Sau khi Cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu qua đời, các nhà lãnh đạo và các phương tiện truyền thông trên toàn thế giới đã đua nhau nói về những di sản to lớn mà “chính trị gia có ảnh hưởng vào bậc nhất châu Á” này để lại. Trong thế giới phương Tây, những phân tích về ảnh hưởng của ông nói chung là khá phức tạp. Thậm chí, báo Mỹ Washington Post đã gọi Lý Quang Diệu là “nhà độc tài yêu thích của thế giới dân chủ”. Nhưng ở Trung Quốc - nơi sự kết hợp giữa chuyên chế và cải cách kinh tế của Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu tỏ ra rất hiệu quả, người ta có những đánh giá tích cực gấp bội.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra tuyên bố ngày 23/3 nói rằng, "Trung Quốc bày tỏ lòng tiếc thương tiếc sâu sắc về sự qua đời của ông Lý Quang Diệu”. Bộ này ca ngợi Lý Quang Diệu là "một chính khách có ảnh hưởng chưa từng có ở châu Á, một chiến lược gia thể hiện các giá trị phương Đông và tầm nhìn quốc tế”.
|
Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu trong lần gặp gỡ với Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. |
Có lẽ, lời ca ngợi nói trên chưa đánh giá hết tầm quan trọng thực sự của Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đối với Trung Quốc. Sau cái chết của Mao Trạch Đông, ban lãnh đạo Bắc Kinh nhận thức rằng, học thuyết Mao không hẳn là con đường tiến lên phía trước cho Trung Quốc, nhưng họ cũng không chấp nhận nền dân chủ phương Tây và một nền kinh tế thị trường tự do. Qua tấm gương Lý Quang Diệu lãnh đạo thành công Singapore, các nhà lãnh đạo Trung Quốc tìm thấy một con đường thay thế - một con đường mà theo họ là duy nhất thích hợp cho các giá trị của phương Đông (châu Á). Đó chính là sự kết hợp giữa cải cách kinh tế và duy trì quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, một mô hình đã giúp Trung Quốc tăng trưởng vượt bậc trong mấy chục năm qua.
Học giả Jin Canrong của Đại học Nhân Dân Bắc Kinh nói với China Daily rằng, sự đóng góp lớn nhất của Lý Quang Diệu đối với Trung Quốc là "chia sẻ kinh nghiệm thành công của Singapore về quản trị kinh doanh”. Trong cuốn tiểu sử Đặng Tiểu Bình, tác giả Ezra Vogel đã viết rằng, cải cách của Trung Quốc đã lấy cảm hứng từ Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu. Đương kim Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng nói, quá trình hiện đại hóa của Trung Quốc có sự đóng góp to lớn của "hàng chục ngàn cán bộ Trung Quốc" đến Singapore để nghiên cứu mô hình của Lý Quang Diệu. Khi còn sống, ông Lý Quang Diệu đã thăm Trung Quốc hơn 30 lần và gặp gỡ với các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ Mao Trạch Đông đến Tập Cận Bình để…tư vấn.
Có lẽ di sản lớn nhất mà Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu để lại cho Trung Quốc không chỉ là cảm hứng cải cách kinh tế mà Đặng Tiểu Bình theo đuổi, mà còn ý tưởng rằng cải cách và thích ứng là một quá trình liên tục lâu dài. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2007 với tờ New York Times, ông Lý Quang Diệu nói thẳng ra rằng quá trình cải cách ở Singapore chú trọng đến thực tiễn chứ không phải là tư tưởng. Ông từng nói: “Nếu biện pháp cải cách tỏ ra hữu hiệu, hãy tiếp tục phát huy. Nếu điều đó là tốt, hãy tiếp tục thực hiện nó. Nếu không hữu hiệu, hãy quăng nó đi và hãy thử một số biện pháp khác”. Quan điểm thực dụng của Lý Quang Diệu được lặp lại trong câu nói nổi tiếng của Đặng Tiểu Bình là "bất kể mèo màu đen hay mèo trắng, miễn là bắt được chuột”.
|
Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã có ảnh hưởng nhiều tới Trung Quốc hiện đại. |
Quan điểm cải cách của Lý Quang Diệu cũng được đương kim Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình học tập, khi ông này tiến hành cải cách “sâu sắc và toàn diện” ở Trung Quốc. Tập Cận Bình đang học tập mô hình Singapore của Lý Quang Diệu trong chiến dịch bài trừ tham nhũng. Singapore được biết đến là một trong những quốc gia ít tham nhũng nhất trên thế giới, trong khi tham nhũng ở Trung Quốc đã trở thành một vấn nạn đe dọa sự tồn vong của chế độ. Tờ Wall Street Journal viết rằng mô hình của Singapore đang cung cấp một kế hoạch chi tiết cho cải cách luật pháp ở Trung Quốc ngày nay.
Cũng giống như Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, ban lãnh đạo ở Bắc Kinh cho rằng nền dân chủ phương Tây là không phù hợp với thực trạng Trung Quốc. Thậm chí, ông Lý Quang Diệu còn nói rằng Trung Quốc sẽ "sụp đổ", nếu rập khuôn theo mô hình dân chủ tự do của phương Tây. Đây cũng là quan điểm phổ biến trong ban lãnh đạo Trung Quốc và các phương tiện truyền thông nhà nước.
Do ảnh hưởng to lớn của ông Lý Quang Diệu đối với Trung Quốc, các nhà lãnh đạo phương Tây - từ Henry Kissinger để Tony Blair - không ngại xin ông lời khuyên về việc làm thế nào để đối phó với Bắc Kinh. Thậm chí, giới học giả còn đua nhau thu thập những lời khuyên của Lý Quang Diệu về việc làm thế nào để vượt qua được cái “thời kỳ hỗn loạn”, khi Trung Quốc trở thành một đối thủ cạnh tranh ngang hàng với Mỹ.
Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu là người đầu tiên nhận ra rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ dẫn đến sự thay đổi trong trật tự quốc tế. Ông này từng nói trong năm 1993: "Trung Quốc không chỉ là một nhân tố lớn, mà còn là nhân tố lớn nhất trong lịch sử loài người”. Tuyên bố này đã làm nức lòng các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh, những người muốn tin vào sức mạnh độc đáo của lịch sử-văn hóa Trung Quốc và sự trỗi dậy tất yếu của “con rồng Trung Hoa”. Trong nhiều năm, các nhà lãnh đạo Trung Quốc tin tưởng vào sự biện minh của Lý Quang Diệu cho đất nước của họ trước thế giới. Tờ China Daily viết: "Khi Trung Quốc gặp phải sự chống đối trên trường quốc tế, Lý Quang Diệu đã đóng một vai trò quan trọng trong việc làm trung gian hòa giải và giải thích cho lập trường của Trung Quốc”.
Đối với giới quan sát ở phương Tây, những tuyên bố của Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu dường như là lời tiên tri và người ta tự hỏi thế giới sẽ ra sao, nếu Washington coi trọng những lời khuyên của ông về “sự trỗi dậy của Trung Quốc” cách đây 20 năm. Với việc Lý Quang Diệu qua đời, cả Trung Quốc lẫn phương Tây sẽ phải tìm cách đối phó với nhau mà không còn có sự chỉ dẫn thông thái của ông.