tại châu Á - Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, với lợi thế về cơ hội thâm nhập thị trường đa dạng, các nước thành viên TPP-11 sẽ có vị thế vững chắc hơn trong quan hệ thương mại với các nền kinh tế lớn trong khu vực và trên thế giới.
Tái định hình thương mại toàn cầu
Hiệp định TPP-11 ra đời trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang gia tăng, đặc biệt tại Tây bán cầu. Vốn là thành viên tích cực nhất thúc đẩy TPP, Mỹ đã rút khỏi hiệp định sau khi Tổng thống Trump tiếp quản Nhà Trắng.
"Mỹ sẽ là bên thiệt hại nhiều nhất vì đứng ngoài TPP-11. Ban đầu, người ta tính toán GDP của Mỹ sẽ tăng 131 tỷ USD nhờ vào TPP. Nay, khoản thu nhập này đã không còn", giáo sư Petri nói.
|
Các nước thành viên TPP-11. |
Giới chuyên gia nhìn nhận tác động của TPP-11 không dừng lại trong nội bộ các nước thành viên. Do thực tiễn hình thành các hiệp định thương mại tự do có tính lan tỏa và dây chuyền, nhiều khả năng sẽ có thêm các cuộc đàm phán cho ra đời nhiều hiệp định thương mại tự do khác trong thời gian tới.
"Trong dài hạn, Trung Quốc có thể sẽ chấp nhận các tiêu chuẩn thương mại cao hơn. Thậm chí, trong tương lai xa, chúng ta có thể trông chờ vào sự ra đời của một khu vực mậu dịch tự do cho toàn châu Á - Thái Bình Dương", ông Helble nhận định.
Trong những ngày qua, Washington đã cho thấy khả năng quay trở lại với TPP. Tổng thống Trump hiện đứng trước sức ép của quốc hội yêu cầu ông xem xét lại cách tiếp cận với chính sách thương mại quốc tế.
Không chỉ Mỹ, một số quốc gia châu Á cũng cho thấy mối quan tâm với việc gia nhập TPP. Chính phủ Thái Lan đang nghiên cứu các tác động của việc gia nhập TPP lên các doanh nghiệp nước này, trong khi các cuộc thảo luận về khả năng gia nhập TPP đang nóng dần tại quốc hội Thái Lan. Trong khi đó, Lâm Toàn, cố vấn cao cấp của nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, cho biết "Đài Loan rất mong chờ cơ hội tham gia vào các khối song phương hoặc đa phương nhằm tự do hóa thị trường".
Với thành công của việc ký kết TPP-11, các chuyên gia nhận định châu Á - Thái Bình Dương có thể gây ảnh hưởng tới việc tái cấu trúc các luật lệ thương mại toàn cầu.
"TPP-11 cho thấy các nền kinh tế đang phát triển có được những bước tiến nhanh chóng, đặc biệt tại châu Á, và đang giành lấy vai trò lãnh đạo chính sách thương mại toàn cầu", ông Petri nhận định.
Nhật Bản, lá cờ đầu trong quá trình tái đàm phán TPP-11, cho biết sẽ sớm thông qua hiệp định lịch sử. TPP-11 sẽ có hiệu lực trong vòng 60 ngày sau khi được 6 nước thành viên thông qua. Dự kiến, TPP-11 sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2019.