Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump ngày 21/11 đã công bố một đoạn băng ghi hình phác thảo những công việc mà ông sẽ làm trong trong ngày làm việc đầu tiên tại Nhà Trắng, trong đó ông sẽ ban hành sắc lệnh hành pháp về việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Trong đoạn video, ông Trump gọi TPP là một "thảm hoạ tiềm năng" đối với nước Mỹ. Thay vào đó, ông nói chính quyền mới sẽ tạo ra các thoả thuận thương mại song phương công bằng, giúp mang lại việc làm cho nước Mỹ.
|
Ứng viên tổng thống Donald Trump từng cam kết sẽ từ bỏ TPP. Ảnh Getty Images |
Trước đó, bình luận trên tờ Foreign Affairs (Mỹ), ông Salvatore Babonest, một nhà xã hội học Mỹ, Giáo sư tại Đại học Sydney và là chuyên gia trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội Mỹ và Trung Quốc, cho rằng, có lý do lớn khiến Trung Quốc vui mừng đó là sự trở lại của chủ nghĩa dân túy mà ông Trump theo đuổi dường như là dấu chấm hết cho mọi khả năng mà Mỹ sẽ thông qua TPP gồm 12 quốc gia thành viên. Để có hiệu lực, TPP phải được tối thiểu 6 nước với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chiếm ít nhất 85% của 12 nước tham gia ký kết nhất trí thông qua. Điều đó có nghĩa, không có Mỹ, không có TPP.
Theo Giáo sư Babonest, giết chết TPP có thể là một món quà lớn mà Tổng thống đắc cử Donald Trump dành cho Trung Quốc. Khi tuyên bố tranh cử 18 tháng trước, ông Trump đã có bài phát biểu khởi đầu bóng gió rằng ông đã rất "thích" Trung Quốc và các nhà lãnh đạo Trung Quốc thông minh, có nhiều năng lực hơn. Cái chết của TPP có thể chứng minh lời ông nói là sự thật.
Về phần mình, tờ New York Times (Mỹ) ngày 21/11 đã đăng bình luận cảnh báo việc Mỹ rút khỏi TPP sẽ trao quyền cho Trung Quốc và giúp Bắc Kinh "vùng lên". Theo báo này, có những tín hiệu rằng Trung Quốc sẽ chiếm hoàn toàn lợi thế liên quan đến sự thoái lui của Mỹ để thúc đẩy tầm nhìn thương mại của chính mình. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do Bắc Kinh hậu thuẫn, vắng bóng Washington, thực sự đang nhận được sự chú ý mới, trong đó có các nhà lãnh đạo từ Peru và Malaysia- những người đã ký kết TPP và giờ có kế hoạch tập trung vào các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc.
TPP, được cho là sẽ đóng một vai trò chiến lược trong chính sách ngoại giao của Mỹ. Nó là điểm mấu chốt về kinh tế trong nỗ lực của ông Obama nhằm tái khẳng định vai trò của Mỹ như là cường quốc Thái Bình Dương và chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, vốn không là phần trong các cuộc đàm phán về TPP.
Việc từ bỏ TPP sẽ được nhìn rộng rãi trong khu vực như là cú giáng mạnh vào uy tín của Mỹ và mở ra cơ hội cho Trung Quốc để đàm phán về các quy tắc thương mại, giành lại những người bạn trong số các nước châu Á và khẳng định vai trò lãnh đạo khu vực.
"Câu hỏi lớn là điều gì sẽ xảy ra với TPP. Tất cả chúng tôi đã tiếp xúc với Mỹ để có một thỏa thuận thương mại tự do, tất cả chúng tôi muốn tiếp cận thị trường Mỹ, và tất cả chúng tôi đã nhân nhượng một số thứ để tham gia thỏa thuận thương mại tự do đó. Nếu Mỹ quyết định từ bỏ không tham gia, chúng tôi có khả năng sẽ phải xem xét lại những gì chúng tôi đã nhượng bộ", tờ Thời báo Tài chính (Anh) dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Peru cho hay.
Liên quan tới việc Mỹ từ bỏ TPP, nhà đầu tư huyền thoại Jim Rogers bình luận với BBC rằng dù tốt hay xấu, điều này đồng nghĩa với việc (Mỹ) "dâng" châu Á và Thái Bình Dương cùng những người bạn của mình cho Trung Quốc.