Vội vã tham chiến và vội vàng rút quân
3h30 phút sáng 23/9/2014, Mỹ bất ngờ huy động một lượng lớn máy bay và tàu chiến mang tên lửa hành trình cấp tập tấn công các mục tiêu tại Syria, với lý do nhằm truy quét tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Hành động vội vã này của Chính quyền Tổng thống Barack Obama khi đó được cho là “qua mặt” Quốc hội Mỹ và bất chấp dư luận phản chiến trong nước, vốn đã quá mệt mỏi với các cuộc chiến chống khủng bố hao tiền tốn của nước này ở Iraq và Afghanistan.
Theo chân Mỹ là đông đảo các nước đồng minh gồm Bahrain, Jordan, Saudi Arabia, Qatar, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Anh, Đức, Canada, Đan Mạch, Hà Lan, Australia và Pháp.
Ngay trong đêm 23/9/2014, liên quân do Mỹ dẫn đầu đã thực hiện ba đợt không kích. Chiến dịch bắt đầu với một loạt tên lửa hành trình Tomahawk được bắn vào lãnh thổ Syria từ biển, sau đó là các máy bay cường kích và tiêm kích lâm trận.
|
Quyết định rút quân khỏi Syria của Tổng thống Mỹ Donald Trump liệu có dẫn đến một sự sụp đổ dây chuyền? |
Hơn 4 năm sau, Chính quyền Washington cũng có một quyết định bất ngờ không kém – Rút quân.
Tổng thống Donald Trump ngày 19/12 đã ra lệnh rút toàn bộ binh sĩ khỏi Syria ngay lập tức, khép lại chiến lược can dự của Washington tại nước này và báo hiệu một thay đổi lớn trong chính sách Trung Đông của Nhà Trắng.
Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ đã đánh bại tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tại Syria, đồng thời cho biết đây là lý do duy nhất cho sự hiện diện của lực lượng Mỹ tại Syria.
Trong một dòng trạng thái trên mạng xã hội Twitter, ông Trump viết: "Chúng tôi đã đánh bại IS tại Syria, lý do duy nhất cho sự hiện diện (của binh sĩ Mỹ) ở đó trong nhiệm kỳ tổng thống của tôi".
Một quan chức Mỹ cho biết toàn bộ các nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ rời khỏi Syria trong vòng 24 giờ tới và quá trình bộ binh sĩ Mỹ sẽ mất khoảng 30 ngày tới vài tháng.
Vì sao Tổng thống Trump rút quân vào thời điểm này?
Có nhiều lý do lý giải quyết định khá đường đột của vị tổng thống thứ 45 của Mỹ rút quân khỏi Syria.
Thất bại của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ hồi tháng 11 đang dẫn tới những hệ quả khôn lường đối với Chính quyền Trump. Tròn 1 tháng nữa, đúng ngày 20/1/2019, phe Cộng hòa sẽ lần đầu tiên sau 8 năm không còn toàn quyền kiểm soát cả lưỡng viện Quốc hội nữa. Đảng Dân chủ đã giành chiến thắng và giành lại Hạ viện khóa 116.
Theo Hiến pháp Mỹ, việc đưa quân đội ra nước ngoài tham chiến phải được Quốc hội đồng ý và chỉ có Quốc hội Mỹ mới đủ thẩm quyền tuyên chiến. Như vậy, sau ngày 20/1 tới, Hạ viện do phe Dân chủ lãnh đạo rất có thể sẽ gây khó và yêu cầu Tổng thống Trump phải rút quân khỏi cuộc chiến tại Syria.
Một lý do khác đó là Tổng thống Trump không muốn chứng kiến kịch bản tồi tệ: một cuộc đối đầu trực diện với Nga tại Syria. Mỹ buộc phải rút quân khỏi Syria vì không thể cạnh tranh ảnh hưởng với Nga.
Mỹ hiện duy trì khoảng 2.000 quân ở miền Đông Syria với nhiệm vụ chính là huấn luyện và phối hợp với các lực lượng người Kurd đánh đuổi IS và ngăn không cho cuộc xung đột tại Syria lan rộng thêm. Như vậy, ngoài ưu thế về không quân, Mỹ không có nhiều công cụ và thực lực để cạnh tranh với Nga ở quốc gia Trung Đông này, nước vốn từ lâu đã duy trì các căn cứ quân sự tại Syria.
Tuy nhiên, ngay cả ưu thế về không quân của Mỹ và liên quân cũng bắt đầu bị thách thức sau khi Moskva tháng 10 vừa qua chuyển giao các hệ thống tên lửa phòng không tối tân “Rồng lửa” S-400 cho chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.
Phát biểu với báo giới ngày 20/12, Franz Klintsevich, một thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) cho rằng quyết định trên thể hiện chính sách thất bại của Mỹ ở Syria. Washington đã không đạt được các mục tiêu khi tham chiến tại nước này, trong đó có lật đổ chính quyền hợp hiến của Tổng thống al-Assad.
Yếu tố trong nước cũng có thể là một lý do dẫn tới quyết định của Tổng thống Trump. Trong lịch sử tham chiến của Mỹ ở nước ngoài những năm gần đây, các đời tổng thống thường chọn thời điểm trước Giáng sinh và Năm mới để ra lệnh rút quân và đưa binh sĩ về nhà.
Trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ xuống mức thấp nhất kể từ khi bước chân vào Nhà Trắng tháng 1/2017, có lẽ Chính quyền Donald Trump quyết định rút quân vào thời điểm này với hy vọng tạo một hiệu ứng tích cực trong dân chúng Mỹ.
Đối mặt với bão chỉ trích
Quyết định bất ngờ trên của Tổng thống Trump rút quân khỏi Syria nhận được những phản ứng trái chiều trong chính giới Mỹ. Trên trang mạng cá nhân, Thượng nghị sĩ Rand Paul tuyên bố ông “hạnh phúc khi thấy Tổng thống Trump có thể tuyên bố chiến thắng và đưa binh sĩ Mỹ ra khỏi một cuộc chiến tranh”.
Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio cho rằng rút quân vào thời điểm này là một thất bại. Chia sẻ quan điểm trên, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham nhấn mạnh “rút quân là trao thắng lợi cho IS, cho Iran, chính quyền (Tổng thống) Bashar Assad và Nga. Động thái này sẽ gây hậu quả to lớn đối với nước Mỹ, khu vực và thế giới”.
Không chỉ các nghị sĩ Cộng hòa, hàng loạt quan chức Bộ Quốc phòng và các đồng minh quốc tế của Washington đã lên tiếng phản đối quyết định này. Hầu hết các ý kiến chỉ trích cho rằng việc rút quân có thể tác động đến tình hình thực địa, tạo ra những phân nhánh địa chính trị bất thường, củng cố vai trò của Nga và Iran - vốn ủng hộ chính quyền của Tổng thống Syria al-Assad.
Bên cạnh đó, quyết định này còn khiến số phận của liên minh giữa các tay súng người Kurd và Arab, trong đó lực lượng người Kurd chiếm đa số được Mỹ ủng hộ, rơi vào tình cảnh không chắc chắn.
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Jack Reed cho rằng quyết định của ông Trump là "sự phản bội" đối với người Kurd, là một bằng chứng nữa cho thấy "Tổng thống Trump không có khả năng làm chủ vũ đài thế giới".
Bản thân các chỉ huy Mỹ tại thực địa cũng bày tỏ sự ngạc nhiên và quan ngại về quyết định trên của chính quyền trung ương. Trước đó hai tuần, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, Tướng Joseph Dunford, cho rằng Mỹ còn phải mất một thời gian dài nữa mới có thể huấn luyện các lực lượng địa phương tại Syria ngăn chặn IS trỗi dậy trở lại và ổn định đất nước.
Trong khi đó, Anh - nước đồng minh của Mỹ tại châu Âu - cũng kịch liệt phản đối tuyên bố của Tổng thống Trump rằng IS đã bị đánh bại tại Syria. Bà Jennifer Cafarella, một chuyên gia về Syria thuộc Viện Nghiên cứu chiến tranh, cho rằng Mỹ rút quân có thể làm suy yếu khả năng lãnh đạo trong liên minh, để lại "khoảng trống quyền lực" có thể dẫn tới một giai đoạn mới trong cuộc xung đột của cộng đồng quốc tế tại Syria.
Trong khi đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố Washington "không còn bất kỳ ảnh hưởng nào" đối với mối quan hệ giữa các nước trong khu vực, cũng như sẽ không thể ra lệnh cho bất cứ quốc gia nào nữa.