Trong bối cảnh biến chủng Delta đang hoành hành khắp nơi trên thế giới, một cuộc tranh luận nóng bỏng nổ ra quanh vấn đề có cần thiết tiêm mũi vaccine bổ sung hay không.
Một bên là các quan chức y tế toàn cầu cho rằng số vaccine hiện có tốt hơn nên dành để tiêm chủng cho những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao ở các nước nghèo, nơi mới chỉ nhận được lượng vaccine nhỏ giọt.
Ở phía bên kia là các lãnh đạo và giới chức y tế tại những nước giàu. Họ muốn có thêm vaccine Covid-19 để tiêm mũi bổ sung cho các nhóm dễ tổn thương hơn ở nước mình.
Không chờ dữ liệu khoa học
Các quan chức chính quyền Tổng thống Joe Biden đã bắt đầu xây dựng kế hoạch tiêm mũi thứ 3, sử dụng vaccine của hai hãng Pfizer và Moderna. Chiến dịch tiêm mũi bổ sung sẽ được triển khai từ mùa thu.
Giới chức y tế Washington cho biết họ không thể chờ đến khi có thêm bằng chứng khoa học chắc chắn về sự cần thiết tiêm mũi bổ sung, bởi công tác hậu cần phức tạp đòi hỏi rất nhiều thời gian.
Các dữ liệu khoa học đến nay cho thấy tiêm đủ liều vaccine có hiệu quả cao bảo vệ con người trước nguy cơ bệnh nặng hoặc tử vong do nhiễm virus. Tuy nhiên, hiện chưa rõ khi nào những người đã tiêm đủ liều vaccine sẽ cần mũi bổ sung.
|
Mỹ sẽ tiêm mũi vaccine Pfizer và Moderna bổ sung cho người dân. Ảnh: AFP.
|
Tại Mỹ, giới chức liên bang tuần trước đã phê chuẩn tiêm mũi thứ 3 của vaccine Pfizer và Moderna cho người bị suy giảm hệ miễn dịch do cấy ghép nội tạng, hóa trị hoặc các tình trạng bệnh lý khác.
Tuy nhiên, các quan chức Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cũng như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) đồng loạt khẳng định phê duyệt mũi thứ 3 cho người suy giảm hệ miễn dịch là một vấn đề hoàn toàn tách biệt với câu hỏi liệu mũi bổ sung có cần thiết cho toàn bộ người dân.
Pfizer và BioNTech đã vận động hành lang quyết liệt nhằm thuyết phục nhà chức trách sớm phê chuẩn mũi vaccine thứ 3 cho người Mỹ. Nhưng hồi tháng 7, giới chức liên bang cho biết họ cần nhiều dữ liệu hơn nữa. Việc phê duyệt mũi tiêm bổ sung thậm chí có thể mất vài tháng xem xét.
Hôm 16/8, hai hãng dược phẩm cho biết họ đã gửi cho FDA dữ liệu từ giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đầu tiên, cho thấy mũi thứ 3 giúp tăng cường đáng kể phản ứng miễn dịch của người được tiêm chống lại virus, bao gồm biến chủng Delta.
Bất chấp sự cần thiết của mũi bổ sung còn là chủ đề gây tranh cãi, một số người đã quyết định tiêm. Theo tiến sĩ Kathleen Dooling, quan chức của CDC, hơn một triệu người tại Mỹ đã được tiêm mũi vaccine thứ 3. Không rõ bao nhiêu người trong số này bị suy giảm hệ miễn dịch.
Lúc này, một số quốc gia như Pháp, Đức hay Israel đã phê chuẩn tiêm mũi vaccine tăng cường cho người già. Hôm 13/8, Israel cho biết nước này hạ độ tuổi người được phép tiêm mũi bổ sung xuống 50.
Trao cơ hội cho virus đột biến thêm
Các quan chức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phản ứng dữ dội trước quyết định cho phép tiêm mũi vaccine bổ sung của các nước giàu.
WHO cảnh báo kế hoạch tiêm mũi bổ sung sẽ làm cạn kiệt nguồn cung vaccine, khiến các nước thu nhập thấp càng phải chờ đợi lâu hơn nữa mới có thể tiếp cận nguồn vaccine.
Bỏ mặc phần lớn người dân thế giới không được tiêm vaccine là tính toán thiển cận, lãng phí, trao cho virus cơ hội tiếp tục đột biến thành những chủng có khả năng lây nhiễm mạnh hơn, hoặc có độc lực cao hơn, WHO tuyên bố.
Bất chấp phản ứng từ WHO và các tổ chức vận động vaccine toàn cầu, các nước giàu đã làm ngơ và tiếp tục thúc đẩy kế hoạch của mình.
Tình trạng phân bổ vaccine trên phạm vi toàn cầu hiện vẫn ở mức bất bình đẳng trầm trọng. Nhiều quốc gia ở Bắc Mỹ và châu Âu đã tiêm ít nhất một mũi vaccine cho hơn 50% dân số.
|
Đa phần người dân thế giới chưa được tiêm vaccine. Ảnh: Khmer Times.
|
Trong khi đó, chỉ 4% dân số châu Phi đã được tiêm vaccine, theo dự án Our World in Data của Đại học Oxford.
Tại một buổi thông tin báo chí đầu tháng 8, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các nước giàu dừng ngay việc tiêm mũi vaccine thứ 3, ít nhất cho đến cuối tháng 9.
"Chúng ta không thể, và không nên chấp nhận việc các nước vốn đã giành hết nguồn cung vaccine toàn cầu lại tiếp tục sử dụng thêm vaccine, trong khi những người dễ bị tổn thương nhất vẫn chưa được bảo vệ", ông Tedros nói.
Trong một bài bình luận trên tờ The Guardian hôm 13/8, Giám đốc Nhóm nghiên cứu vaccine Oxford của Đại học Oxford Andrew Pollard và Giám đốc điều hành Liên minh Vaccine Quốc tế (GAVI) Seth Berkley cho biết hiện chưa có đủ bằng chứng về sự cần thiết của mũi vaccine bổ sung.
"Tiêm mũi bổ sung với quy mô lớn ở một nước giàu sẽ gửi đi tín hiệu cho khắp thế giới rằng mũi bổ sung là cần thiết. Điều này sẽ làm cạn kiệt nốt số vaccine còn lại trong hệ thống phân phối toàn cầu, sẽ có nhiều người chết bởi họ không có cơ hội được tiêm dù chỉ một mũi vaccine", hai ông Pollard và Berkley cảnh báo.