Trước cả khi khái niệm siêu mẫu ra đời, Gia Carangi đã liên tục xuất hiện trên trang bìa của những tạp chí danh tiếng như Cosmo và Vogue của Mỹ, Anh, Pháp, Ý và là người mẫu yêu thích của những nhãn hàng cao cấp như Armani, Chanel, Christian Dior, và Yves Saint Lauren.
Cô người mẫu bắt đầu trình diễn cho Versace ở tuổi 18 này từng là nàng thơ của rất nhiều nhiếp ảnh gia tài năng như Arthur Elgort, Helmut Newton và Francesco Scavullo - nhiếp ảnh gia từng làm việc với tạp chí Cosmo suốt 30 năm liền. Danh sách nguồn cảm hứng của Scavullo trong 30 năm làm nghề rất dài và bao gồm toàn những cái tên nổi tiếng như công chúa Grace Kelly, nữ diễn viên Elizabeth Taylor, nghệ sĩ Andy Warhol, nhà thiết kế thời trang Calvin Klein, bà hoàng nhạc pop Madonna. Tuy nhiên, với Scavullo, Gia luôn là nàng thơ xinh đẹp nhất.
|
Siêu mẫu Gia Carangi. |
Thành công là như vậy, nhưng khác với những siêu mẫu cùng lứa - những người về sau đều có một cuộc sống viên mãn và ổn định - cuộc đời của Gia Carangi lại là một câu chuyện rất đau lòng.
Gia sinh ra và lớn lên tại thành phố Philadelphia, Mỹ. Cô là con gái út của ông Joseph Carangi - một chủ nhà hàng người Ý và bà Kathleen Carangi - một bà nội trợ. Joseph và Kathleen có một cuộc hôn nhân không ổn định và bạo lực. Kathleen đã dứt áo ra đi khi cô bé Gia mới 11 tuổi. Những người bạn thân thiết của Gia đều cho rằng chính cuộc hôn nhân của ông bà Carangi đã khiến cô trở nên bất ổn và cô nổi loạn chỉ để thu hút sự chú ý của mẹ.
Khi đến tuổi thiếu niên, Gia đã sở hữu một vẻ đẹp đáng mơ ước và được nhiếp ảnh gia của chuỗi cửa hàng Bloomingdale phát hiện khi cô đang phục vụ tại nhà hàng của cha. Ngay sau đó, cô nữ sinh người Philandelphia đã chuyển tới kinh đô thời trang và nghệ thuật của nước Mỹ là New York để theo đuổi sự nghiệp. Chính tại New York, cô đã trở thành “gà cưng” của công ty quản lý người mẫu Wilhelmina và gặp được người quản lý cũng như người mẹ thứ 2 của mình là bà Wilhelmina Cooper.
Vào những năm 1970-1980, khi làng thời trang nước Mỹ tràn ngập những cô người mẫu mắt xanh và tóc vàng, thì cô gái trẻ tên Gia Carangi nổi lên như một hiện tượng với vẻ đẹp lai Ý vừa hoang dã lại vừa u buồn. Cô người mẫu trẻ được Vogue nhận định là vụt sáng như sao băng, sau này đã có những chia sẻ rất hồn nhiên về bản thân: “Tôi được làm việc với những người rất tử tế và tài năng ngay từ khi mới vào nghề. Tôi không được đào tạo để trở thành người mẫu, tôi chỉ đơn giản là làm người mẫu thôi”.
Khi đạt đến đỉnh cao sự nghiệp, Carangi xuất hiện liên tục trên trang bìa của những tạp chí danh giá nhất, như Vogue Anh, Pháp, Ý, Mỹ và hàng chục số Cosmopolitan từ năm 1979 đến năm 1982. Ở thời điểm này, khi độc giả phải nghe cả họ cả tên của một người mẫu thì mới biết đó là ai thì Gia Carangi chỉ cần xưng tên không là đủ.
Gia không chỉ nổi tiếng vì thần thái lạ và vẻ đẹp lưỡng tính, cô còn được chú ý vì tính cách nổi loạn. Gia chấp nhận chụp khỏa thân ngay lần đầu tiên lên tạp chí, thoải mái mặc trang phục nam giới, thậm chí cô từng bỏ chụp suốt 2 tuần liền chỉ vì... tóc chưa đẹp. Với những nhiếp ảnh gia vốn đã quá quen với những cô người mẫu rất ngoan và rất hiền, được đào tạo chuyên nghiệp bởi các công ty đại diện lớn, thì Gia là một nàng thơ rất thú vị.
Năm 1980, tức là chỉ 1 năm sau khi vào nghề, Gia trở thành khách quen và gương mặt nổi bật của câu lạc bộ 54 - tụ điểm ăn chơi sang trọng bậc nhất New York. Từ một đứa trẻ bị chính mẹ ruột bỏ rơi, Gia trở thành công chúa của các nhiếp ảnh gia, quản lý và cả những nghệ sĩ nổi tiếng thời bấy giờ.
Tuy nhiên, với người thân và bạn bè thì sự bất cần trước đám đông của cô chỉ là lớp mặt nạ che giấu sự cô đơn mà cô phải chịu đựng. Khi được cả thế giới thời trang vây quanh, Gia quá bận rộn để tìm kiếm một người bạn đích thực.
“Sai lầm lớn nhất của tôi chính là để con bé sống một mình” - anh trai của Gia, Michael Carangi, thổ lộ với nhà văn Stephen Fried những năm sau này.
Tháng 3 năm 1980, quản lý của Gia là siêu mẫu Wilhelmina Cooper qua đời vì ung thư phổi, cái chết của bà khiến cô đau lòng và bập vào heroin. Thói nghiện ngập của cô bắt đầu ảnh hưởng tới công việc; Gia liên tục nổi cơn điên với nhiếp ảnh gia, bỏ chụp giữa chừng để đi mua heroin và cocaine, ngủ gật khi đang chụp ảnh.
Nhiếp ảnh gia Scavullo nhớ lại: “Có một lần chúng tôi chụp hình ở Caribbe, Gia cứ khóc mãi vì không tìm được heroin. Cuối cùng tôi phải bế cô ấy lên giường, dỗ dành và đợi cho đến khi cô ấy ngủ thiếp đi”.
Trong một buổi chụp với Vogue của Mỹ, Gia phải dành rất nhiều thời gian trang điểm những vết tiêm trên tay mình. Dĩ nhiên, không một ai có thể chịu đựng được Gia nữa và cô người mẫu vàng ngày nào trôi nổi từ công lý quản lý này sang công ty quản lý khác, công ty sau thấp cấp hơn công ty trước và buộc phải nghỉ hưu vào năm 1983. Buổi chụp ảnh cuối cùng của Gia là cho một công ty vô danh bán quần áo qua catalo của Đức, và cô bị đuổi khỏi studio vì dùng heroin khi đang làm việc.
Lúc này đây, vì đã tiêu sạch khoản tiền dành dụm từ thời còn làm mẫu vào ma túy, Gia dành 3 năm cuối đời ăn nhờ ở đậu tại nhà của rất nhiều người thân và bạn bè. Tháng 12 năm 1984, siêu mẫu Gia Carangi tham gia một chương trình cai nghiện rất khắc nghiệt tại Bệnh viện Eagleville. Sau khi cai nghiện, Gia làm nhân viên thu ngân, rồi nhân viên cấp dưỡng tại một trại dưỡng lão ở một vùng quê hẻo lánh.
Tháng 6 năm 1986, Gia được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Warminster, Pennsylvania vì những biến chứng từ AIDS. Dù đã được điều trị khẩn cấp nhưng Gia vẫn không qua khỏi và trở thành một trong những người phụ nữ đầu tiên qua đời vì HIV-AIDS. Không một ai trong giới thời trang tới dự đám tang của Gia và chỉ có duy nhất một tấm thiệp chia buồn ngắn ngủi từ nhiếp ảnh gia Scavullo vài tuần sau đó.