Nước Đức, đầu tàu chính trị và kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) vừa trải qua một năm đầy biến động trên chính trường. Hơn nửa năm sau cuộc bầu cử tháng 9/2017, tức là tới tháng 4 năm nay, chính phủ đại liên minh tại Berlin mới có thể ra mắt.
Nhưng không lâu sau đó, các đảng trong liên minh cầm quyền gồm Dân chủ/xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) lần lượt rơi vào khủng hoảng sau một loạt thất bại trong các cuộc bầu cử địa phương cấp bang. Đỉnh điểm của khủng hoảng này là việc Thủ tướng Angela Merkel phải rút lui khỏi chiếc ghế Chủ tịch CDU nhiệm kỳ tiếp theo, đồng nghĩa sẽ không tiếp tục lãnh đạo Chính phủ Đức trong nhiệm kỳ tới.
Khủng hoảng tại Đức đe dọa tới những kế hoạch dài hơi và nhiều tham vọng của EU, cùng sự thống nhất hành động của khối.
|
Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: Politico. |
Cùng nhìn lại câu chuyện của nước Đức trong năm 2018.
Yếu tố khiến cử tri Đức thay đổi quan điểm về liên minh cầm quyền
Năm 2018 có thể coi là năm chứng kiến những khó khăn lớn nhất trong hơn 1 thập kỷ qua đối với các đảng trong liên minh cầm quyền tại Đức là đảng Dân chủ Cơ đốc giáo – CDU, Xã hội Cơ đốc giáo – CSU và đảng Dân chủ xã hội SPD. Nguyên nhân chính là do sự bất mãn của cử tri Đức đối với các chính sách điều hành đất nước của các đảng liên minh này trong nhiệm kỳ vừa qua. Sự bất mãn này nảy sinh từ chính hiện trạng của nước Đức.
Ở thời điểm của nhiệm kỳ trước, tức năm 2013, nước Đức vẫn đang vững vàng trong cuộc khủng hoảng nợ công của khu vực đồng tiền chung châu Âu – eurozone. Mô hình Đức về kỷ luật ngân sách được ca ngợi và xem như hình mẫu, kinh tế phát triển ổn định và xã hội yên bình. Nhưng vào thời điểm của năm 2018, nước Đức bắt đầu đối diện với nhiều khó khăn. Tăng trưởng kinh tế hầu như giậm chân tại chỗ, như quý 3 vừa qua, tăng trưởng GDP của Đức lần đầu tiên ở mức âm sau 3 năm. Tất nhiên, với một nền kinh tế hùng mạnh như Đức thì đây vẫn chưa phải là điều quá đáng lo ngại.
Vấn đề mà người Đức cảm thấy bất an nhất, có lẽ là các bất ổn xã hội. Trong vài năm qua, Đức bắt đầu phải đối mặt với nguy cơ khủng bố, và đặc biệt, làn sóng người tị nạn khổng lồ đổ về Đức từ năm 2015 đã thay đổi tất cả.
Đây chính là mấu chốt tạo nên các bất ổn trên chính trường Đức năm 2018. Chính sách mở cửa tiếp nhận người tị nạn bị cho là quá hào phóng của bà Angela Merkel đã đưa hơn 1 triệu người tị nạn vào Đức trong vài năm qua. Lượng người tị nạn này tạo nên sức ép về an ninh, về an sinh xã hội, và quan trọng nhất là xung đột văn hoá, sắc tộc, tôn giáo. Các cử tri Đức cảm thấy xã hội Đức bị đe doạ. Và để giải toả các nỗi lo lắng, bức xúc này, họ đã dùng lá phiếu cử tri để trừng phạt liên đảng cầm quyền, dẫn đến các thất bại bầu cử nặng nề của liên đảng vào tháng 9/2017, của đảng CSU tại bang Bavaria vào tháng 10/2018 và của CDU cũng như CSU tại hang Hessen. Và tất cả những điều này cũng đã mở ra đoạn kết trong sự nghiệp của bà Angela Merkel. Có thể nói, cuộc khủng hoảng tị nạn và việc lựa chọn chính sách gây tranh cãi của bà Merkel vào năm 2015 đã dẫn đến kết cục như hiện nay.
Sự trỗi dậy của đảng cực hữu và tác động lên chính sách của nước Đức
Các đảng cực hữu hay dân tuý luôn nổi lên và thăng tiến dựa trên sự bất mãn của dân chúng. Trường hợp của đảng “Lựa chọn thay thế cho nước Đức” (AfD) cũng không nằm ngoài quy luật này. Đảng này đã thăng tiến mạnh mẽ trong năm 2018 khi lần đầu trong lịch sử có ghế tại Nghị viện của tất cả các bang tại Đức và trên thực tế, đảng này đã trở thành lực lượng chính trị lớn thứ 3 tại Đức. Đây là thực tế buộc các đảng truyền thống tại Đức phải thay đổi.
Thay đổi đầu tiên, như chúng ta vừa nhắc đến, đó là sự kết thúc của kỷ nguyên Merkel.
Nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel không còn là Chủ tịch của đảng CDU và sẽ rời cương vị Thủ tướng Đức sau 3 năm nữa. Đây không chỉ là sự kết thúc của một chính trị gia nổi bật nhất tại châu Âu trong hơn 1 thập kỷ qua mà cũng là sự kết thúc của một giai đoạn phát triển của nước Đức. Khi đảng CDU có nhà lãnh đạo mới thì đi cùng với đó sẽ là các chính sách mới. Cùng lúc, các đảng CSU và SPD cũng đã thay đổi lãnh đạo trong năm 2017 và 2018, tức 3 đảng truyền thống lớn nhất tại Đức đều đã phải thay đổi. Nước Đức chắc chắn sẽ không như trước đây.
Nhằm xoa dịu sự bất mãn của các cử tri cũng như giảm bớt tầm ảnh hưởng của các đảng cực hữu, các chính sách của CDU, CSU hay SPD cũng đã buộc phải trở nên cứng rắn hơn, bảo thủ hơn, điển hình là trường hợp đảng CSU gần như đã thành một đảng chống nhập cư quyết liệt trong vài tháng qua.
Trước mắt, khi bà Angela Merkel vẫn đang giữ cương vị Thủ tướng Đức, các thay đổi chính sách của Đức sẽ diễn ra không đột ngột nhưng khi càng ngày vai trò và tầm ảnh hưởng của bà Merkel càng giảm sút thì chúng ta sẽ càng thấy tất cả những điều này sẽ được thể hiện rõ hơn trong thời gian tới.
Ảnh hưởng đến hành động chung của EU trong những năm tới?
Nước Đức là nền kinh tế số 1 của Liên minh châu Âu và thực tế thì bà Angela Merkel đã là nhà lãnh đạo hàng đầu của khối trong hơn 1 thập kỷ qua. Vì thế, các biến động trên chính trường Đức năm 2018, với sự suy yếu và thông báo rút lui của bà Merkel lẽ tất nhiên là có ảnh hưởng rất lớn đến các chính sách của Liên minh châu Âu.
Vào thời điểm này của một năm trước, tức cuối năm 2017, châu Âu khi đó đang sôi sục với các kế hoạch cải tổ cực kỳ tham vọng do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra và phần nào nhận được sự ủng hộ từ bà Merkel. Nhưng trong suốt năm qua, biến động chính trị tại Đức cùng bất ổn xã hội tại Pháp đã chôn vùi tất cả những kế hoạch này. Cả bà Merkel lẫn ông Macron đều phải dồn hết tâm sức vào các chính sách đối nội mà không thể thúc đẩy hay hiện thực hoá được một sáng kiến táo bạo nào để thay đổi châu Âu.
Câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu tình trạng này có kéo dài trong những năm tới hay không, khi bà Merkel dường như chỉ đang đếm thời gian tại vị trên cương vị Thủ tướng Đức còn ông Macron thì bị cuộc khủng hoảng “Áo vàng” tại nước Pháp làm suy yếu nghiêm trọng? Có 2 kịch bản cho câu trả lời này: hoặc bà Merkel sẽ không còn đủ động lực cũng như sức nặng chính trị để thúc đẩy việc cải cách châu Âu cùng ông Macron. Hoặc, bà Merkel sẽ dành toàn bộ tâm sức còn lại trong 3 năm tới để biến đổi châu Âu, đặc biệt khi đảng CDU của bà đã chọn được một người kế nhiệm vốn cũng có các quan điểm chính trị tương đồng với bà Merkel.
Nhưng, để có cái nhìn rõ ràng hơn, tất cả chúng ta còn cần phải chờ đợi kết cục của 2 sự kiện quan trọng nữa trong nửa đầu năm 2019, là Brexit vào tháng 3/2019 và cuộc bầu cử châu Âu vào tháng 5/2019.