Chỉ vài ngày sau khi tuyên bố tiến hành thành công cuộc thử nghiệm quan trọng nhằm phát triển tên lửa mang nhiều đầu đạn, Triều Tiên sáng sớm nay (1/7) lại phóng liên tiếp 2 quả tên lửa về phía vùng biển phía Đông nước này sau lời cảnh báo đáp trả tập trận chung 3 bên Mỹ - Nhật - Hàn.
Triều Tiên gần đây cũng liên tục lên án “sự phô trương sức mạnh quân sự” của Mỹ và các đồng minh. Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) sáng nay thông báo phát hiện một tên lửa đạn đạo tầm ngắn được khai hỏa về hướng Đông Bắc từ vị trí gần Changyon, tỉnh Nam Hwanghae của Triều Tiên.
Tên lửa thứ hai được phát hiện chỉ khoảng 10 phút sau đó. Phản ứng trước các vụ phóng tên lửa liên tiếp của Triều Tiên, phía Hàn Quốc khẳng định lập trường kiên quyết sẽ tăng cường giám sát, nâng cao cảnh giác và duy trì sẵn sàng chiến đấu.
Đồng thời, quân đội Hàn Quốc cam kết hợp tác chặt chẽ với Mỹ và Nhật Bản, chia sẻ thông tin tình báo về tên lửa đạn đạo để cùng ứng phó hiệu quả. Người phát ngôn của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) Lee Sung-jun cho biết: "Tên lửa thứ hai có thể đã bay theo quỹ đạo không đều trong giai đoạn đầu. Nếu nó phát nổ giữa không trung trong khi bay bất thường, các mảnh vỡ của nó có khả năng đã rơi xuống đất liền. Tên lửa đầu tiên bay bình thường đạt tầm bắn khoảng 600 km. Chúng tôi cần tiến hành phân tích sâu hơn để xác định xem tên lửa có bay theo hướng chủ đích hay không”.
Hiện tại, phía Triều Tiên chưa lên tiếng về các vụ phóng mới nhất này. Chỉ trước đó một ngày, Bộ Ngoại giao Triều Tiên cáo buộc Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đang xây dựng liên minh quân sự ở châu Á có nhiều điểm tương đồng với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời chỉ trích hành động của ba nước này là “mối đe dọa đối với sự ổn định của khu vực”. Triều Tiên còn khẳng định sẽ đưa ra phản ứng mạnh và áp đảo để bảo vệ hòa bình khu vực.
Vụ phóng tên lửa sáng sớm nay càng làm phức tạp thêm tình hình trên Bán đảo Triều Tiên, nhất là trong bối cảnh đang dấy lên lo ngại và tranh cãi về sự hợp tác quân sự sâu sắc hơn giữa Triều Tiên và Nga, sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Nga Vladimir Putin ký hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện trong hội nghị thượng đỉnh vào tháng 6 tại Bình Nhưỡng.
Cuộc họp cuối tuần qua của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã chứng kiến “màn đấu khẩu gay gắt” giữa các đại diện của Anh, Pháp, Mỹ với phía Nga, Trung Quốc và Triều Tiên liên quan đến mối quan hệ Nga - Triều Tiên. Mặc dù cả Nga và Triều Tiên đều khẳng định mối quan hệ 2 bên hoàn toàn mang tính xây dựng và hợp pháp, chỉ nhằm mục đích phòng thủ chứ không nhắm vào bên thứ ba nào khác.
Quan ngại sâu sắc về tình trạng căng thẳng và đối đầu đang diễn ra trên Bán đảo Triều Tiên, ông Cảnh Sảng - Phó đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cuối tuần qua, đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc chuyển đổi từ hiệp định đình chiến hiện tại sang cơ chế hòa bình, coi đây là “chìa khóa” để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Theo ông Cảnh Sảng, một Bán đảo Triều Tiên hòa bình và ổn định phục vụ lợi ích chung của các nước trong khu vực và là kỳ vọng chung của cộng đồng quốc tế.
Ông Cảnh Sảng nhân đây cũng nhắc lại cam kết của Trung Quốc đối với hòa bình trong khu vực: “Trung Quốc đã nỗ lực không ngừng để xoa dịu tình hình trên Bán đảo Triều Tiên và thúc đẩy một giải pháp chính trị. Là một nước láng giềng gần gũi của Bán đảo Triều Tiên và là một nước lớn có trách nhiệm, Trung Quốc sẽ đóng vai trò mang tính xây dựng theo cách riêng của mình để hiện thực hóa hòa bình và ổn định lâu dài trên bán đảo này cũng như ở Đông Bắc Á”.
Đại diện Trung Quốc đồng thời kêu gọi sự hợp tác từ tất cả các bên trong giải quyết vấn đề Bán đảo Triều Tiên, đặc biệt là Mỹ, kêu gọi nước này xem xét lại cách tiếp cận quan hệ quốc tế và giải quyết xung đột.