Tối 14/6, thuyền trưởng tàu Philippines bị đâm chìm (FB Gemver) đã kể lại với các phóng viên về vụ việc đáng sợ đêm 9/6. Ông Jonnel Insigne cho biết ông chắc chắn tàu Trung Quốc đã thấy tàu cá của ông. Tàu Trung Quốc đã bật đèn vài giây trước khi đâm vào con tàu 14 tấn, và rời hiện trường ngay sau đó.
“Chúng tôi may mắn vì biển lặng. Chúng tôi phải bơi, một số người có phao. Thật đáng buồn. Họ cũng là ngư dân. Rất thất vọng nhưng chúng tôi vẫn phải tiếp tục lao động”, thuyền trưởng 43 tuổi nói.
|
Tối 14/6, ông Jonnel Insigne, thuyền trưởng tàu Philippines bị đâm chìm (FB Gemver) đã kể lại với các phóng viên về vụ việc đáng sợ đêm 9/6. Ảnh: Chụp màn hình. |
Một lời kể khác cho biết tàu Trung Quốc đã nổ súng cảnh cáo để xua đuổi các tàu cá Philippines, ông Allen dela Torre, người vận hành tàu kể lại với CNN Philippines về vụ đâm chìm tàu đêm 9/6.
"Phản ứng của chúng tôi là rời đi để giữ mạng sống", ông Dela Torres nói, đồng thời cho biết ông và các bạn thuyền đã từng chịu cảnh "bắt nạt" như vậy.
Phủ tổng thống Philippines nói nước này có thể chấm dứt quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh nếu chứng minh được tàu Trung Quốc cố tình đâm chìm tàu Philippines và bỏ mặc 22 ngư dân lênh đênh trên biển.
|
Ngư dân Philippines được cứu sống đã lên tàu BRP Alcaraz của Hải quân Philippine. Ảnh: AP. |
Hy vọng từ ánh đèn cách 8 km
Sau khi bị đâm, các ngư dân Philippines phải bám vào phần nổi của con tàu đang chìm của họ trong nhiều giờ, dưới màn đêm, cho đến khi một tàu cá Việt Nam đến giải cứu, theo Rappler.
“Chúng tôi thấy ánh đèn cách xa 8 km”, ông Insigne kể lại. Ông ra lệnh cho hai thuyền viên, đang bám vào một con thuyền nhỏ của đoàn, hãy di chuyển về phía ánh đèn. Không có gì bảo đảm rằng ánh đèn đó là của một tàu nước bạn, và cũng có thể con tàu đó đang di chuyển ra xa. Nhưng quên đi cái đói, mệt, họ vẫn cố chèo lái đến hy vọng sống sót duy nhất.
Sau hai tiếng, hai thuyền viên, Justine Pascual và JP Gordiones, mới đến được con tàu có ánh sáng. Nhìn bề ngoài, họ xác định đó là tàu Việt Nam. Pascual hét lên “Help me!” (cứu chúng tôi). Các ngư dân Việt Nam đánh thức nhau dậy, soi đèn để nhận dạng, trước khi đưa họ lên tàu.
“Ngư dân Việt Nam thả dây nylon xuống và kéo chúng tôi lên”, Gordiones kể lại. Pascual chạm hai ngón trỏ vào nhau và nói “Vietnam? Philippines? Friends?” (Việt Nam, Philippines là bạn). Ngư dân Việt Nam trả lời “Okay”.
Sau vài phút, tàu cá Việt Nam đưa họ trở lại con tàu FB Gemvir đã hỏng, kéo toàn bộ thủy thủ lên, và cho họ ăn thịt gà, mì và bánh quy.
Nhờ các thuyền viên Việt Nam, họ thông báo được về Philippines qua radio. Họ ở trên tàu cho đến ngày 12/6, khi được chuyển sang một tàu cá Philippines, FB Thanksgiving, rồi tàu BRP Alcaraz của Hải quân Philippines, trước khi về quê nhà ở San Jose, Philippines ngày 14/6. Tàu FB Gemvir được giữ cho nổi và được tàu FB Gemvir 2 kéo về.
|
Hai thuyền viên Philippines, Justine Pascual (trái) và JP Gordiones, đang trên đường về nhà. Đêm 9/6, họ mất hai tiếng chèo theo ánh đèn mới đến được tàu Việt Nam cầu cứu. Ảnh: Rappler. |
Giải thích mới của Trung Quốc bị bác bỏ
Philippines xác nhận vụ đâm thuyền xảy ra ở gần bãi Cỏ Rong trên Biển Đông vào tối 9/6. 22 ngư dân trên tàu bị đâm chìm sau đó được một tàu Việt Nam cứu. Bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trong phát ngôn mới nhất về vụ việc, Trung Quốc thừa nhận tàu cá nước này vô tình đâm vào tàu Philippines. Tuy nhiên, nghị sĩ Philippines ngay lập tức bác bỏ lời giải thích này của Bắc Kinh.
Tối ngày 14/6, Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila cho biết tàu Trung Quốc muốn giải cứu các thuyền viên Philippines nhưng cảm thấy sợ vì đang bị “bao vây bởi 7-8 tàu cá Philippines”.
“Không có chuyện đâm rồi bỏ chạy”, đại sứ quán Trung Quốc nói trong thông cáo.
Nghị sĩ đối lập Risa Hontiveros của Philippines gọi đây là lời giải thích “qua loa nhằm bao che cho các thuyền viên Trung Quốc và đẩy trách nhiệm cho các ngư dân gặp nạn”.
Bà gọi cách bào chữa về việc tàu Trung Quốc bị bao vây là “nực cười”. “Nếu có 7-8 tàu cá Philippines trong khu vực, vì sao lại phải nhờ đến tàu Việt Nam cứu các ngư dân”, nghị sĩ này đặt câu hỏi.
Bà nhắc lại lời kêu gọi ông Duterte hãy hạ mức quan hệ ngoại giao với Trung Quốc bằng cách triệu hồi đại sứ ở Bắc Kinh. “Bất chấp các nỗ lực ngoại giao, dường như chính phủ Trung Quốc đang muốn vụ việc chìm đi”, Hontiveros phát biểu.
|
Nghị sĩ Risa Hontiveros phản bác lại giải thích của Trung Quốc: nếu có nhiều tàu cá Philippines bao vây tàu Trung Quốc, tại sao phải nhờ tàu Việt Nam cứu 22 ngư dân Philippines. Ảnh: Manila Bulletin. |
Đây là vụ việc nghiêm trọng nhất trong vùng biển tranh chấp giữa hai quốc gia đã xích lại gần nhau hơn kể từ khi Tổng thống Rodrige Duterte lên nắm quyền ở Philippines năm 2016.
Ông Duterte đã bị chỉ trích vì không lên tiếng về vụ việc, mặc dù phát ngôn viên của ông, Salvador Panelo, đã nói việc bỏ rơi 22 ngư dân Philippines sau khi đâm chìm tàu của họ là “man rợ và quá đáng”.
Đây là lần đầu tiên tàu Trung Quốc đâm tàu cá Philippines ở vùng biển tranh chấp, theo Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio, người đã nghiên cứu sâu về mâu thuẫn trên Biển Đông. Ông cho rằng đây có thể là khởi đầu của chiến dịch mạnh bạo hơn nhằm xua đuổi sự hiện diện của tàu Philippines khỏi khu vực này, nơi được cho là có trữ lượng lớn dầu và khí.
|
Hình ảnh cho thấy hư hại của tàu Gemvir. Ảnh: Hải quân Philippines. |
Nghị sĩ đối lập Leila de Lima ngày 14/6 lên án “sự im lặng thể hiện rõ thái độ” của Tổng thống Duterte, cho rằng điều này gửi thông điệp rằng Philippines sẽ chịu đựng những sai trái mà Trung Quốc gây ra.
“Đó không phải là phản ứng chúng ta muốn thấy từ tổng thống”, bà de Lima nói. “Điều này không may đang gửi thông điệp đến thế giới rằng chúng ta sẽ cam chịu trước sự bất công mà Trung Quốc gây ra với người dân chúng ta”.
Tuy nhiên, ông Panelo bảo vệ tổng thống và nói rằng ông là “con người thận trọng và có những phản ứng có toan tính”.
Ông Panelo nói theo thông lệ quốc tế, các thuyền viên phải cứu giúp những người gặp nạn trên biển. “Bạn không cần có quy định nào trong luật quốc tế cho điều đó. Đó là hành động của con người giúp người khác đang gặp nạn”.