Lộ tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Mỹ
Trong tháng 4, hơn 100 tài liệu tuyệt mật của Bộ Quốc phòng Mỹ đã bị rò rỉ, gây nên một vụ việc chấn động giới chức quốc phòng và tình báo của nước này.
Những tài liệu mật tiết lộ nhiều hoạt động cũng như hợp tác quân sự bí mật của quân đội Mỹ cùng các nước đồng minh. Đặc biệt, nhiều chi tiết quan trọng liên quan đến hoạt động của NATO tại Ukraine cũng nằm trong những tài liệu mật bị rò rỉ.
Vụ việc này đã khiến Lầu Năm Góc hứng chịu nhiều chỉ trích. Một số chuyên gia quân sự cho rằng sự cố trên xảy ra do quân đội Mỹ đã cấp quyền truy cập thông tin mật cho quá nhiều người.
|
Màn hình tin tức về các tài liệu bị rò rỉ từ Lầu Năm Góc tại một nhà ga ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 12/4/2023. Ảnh: AP. |
Các tài liệu mật bị lộ phần lớn liên quan đến cuộc chiến tại Ukraine, với các bản đồ chi tiết, kiểm kê chiến trường và các thông tin khác.
Đặc biệt đáng lo ngại, các quan chức hiện tại và trước đây cho biết các tài liệu chứa thông tin liên quan đến cuộc phản công sắp bắt đầu của Ukraine - mặc dù chúng không chứa các kế hoạch cụ thể.
Một số tài liệu nêu chi tiết tình trạng thiếu hụt hệ thống phòng không nghiêm trọng của Ukraine, điều có thể giúp Nga đạt được mục tiêu chiếm ưu thế trên không ngay sau tháng 5 nếu Ukraine cạn kiệt tên lửa phòng không.
Các tài liệu khác lại nói Mỹ đã thâm nhập sâu vào quân đội Nga. Các tài liệu cũng chứa thông tin chi tiết về nhóm lính đánh thuê Wagner, nhóm được cho là đã tìm cách bí mật mua vũ khí từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Vụ bê bối Watergate
William Mark Felt (1913-2008) là cựu nhân viên Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI), người được mệnh danh là "nguồn tin ẩn danh khét tiếng nhất trong lịch sử Mỹ" trong vụ bê bối Watergate, vụ bê bối duy nhất từng khiến một tổng thống phải từ chức trước khi hết nhiệm kỳ.
|
Cựu nhân viên FBI Mark Felt. Ảnh: Myprivacy. |
Ngày 17/6/1972, khoảng 5 tháng trước cuộc bầu cử tổng thống, cảnh sát bắt quả tang 5 người đàn ông đang đột nhập và ăn cắp tài liệu từ trụ sở của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ ở khu nhà Watergate tại thủ đô Washington D.C. Trước đó, những người này đã đặt các thiết bị nghe lén trong tòa nhà này.
Một trong số người bị bắt là James McCord Jr., người phụ trách an ninh của Ủy ban Tái tranh cử của tổng thống Richard Nixon lẫn Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, Tổng thống Nixon đã bác bỏ cáo buộc có liên quan. Người đứng đầu Nhà Trắng khi đó được cho là đã yêu cầu Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) gây sức ép để FBI rút khỏi cuộc điều tra về bê bối này.
Mọi việc được che giấu cho đến tháng 5/1974 khi hai phóng viên của Washington Post phanh phui công bố trên mặt báo. Thông tin mà họ tiết lộ do một nhân vật bí ẩn có mật danh "Deep Throat" cung cấp.
Quốc hội Mỹ buộc phải lập một ủy ban điều tra bê bối Watergate được “giấu nhẹm" sau gần 2 năm. Trước nguy cơ bị luận tội, Tổng thống Nixon ngày 9/8 đã tuyên bố từ chức mặc dù vẫn phủ nhận có liên quan đến bê bối Watergate.
Sau hơn 3 thập niên, cái tên "Deep Throat" mới được giải mật khi ông Mark Felt lần đầu công khai thừa nhận: "Tôi chính là người mà người ta gọi là Deep Throat".
Lộ hơn 700.000 tài liệu quân sự mật của Mỹ
Bradley Manning (sau này đổi thành Chelsea Manning) sinh năm 1987 tại Oklahoma, Mỹ. Anh gia nhập quân đội năm 18 tuổi.
Năm 2013, binh nhì Manning bị kết án 35 năm tù vì bị cáo buộc đã chuyển hơn 700.000 tài liệu quân sự mật của Mỹ cho trang web WikiLeaks vào năm 2010. Trong số các tài liệu rò rỉ có các báo cáo chiến trường tại Afghanistan, Iraq và những thông tin mật của Bộ Ngoại giao Mỹ. Manning nói rằng, anh ta làm như vậy bởi muốn phơi bày cái giá của chiến tranh.
|
Bradley Manning bị kết án 35 năm tù vì bị cáo buộc đã chuyển hơn 700.000 tài liệu quân sự mật của Mỹ cho trang web WikiLeaks vào năm 2010. Ảnh: Getty. |
WikiLeaks, trang web của cựu hacker người Australia Julian Assange, sau đó đã tạo ra “cú sốc” lớn với chính trường Mỹ khi công bố hàng trăm nghìn điện tín mật này của Mỹ.
Một cuộc truy lùng cha đẻ của WikiLeak cũng bắt đầu. Năm 2012, ông Julian Assange xin cư trú tại Đại sứ quán Ecuador ở Anh nhằm tránh bị dẫn độ về Thụy Điển về tội tấn công tình dục. Theo ông Assange, mục đích cuối cùng của những người muốn bắt giữ ông là dẫn độ ông về Mỹ để đối mặt với các cáo buộc gián điệp và xuất bản tài liệu mật của Mỹ trên WikiLeaks.