Ông Park Chung-hee là vị Tổng thống thứ ba của Đại Hàn Dân Quốc, tại nhiệm trong bốn nhiệm kỳ. Suốt 18 năm làm Tổng thống Hàn Quốc cho đến khi bị ám sát, ông Park Chung-hee được xem là một nhà độc tài liêm khiết khi sở hữu tài sản chỉ vỏn vẹn 10.000 USD.
Cho đến nay, cuộc đời, sứ mệnh chính trị của cựu Tổng thống Park Chung-hee vẫn để lại nhiều tranh cãi. Ông đảo chính giành chính quyền năm 1961. Ngày 26/10/1979, ông bị thuộc hạ bắn chết sau 4 nhiệm kỳ làm tổng thống, đưa nền kinh tế Hàn Quốc đạt được những bước tiến kinh ngạc.
Ngày 16/5/1961, Park Chung-hee thực hiện cuộc đảo chính để chấm dứt một nền dân chủ yếu kém và tham nhũng. Hai tháng sau, tại Đại học Quốc gia Seoul ông phát biểu: “Toàn dân Hàn Quốc sẽ phải thắt lưng buộc bụng trong vòng ít nhất là 5 năm tới đây, phải cắn răng mà làm việc nếu muốn được sống còn. Phải biết cách làm như thế nào để trong vòng 10 năm tới, chúng ta tạo ra được một nền kinh tế đứng hàng đầu ở khu vực Đông Á và 20 năm sau đó, chúng ta trở thành cường quốc kinh tế trên thế giới. Chúng ta sẽ khiến cho thế giới phải ngưỡng mộ, phải nể phục, tôn trọng chúng ta,... Hôm nay, có thể vẫn còn có một số đồng bào bất đồng ý kiến với tôi, nhưng xin những đồng bào đó hãy hiểu cho rằng, tổ quốc của chúng ta quan trọng hơn quyền lợi cá nhân. Tôi không hề muốn mị dân, tôi sẽ cương quyết ban hành một chính sách khắc khổ. Tôi sẽ đem bắn bất cứ kẻ nào ăn cắp của công, dù chỉ một đồng. Tôi sẵn lòng chết cho lý tưởng mà mình đã đề ra”.
Nhật báo Korea Times cũng từng chọn Park Chung-hee là người đầu tiên trong loạt bài “những nhân vật có ảnh hưởng nhất đến Hàn Quốc”. Cuộc bình chọn được Gallup tổ chức năm 2015, 44% dân Hàn xem ông là tổng thống vĩ đại nhất lịch sử.
Sau 18 năm cầm quyền, mở đầu bằng cuộc đảo chính và kết thúc bằng bị ám sát, Park Chung-hee là tổng thống được nhiều người ngưỡng mộ và đồng thời là nhà độc tài số một của Hàn Quốc bị nhiều người chỉ trích. Dưới tài năng lãnh đạo của Park Chung-hee, Hàn Quốc trỗi dậy mạnh mẽ từ đói nghèo “truyền thống” và trở thành con hổ châu Á.
Ngành công nghiệp Hàn Quốc cũng chứng kiến sự phát triển vượt bậc trong thời kỳ lãnh đạo của ông Park, sự hợp tác giữa chính phủ và các doanh nghiệp trong việc mở rộng xuất khẩu của quốc gia đã giúp dẫn đến sự tăng trưởng mạnh mẽ của một số công ty Hàn Quốc - tạo tiền đề cho các tập đoàn đa quốc gia khổng lồ ngày nay.
|
Park Chung-hee là tổng thống được nhiều người ngưỡng mộ và đồng thời là nhà độc tài số một của Hàn Quốc bị căm ghét. |
Hiểu được nguồn viện trợ của Mỹ một ngày nào đó sẽ không còn, ông Park khuyến khích người dân tập trung sản xuất để xuất khẩu với khẩu hiệu “xuất khẩu: tốt, nhập khẩu: xấu” được lan rộng. Các doanh nghiệp được giao chỉ tiêu xuất khẩu hàng năm, nếu đạt hoặc vượt chỉ tiêu, doanh nghiệp sẽ được chính phủ ưu tiên tín dụng, ưu đãi thuế, ưu tiên chính sách. Trái lại, các doanh nghiệp không đạt sẽ có nguy cơ bị thay thế hoặc xóa sổ.
Song song đó, ông tập trung phát triển các tập đoàn công nghiệp đa quốc gia với sự hỗ trợ tối đa của chính phủ đồng thời tiến hành hiện đại hóa nông thôn. Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, tăng trưởng kinh tế đạt 8,3%/năm, kế hoạch 5 năm lần 2, mức tăng trưởng đạt đến mức chính ông Park và đội ngũ tham mưu cũng không dám nghĩ: 11,4%/năm.
Tuyến cao tốc Seoul – Busan được xem là biểu tượng của lòng kiên định và tinh thần “có thể làm được” trong công cuộc cải cách của ông Park. Trước lễ khởi công năm 1968, đảng đối lập cho rằng “Hàn Quốc không hề có kinh nghiệm, công nghệ và thiết bị để làm” và “ông Park sẽ làm kiệt quệ ngân khố vì con đường này”. World Bank (ngân hàng thế giới) khuyến cáo ông Park “không nên”. Ngân hàng quốc tế về Tái thiết và Phát triển từ chối cho vay và quốc hội bỏ phiếu phủ quyết, cho rằng ông Park sẽ đẩy Hàn Quốc đến nguy cơ phá sản.
Dự án gặp khó khăn ngay từ đầu, vì thiếu vốn, logistics hạn chế, thiết bị nghèo nàn và địa hình phức tạp.
Thế nhưng, ông Park không nhượng bộ. Ngân sách không có, ông huy động nguồn lực kỹ sư từ quân đội và bắt đầu xây cao tốc nối Seoul – Osan 3 tháng trước lễ động thổ Gyeongbu. Ngày 1/2/1968, lễ khởi công tuyến cao tốc Seoul – Busan được tổ chức.
29 tháng sau, tuyến đường đã hoàn thành, kết nối Seoul với Suwon, Daejon, Gumi, Daegu và Busan. Tổng chiều dài đạt 416 km, tốc độ cho phép lên đến 100 km/giờ với tổng chi phí 42,9 tỉ won, tương đương với 23,6% tổng ngân sách quốc gia năm 1967.
Chỉ 3 năm sau, 80% lượng phương tiện đi lại của Hàn Quốc đã sử dụng tuyến đường này và những địa phương tuyến cao tốc đi qua đã đem lại hơn 76% tổng sản phẩm quốc nội và hơn 80% sản phẩm công nghiệp. Trong ngày khánh thành, ông Park nhấn mạnh: “Hôm nay, ao ước từ lâu của người dân Hàn Quốc đã được thực hiện. Đây là thành quả của máu, mồ hôi và lòng quyết tâm của nhân dân. Qua dự án này, chúng ta đã chứng tỏ được khả năng, nguồn lực và sức mạnh của chúng ta là vô tận”.
|
Tuyến cao tốc Seoul – Busan hoàn thành năm 1970. Ảnh: Chosun Ilbo. |
Trong quá trình thi công tuyến đường, 70 công nhân dã thiệt mạng và tính đến năm 2008, Hàn Quốc có hệ thống gồm 27 tuyến đường cao tốc với chiều dài lên đến 3.500km, trong đó tuyến Seoul – Busan đóng vai trò quan trọng trong hệ thống 20,557 km cao tốc của châu Á, kết nối Hàn Quốc với các nền kinh tế Nhật, Trung Quốc, Đông Nam Á, Ấn Độ, Pakistan, Iran và đến tới cả biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria.
Tuyến đường Seoul – Busan được coi là một trong những thành tựu chủ chốt về chính sách công nghiệp hóa của cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee. Trong lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Công ty Đường cao tốc Hàn Quốc (2008), Bộ trưởng Giao thông Chung Jong-hwan nhìn nhận: “Những tuyến đường cao tốc, tiêu biểu như Seoul – Busan, chính là công cụ để đưa kinh tế Hàn Quốc phát triển”.
Nhiều người tin rằng việc hoàn thành cao tốc này đã tạo nền tảng cho Hàn Quốc đi từ một trong những nước nghèo nhất thế giới thành nước phát triển như hiện tại, đồng thời mở ra kỷ nguyên xe hơi cá nhân tại đây. Theo các tài liệu từ Cơ quan Lưu trữ Hàn Quốc, ngoài việc đặt nền móng cho tăng trưởng kinh tế và cân đối sự phát triển của quốc gia, dự án này còn nâng cao năng lực xây dựng của Hàn Quốc.