Nằm gần ngôi làng Milton thuộc vùng Dumbarton, Scotland, có một cây cầu mang tên Overtoun. Thoạt nhìn, cây “cầu tử thần” không có điểm gì đặc biệt, ngoại trừ việc nó được coi là “nỗi ám ảnh” của loài chó và “nỗi ác mộng” của những người nuôi chó.
|
Cây cầu Overtoun ở Scotland từng chứng kiến hàng trăm con chó tử nạn trong vòng nửa thế kỷ. Ảnh: Tuul.tv. |
Chỉ trong vòng 50 năm qua kể từ khoảng năm 1950 có tới 600 con chó nhảy cầu Overtoun và có 50 trường hợp tử vong. Hàng trăm vụ tự tử khiến nơi này có nhiều giả thuyết bí ẩn và câu chuyện tâm linh.
Xây dựng vào năm 1895, cầu Overtoun đã gắn liền với những vụ tai nạn liên quan tới loài chó. Điều kỳ lạ hơn là những tình huống phía sau nhiều sự cố. Không chỉ những con chó lao thẳng từ trên cầu xuống, nhiều người còn chứng kiến cảnh con vật trèo qua lan can cầu, trước khi thực hiện cú nhảy. Thậm chí, một số chú chó may mắn sống sót, quay lại cầu cho cú nhảy lần 2.
Suốt thời gian dài, cầu Overtoun bị cho là “nơi bị nguyền rủa”. Điều này xuất phát từ một tai nạn có thật. Cụ thể, năm 1994, một người đàn ông có tên Kevin Moy đã ném đứa con trai của mình từ trên cầu xuống. Đứa trẻ tử nạn ngay lập tức. Moy định tự sát theo con nhưng bị vợ cản lại. Sau này, theo điều tra từ cảnh sát, Moy mắc chứng trầm cảm và được chuyển tới trạm giam dành cho tội phạm bị tâm thần.
|
Chỉ trong vòng 50 năm qua kể từ khoảng năm 1950 có tới 600 con chó nhảy cầu Overtoun và có 50 trường hợp tử vong. |
Còn với lý giải ở góc độ khoa học lại khác. Năm 2010, nhà động vật học David Sands khi tới thăm cây cầu đã kết luận rằng, những con chó chắc chắn không phải tự sát. David nhận thấy, hầu hết những con chó nhảy xuống đều thuộc giống chó săn mõm dài với khả năng đánh hơi mùi cực nhạy bén.
Theo nhà động vật học này, mùi hương của những con vật phía dưới chân cầu đã thu hút loài chó. David cho rằng, có thể chó đã đánh hơi thấy mùi của chồn nâu, sóc, chuột, hay những động vật có vú khác. Vào những ngày nắng to, mùi hương chồn càng nồng hơn. Đó là lý do khiến những con chó lao xuống theo bản năng khi đi qua cầu, chứ không phải chúng muốn tự sát.
Thêm nữa, với tầm nhìn của loài chó, chúng chỉ nhìn thấy đó là một thành cầu cao dày bằng đá. Bản năng săn mồi thôi thúc chúng nhảy xuống nhưng không biết rằng đang lao tới chỗ chết. Tới khi chúng nhận ra sẽ rơi xuống thì mọi thứ đã quá muộn.
Hơn nữa, các vụ tai nạn diễn ra cũng trùng khớp với thời điểm chồn nâu được mang đến khu vực này lần đầu tiên - chính là đầu thập niên 50.
Hiệp hội ngăn chặn tội ác với động vật Scotland từng tiến hành điều tra nguyên nhân dẫn tới hiện tượng trên. Ngày nay, những người nuôi động vật được khuyến khích nên dắt chó đi dạo có dây xích khi đi qua cầu để tránh không lặp lại tai nạn đáng tiếc như trong quá khứ.