Sau 8 năm kể từ khi Đại tá Muammar Gaddafi bị lật đổ vào năm 2011, Libya lại đang rơi vào tình trạng hỗn loạn, chia rẽ với nhiều phe phái.
Hiện tại, hai phe phái chính trị lớn nhất đang nắm quyền song hành tại Libya là Chính phủ Hòa giải Dân tộc (GNA) của Thủ tướng Fayez Al-Sarraj được Liên Hợp Quốc công nhận và chính quyền ở miền Đông được Quốc hội Libya bầu và được Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do Tướng Khalifa Haftar lãnh đạo ủng hộ.
Kể từ ngày 4/4, lực lượng LNA mở cuộc tấn công thủ đô Tripoli. Giao tranh giữa Quân đội LNA và lực lượng GNA những ngày qua đã khiến hàng chục người thương vong.
Theo Liên Hợp Quốc, ít nhất 2.200 người dân đã phải đi sơ tán do cuộc chiến ác liệt ở ngoại ô thủ đô Tripoli kể từ ngày 4/4 và nhiều người bị mắc kẹt hoặc không thể tiếp cận các dịch vụ khẩn cấp.
|
Các cuộc giao tranh tiếp diễn tại Libya. Ảnh: PJM. |
Trước tình hình hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã bày tỏ lo ngại cũng như kêu gọi các phe phái tại quốc gia Châu Phi này dùng biện pháp ngoại giao để giải quyết xung đột.
Trong cuộc điện đàm ngày 7/4, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhấn mạnh tầm quan trọng của một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Libya, tôn trọng luật pháp quốc tế và các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Tổng thống Pháp Macron cũng khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ nỗ lực hòa giải của Liên Hợp Quốc tại Libya.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho rằng không thể giải quyết cuộc khủng hoảng ở Libya thông qua biện pháp quân sự, khẳng định giải pháp chính trị vẫn là lựa chọn duy nhất đối với tình hình căng thẳng đang gia tăng hiện nay.
Nga kêu gọi tất cả lực lượng ở Libya kiềm chế, đồng thời phản đối mọi sự can thiệp từ bên ngoài.
Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo yêu cầu tướng Khalifa Haftar, người đứng đầu Quân đội Quốc gia Libya, ngừng tiến đánh thủ đô Tripoli, đồng thời kêu gọi tất cả các bên đàm phán hòa bình.
Vị ngoại chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ cho biết Washington "quan ngại sâu sắc" về nguy cơ chiến tranh tại thủ đô Libya.
"Động thái quân sự của ông Haftar đang gây nguy hiểm cho người dân và phá bỏ mọi nỗ lực giải quyết tranh chấp trong hòa bình", ông Pompeo tuyên bố, đồng thời nhấn mạnh sẽ không có giải pháp quân sự đối với xung đột ở Libya.
Mời độc giả xem thêm video về cuộc nội chiến tại Libya (Nguồn: DW)
Quân đội Mỹ thông báo sẽ tạm thời rút một số lực lượng khỏi Libya do bất ổn gia tăng tại quốc gia Châu Phi này.
Chính phủ Ấn Độ cũng đã sơ tán một đơn vị gìn giữ hòa bình của nước này, gồm 15 người, khỏi thủ đô Tripoli.
Liên minh Châu Phi (AU) nhắc lại sự cần thiết của một tiến trình do chính Libya thực hiện và tạo ra một chế độ chính trị mới ở nước này.
Ngày 6/4, Bộ trưởng Nội vụ Tunisia, ông Hichem Fourati, cho biết Tunisia đang theo sát sao tình hình ở Libya cũng như thực hiện các biện pháp an ninh và quân sự đặc biệt ở biên giới phía Đông và phía Tây nước này.