Trong khi dư luận muốn biết sự thật hơn bao giờ hết thì cả Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia – ba bên liên quan nhất tới vụ việc – không quan tâm tới việc cung cấp thông tin.
Theo CNN, trong thực tế, suốt hơn nửa tháng qua, cả ba bên bằng cách này hay cách khác đều giấu giếm, bưng bít một số thông tin.
|
Nhà báo Jamal Khashoggi. Ảnh: AP |
Thứ nhất là Saudi Arabia. Trước khi thừa nhận ông Khashoggi thiệt mạng tại Lãnh sự quán nước này, phải mất gần 2 tuần giới chức Saudi Arabia mới để cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ vào Lãnh sự quán Saudi Arabi – nơi nhà báo Khashoggi biến mất và nghi bị tra tấn, sát hại. Họ đã khiến các điều tra viên chờ thêm một ngày nữa mới cho vào nhà của Lãnh sự Saudi Arabia tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Mohammad al-Otaibi. Thời điểm đó, ông Otaibi đã về Saudi Arabia cùng gia đình.
Trước đó, có người cho rằng khả năng kỳ diệu nhất là ông Khasghoggi còn sống trong một khách sạn ở Saudi Arabia. Khả năng xấu nhất là nhà báo đối lập này đã bị tay chân của Thái tử Saudi Arabia lập kế hoạch sát hại dã man và phân xác ông ở một nước khác dưới vỏ bọc miễn trừ ngoại giao.
|
Hình ảnh từ máy quay giám sát cho thấy ông Khashoggi (phải) tới Lãnh sự quán Saudi Arabia ngày 2/10. Ảnh: AFP |
Việc không có cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ tiếp cận cùng với việc giới chức cấp cao Saudi Arabia không giải thích chuyện gì xảy ra đã khiến dư luận hêm nghi ngờ rằng có một vụ ám sát, phân thây do cấp cao nhất ra lệnh.
Nếu những gì xảy ra đúng như dự đoán, CNN bình luận rằng vụ việc có thể là một âm mưu ngây ngô, sai lầm của Saudi Arabia. Nếu sự việc đi quá xa như vậy, nó sẽ sớm hủy hoại uy tín của Saudi Arabia ở trong khu vực về lâu dài.
Dấu hiệu quan trọng nhất của một âm mưu bưng bít thông tin là việc từ chối cho tiếp cận hiện trường.
Theo CNN, mọi việc đang xấu đi từng ngày và chiến lược của Saudi Arabia là hi vọng có một sự kiện lớn xảy ra trên thế giới có thể khiến dư luận cuốn theo và bị xao nhãng khỏi vụ nhà báo Khashoggi. Tuy nhiên, điều đó chưa xảy ra và nếu càng kéo dài, sự việc càng phức tạp.
Trong khi đó, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ ngày 18/10 bảo vệ lý do trì hoãn kiểm tra nơi nghi là hiện trường tội ác và cho biết Tổng lãnh sự Saudi Arabia có quyền miễn trừ ngoại giao nên không thể ngăn ông ấy rời đi.
|
Đội điều tra Thổ Nhĩ Kỳ tại nơi ở của Lãnh sự Saudi Arabia. Ảnh: EPA |
CNN cho rằng hành động của Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy nước này không đảm nhiệm vai trò công tố viên mà lại đóng vai một chính trị gia cơ hội.
Việc nước này cố ý rò rỉ dần dần bằng chứng cho báo chí cho thấy nước này dường như không tôn trọng công lý và gia đình của nhà báo Khashoggi.
Điều giới chức Thổ Nhĩ Kỳ quan tâm là sử dụng thông tin họ có để gây áp lực với Saudi Arabia và khiến Mỹ phải yêu cầu Saudi Arabia giải thích.
Hộ chiếu, hình ảnh máy quay giám sát, đoạn ghi âm, các cuộc gọi điện… có thể đã nằm trong tay của cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ chỉ vài giờ xảy ra vụ việc. Tuy nhiên, các bằng chứng này không được giữ lại để sau này công bố một cách toàn diện, công khai. Các bằng chứng cũng không được đưa ra để giải thích về sự biến mất của ông Khashoggi.
Thay vào đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã rò rỉ thông tin cho báo chí và các đối tác nước ngoài. Mục đích là không muốn một mình đối đầu với Saudi Arabia và muốn Mỹ gây sức ép.
Theo tờ Daily Beast, những thông tin rò rỉ từ giới chức Thổ Nhĩ cho thấy có một âm mưu bưng bít còn lớn hơn nhiều.
Vào ngày ông Khashoggi, một tiếng nói chỉ trích chính quyền Saudi Arabia, bước vào Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul để xin giấy tờ làm thủ tục kết hôn, 15 quan chức Saudi Arabia đã bay tới Istanbul trên hai chuyến bay thuê và rời đi vào đêm đó.
Một số tờ báo địa phương cho rằng đội quan chức trên đã bị ghi hình khi đi qua một huyện của tỉnh Yalova ở miền tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo tờ Yeni Safak của Thổ Nhĩ Kỳ, các điều tra viên sẽ tìm kiếm thi thể của ông Khasghoggi ở khu rừng Belgrade, phía bắc Istanbul và một nông trại ở khu vực Yalova.
Cũng theo tờ báo trên, Mashal Saad al Bostani 31 tuổi, trung úy Không quân Saudi Arabia và là một trong 15 người trong nhóm bị Thổ Nhĩ Kỳ nghi là “đội ám sát”, đã chết trong một vụ tai nạn giao thông đáng ngờ ở Riyadh.
Tờ Hurriet còn dự báo là Lãnh sự Otaibi sẽ là nhân vật tiếp theo biến mất. Theo băng ghi âm cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ thu được trong Lãnh sự quán ngày 2/10, có giọng của người được cho là ông Otaibi nói: “Hãy làm việc đó ở nơi khác bên ngoài nếu không tôi sẽ gặp rắc rối”. Một giọng nói khác cất lên: “Hãy im đi nếu ông muốn sống khi trở về Saudi Arabia”.
Nước liên quan thứ ba là Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã bay tới Saudi Arabia để bàn vụ nhà báo mất tích với Thái tử Mohammad bin Salman. Theo CNN, tình tiết kỳ lạ là Tổng thống Donald Trump lại gọi điện cho Thái tử Salman trong khi ông Pompeo ở đó có thể truyền đạt lại lời bác bỏ liên quan của phía Saudi Arabia.
|
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) và Thái tử Saudi Arabia. Ảnh: Hurriyet |
Sau đó, ông Pompeo đã rời đi và không tiết lộ bất kỳ thông tin nào. CNN cho rằng thật không thể tin rằng Mỹ - với công nghệ hiện đại và sự hỗ trợ của đồng minh NATO Thổ Nhĩ Kỳ lại không biết rõ chính xác việc gì đã xảy ra cả ở bên trong và bên ngoài Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul.
Ngoại trưởng Mỹ đã rời đi cùng với lời bác bỏ liên quan và lời hứa điều tra từ Saudi Arabia. Ngoại trưởng Mỹ phát biểu tại căn cứ không quân Quốc vương Salman ở Riyadh: “Tôi không muốn nói về bất kỳ thông tin nào”.
CNN cho rằng vụ nhà báo mất mạng trên đất Thổ Nhĩ Kỳ có dấu hiệu không rõ ràng và cố tình bỏ sót thông tin có chọn lọc. Báo chí và dư luận chỉ biết những gì mà giới chức Thổ Nhĩ Kỳ muốn báo chí biết.