Các vụ lộ tài liệu mật của ông Biden và ông Trump có giống nhau?

Google News

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ đã chỉ định 2 công tố viên đặc biệt để điều tra độc lập việc xử lý các hồ sơ mật của Tổng thống Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump.

Jack Smith, công tố viên nổi tiếng là “khắc tinh” của tội phạm chiến tranh, đang tìm hiểu xem liệu cựu Tổng thống Trump hoặc các cộng sự có lưu trữ trái phép các tài liệu mật tại tư dinh của ông ở bang Florida sau khi rời Nhà Trắng vào năm 2021 và sau đó cố gắng cản trở một cuộc điều tra liên bang hay không.

Cac vu lo tai lieu mat cua ong Biden va ong Trump co giong nhau?

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ đã chỉ định 2 công tố viên đặc biệt để điều tra độc lập việc xử lý các hồ sơ mật của Tổng thống Joe Biden (phải) và người tiền nhiệm Donald Trump. Ảnh: NYmag

Công tố viên Robert Hur tại bang Maryland đang phụ trách điều tra việc di dời và lưu giữ các hồ sơ mật từ thời Tổng thống Joe Biden còn giữ chức Phó tổng thống, cũng như việc phát hiện ra chúng tại nhà riêng và văn phòng một thời của ông tại một tổ chức tư vấn.

Những điểm tương đồng giữa hai vụ việc

Theo Reuters, cả ông Trump và ông Biden lẽ ra không nên cất giữ bất kỳ tài liệu mật nào. Luật pháp Mỹ quy định, trong giai đoạn chuyển tiếp tổng thống, hồ sơ của chính quyền tiền nhiệm phải được giao lại cho Cơ quan Lưu trữ quốc gia (NARA) quản lý một cách hợp pháp.

Việc cố ý di dời hoặc lưu giữ các tài liệu mật là phạm pháp. Việc lưu trữ và bảo mật không đúng cách những tài liệu đó có thể gây rủi ro cho an ninh quốc gia nếu chúng rơi vào tay kẻ xấu.

Ông Biden nói, bản thân rất ngạc nhiên khi biết mình đang nắm trong tay các giấy tờ mật của chính quyền trước kia. Về phần mình, ông Trump tuyên bố trên mạng xã hội dù không cung cấp bằng chứng rằng, ông đã giải mật các hồ sơ. Các luật sư của cựu Tổng thống từ chối lặp lại khẳng định này trong hồ sơ tòa án.

Các tài liệu mật bị rò rỉ có từ thời ông Biden còn là Phó tổng thống trong chính quyền Barack Obama từ năm 2009 - 2017 và khi ông Trump còn đương chức Tổng thống giai đoạn 2017 - 2021.

Những điểm khác biệt

Các chuyên gia pháp lý cho biết có sự khác biệt rõ rệt giữa hai trường hợp.

Trong trường hợp của ông Trump, suốt hơn 1 năm sau khi ông mãn nhiệm, NARA đã cố gắng lấy lại toàn bộ hồ sơ ông giữ lại, nhưng không thành công. Khi ông Trump cuối cùng trả lại 15 hộp tài liệu vào tháng 1/2022, các nhân viên của Cục đã phát hiện chúng chứa các giấy tờ mật.

Vụ việc đã được chuyển đến Bộ Tư pháp, nơi ban hành trát đòi hầu tòa của đại bồi thẩm đoàn vào tháng 5/2022 nhằm yêu cầu cựu lãnh đạo Nhà Trắng trả lại mọi tài liệu mật. Các điều tra liên bang sau đó đến tư dinh của ông Trump, nơi các luật sư của ông trao trả một số hồ sơ và khẳng định không còn tài liệu mật nào tại đây.

Tuy nhiên, thêm các bằng chứng do Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) thu thập được, kể cả các hình ảnh video giám sát quay bên trong khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida của ông Trump đã khiến FBI yêu cầu tòa án phê chuẩn lệnh khám xét nơi này. Trong cuộc đột kích Mar-a-Lago ngày 8/8/2022, các đặc vụ FBI đã thu giữ thêm 13.000 tài liệu với khoảng 100 tài liệu trong số đó được đánh dấu là mật.

Trong trường hợp của ông Biden, Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland cho hay, các luật sư của đương kim Tổng thống đã thông báo cho NARA và Bộ Tư pháp hồi tháng 11/2022 về việc phát hiện gần một chục tập tài liệu mật bên trong tủ quần áo tại Trung nghiên cứu chính sách Penn Biden ở thủ đô Washington.

Sau đó, các luật sư tiếp tục kiểm tra bổ sung và tìm thấy thêm nhiều tài liệu mật ở các tư dinh của ông Biden ở Wilmington và Rehoboth, bang Delaware trong tháng 12 năm ngoái và tháng 1 năm nay. Toàn bộ số tài liệu này đã được bàn giao cho nhà chức trách.

Các rắc rối pháp lý

Việc di dời và lưu giữ tài liệu mật chỉ phạm pháp khi là hành vi cố ý. Các công tố viên thường sẽ không theo đuổi cáo buộc về việc vô tình lưu giữ hồ sơ mật, nhưng nếu có bằng chứng về khả năng cản trở công lý, điều đó có thể thay đổi mọi thứ. Vì vậy, các chuyên gia pháp lý nhận định, ông Trump đang phải đối mặt với nhiều nguy hiểm pháp lý hơn đáng kể so với ông Biden.

Cho đến nay, Bộ Tư pháp không có bất kỳ ám chỉ nào về việc ông Biden có thể cố ý giữ lại hồ sơ hoặc từ chối trả lại cho chính phủ. Ngoài ra, do đang là đương kim Tổng thống, ông Biden cũng khó có khả năng bị truy tố. Đây là chính sách lâu nay của Bộ Tư pháp Mỹ.

  
Theo Tuấn Anh/Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)