Sau khi bị bắn sáng 8/7 tại tỉnh Nara, cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang được điều trị ở bệnh viện trong tình trạng nguy kịch. Nghi phạm nổ súng từ phía sau, khiến ông trúng đạn ở cổ bên phải.
Tiểu sử của ông Shinzo Abe
Ông Shinzo Abe sinh ngày 21/9/1954, trong một gia đình danh tiếng, có vị thế chính trị lớn khi ông ngoại và bác đều là thủ tướng. Năm 1977, ông tốt nghiệp khoa luật tại trường Đại học Seikei ở Tokyo, Nhật Bản. Năm 1978, ông Abe hoàn thành chương trình học chuyên ngành chính trị tại ĐH Nam California, Mỹ.
Sau một thời gian ngắn làm việc ở Công ty Thép Kobe, ông Abe trở thành trợ lý cho cha mình là Ngoại trưởng Nhật Bản Shintaro Abe vào năm 1982. Kể từ đây, sự nghiệp chính trị của ông bắt đầu phát triển.
|
Cựu thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: RIA. |
Đến năm 1986, ông được chỉ định là Thư ký riêng cho Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP). Sau đó, ông Abe trúng cử nghị sĩ Quốc hội (Hạ viện) năm 1993 và được bầu làm Ủy viên thường trực trong Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Nhật Bản.
Năm 1999, ông Abe là Giám đốc phụ trách các vấn đề xã hội của LDP và đến năm 2000, giữ chức Phó Chánh Văn phòng Nội các trong Chính phủ của Thủ tướng Mori.
Năm 2001 – 2005, ông Abe tiếp tục giữ chức Phó Chánh Văn phòng Nội các trong Chính phủ của Thủ tướng Koizumi. Ngày 31/10/2005, ông chính thức được phê chuẩn làm Chánh Văn phòng Nội các trong Chính phủ của Thủ tướng Koizumi.
Năm 2006, Shinzo Abe trở thành Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do và trở thành Thủ tướng Nhật. Ông Abe từng giữ cương vị trên trong nhiệm kỳ năm 2006 - 2007. Ông từ chức sau một năm cầm quyền vì lý do sức khỏe. Ông Shinzo Abe tái đắc cử lần 2 vòa năm 2012 và trở thành Thủ tướng Nhật Bản. Ông Abe là thủ tướng tại nhiệm lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản.
Dấu ấn nổi bật trong 8 năm ông Abe cầm quyền
8 năm làm Thủ tướng Nhật Bản, ông Shinzo Abe đã để lại nhiều dấu ấn điều hành với cả những thành công lẫn điều còn dang dở.
Ông Abe Shinzo (Đảng Dân chủ Tự do) là người đảm nhiệm chức vụ thủ tướng lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản: Nhiệm kỳ I từ tháng 9/2006 đến 9/2007, nhiệm kỳ II từ 12/2012 đến 12/2014, nhiệm kỳ III từ 12/2014 đến 11/2017 và bắt đầu nhiệm kỳ IV từ 1/11/2017 đến khi từ chức ngày 28/8/2020.
|
Ông Abe là thủ tướng tại nhiệm lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản. |
Nhắc đến Abe Shinzo, trước hết phải nhắc tới cam kết “làm hồi sinh” nền kinh tế Nhật Bản thông qua chính sách Abenomics mà ông đưa ra sau khi tái đắc cử Thủ tướng vào năm 2012, với 3 trọng tâm là thúc đẩy chi tiêu công, nới lỏng chính sách tiền tệ và tăng trưởng kinh tế sâu rộng. Đến nay, Abenomics vẫn được coi là chính sách nhận được những cái nhìn trái chiều, song thực tế chứng minh rằng, chính sách cải cách kinh tế đầy táo bạo này ít nhiều đã đem lại những chuyển biến cho đất nước Nhật Bản.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Abenomics đã mở ra lối thoát để nền kinh tế Nhật Bản bước ra khỏi tình trạng đình trệ và giảm phát trầm trọng kéo dài trước đó. Và dù kể từ cuối năm 2018 đến nay, đà tăng trưởng của nền kinh tế thứ ba thế giới có dấu hiệu chững lại, song vẫn không thể phủ nhận những thành tựu khởi nguồn từ chính sách này.
Một điều thú vị khác về cựu Thủ tướng Abe đó là ông từng đoạt giải thưởng Người ăn mặc lịch sự nhất lần thứ 31 do Hiệp hội Thời trang nam Nhật Bản trao vào năm 2002. Điều này đã khiến giới truyền thông Nhật Bản từng đùa rằng: "Chỉ cần Shinzo Abe giơ tay tuyên bố ra tranh cử là tức khắc đắc cử!".
Những mục tiêu còn dang dở của ông Abe
Năm 2020, ông Abe Shinzo từ chức thủ tướng do vấn đề sức khỏe. Ông bị viêm loét đại tràng từ khi còn là một thiếu niên nhưng nói rằng bệnh tình "đã được kiểm soát bằng cách điều trị". Thời điểm từ chức, ông Abe Shinzo bày tỏ sự tiếc nuối vì còn nhiều mục tiêu chưa hoàn thành.
|
Năm 2020, ông Abe Shinzo từ chức thủ tướng do vấn đề sức khỏe mạn tính. |
Theo tờ New York Times, mặc dù đã nắm giữ quyền lực trong thời gian dài, ông Abe đã không đạt được mục tiêu cuối cùng của mình là sửa đổi Hiến pháp hòa bình do Mỹ thiết lập sau Thế chiến 2. Kết quả một cuộc thăm dò ý kiến của hãng Kyodo với gần 2.000 người trả lời cho thấy khoảng 60% phản đối bất kỳ sự sửa đổi Hiến pháp nào dưới thời ông Abe.
Một mục tiêu còn dang dở khác của cựu Thủ tướng Abe là không thể đảm bảo việc trao trả các đảo tranh chấp mà cả Nhật Bản và Nga tuyên bố chủ quyền để hai nước có thể ký hiệp ước hòa bình chính thức chấm dứt chiến tranh.
Và trong một cuộc họp báo công bố quyết định từ chức, ông Abe bày tỏ sự tiếc nuối về tham vọng thứ ba chưa thực hiện điện là đưa các công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc hàng thập kỷ trước trở về.