Trước đây, đặc biệt là thời điểm trước và sau khi nhậm chức vào tháng 1/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn cứng rắn trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Chính quyền Tổng thống Trump liên tục gây sức ép buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của nước này, trước khi Bình Nhưỡng có thể đạt được bất cứ sự nhượng bộ nào từ phía Washington.
Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, có nhiều dấu hiệu cho thấy Tổng thống Trump dường như sẵn sàng thu hẹp các đòi hỏi đối với Bình Nhưỡng để có thể đạt được một thỏa thuận với Triều Tiên.
Tổng thống Trump đã phát đi tín hiệu mềm mỏng hơn khi nói rằng có thể gỡ bỏ các lệnh trừng phạt (Bình Nhưỡng) nếu có tiến triển về quá trình phi hạt nhân hoá.
|
Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong-un trong cuộc gặp tại Hà Nội tối 27/2. Ảnh: Reuters. |
Phát biểu với các phóng viên tại Nhà Trắng hôm 19/2, vài ngày trước khi lên đường tới Việt Nam dự Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 tại Hà Nội, Tổng thống Trump cho biết ông muốn Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân, song ông không quá nóng vội cũng như không đưa ra thời hạn thúc ép Triều Tiên hoàn tất quá trình giải trừ hạt nhân.
Đến ngày 24/2, phát biểu trước các Thống đốc bang của Mỹ tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump nói rằng ông rất vui miễn là Triều Tiên tiếp tục dừng các cuộc thử nghiệm vũ khí (hạt nhân).
“Tôi không vội vàng. Tôi không muốn thúc ép bất cứ ai. Tôi chỉ không muốn các vụ thử (vũ khí). Miễn là không có vụ thử nào, chúng tôi đều rất vui”, Reuters dẫn lời ông chủ Nhà Trắng phát biểu.
Tổng thống Trump cũng nói thêm ông tin vào cuộc gặp trực tiếp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trước đó, và hai bên đã phát triển “mối quan hệ rất, rất tốt đẹp”.
Với những dấu hiệu trên, giới quan sát cho rằng, Tổng thống Trump dường như đã có một sự nhượng bộ đáng kể tại thời khắc rất quan trọng này.
Mời độc giả xem video: Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong-un trò chuyện tại Hà Nội tối 27/2 (Nguồn: Ruptly)
Theo hãng thông tấn Reuters, một số nhà phê bình cũng cho rằng Tổng thống Trump dường như đang bị "dao động" trong yêu cầu từ lâu của Mỹ đối với Triều Tiên về vấn đề phi hạt nhân hóa hoàn toàn và không thể đảo ngược. Họ lo ngại ông có nguy cơ làm mất "lợi thế" nếu đưa ra nhượng bộ vội vàng và quá nhiều.
Tuy nhiên, theo CNN, khi hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều bước vào phòng họp sau bữa ăn tối tại Khách sạn Metropole tối 27/2, một phóng viên hỏi liệu ông Trump có đi ngược lại lời thề sẽ ép Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa hay không, vị Tổng thống Mỹ thẳng thắn trả lời: "Không".
Reuters cho rằng, dù ít có tiến triển trong mục tiêu loại bỏ các chương trình vũ khí của Triều Tiên, nhưng Tổng thống Trump dường như đang đặt cược vào mối quan hệ cá nhân với Chủ tịch Kim Jong-un và động lực kinh tế sau 70 năm "thù địch" giữa hai nước.
Đối với Tổng thống Trump, một thỏa thuận giúp giảm bớt mối đe dọa của Triều Tiên có thể mang lại thành tựu chính sách đối ngoại lớn cho ông giữa lúc đối mặt với nhiều vấn đề rắc rối trong nước.