Ah Wing đã ở ngoài đường thu gom rác từ lúc mặt trời vừa lên và sẽ không trở về nhà cho đến nửa đêm. Đó là công việc hàng ngày của anh, ngoại trừ một ngày trong tháng anh dành thời gian nghỉ ngơi bên vợ và hai con.
Người đàn ông 43 tuổi kiếm được 18.000 HKD (2.300 USD) mỗi tháng. Cùng vợ mình, người làm việc bán thời gian tại một nhà hàng thức ăn nhanh, thu nhập hộ gia đình của họ là khoảng 20.000 HKD. Con số đưa gia đình lên trên mức nghèo khổ được sửa đổi gần đây cho một hộ gia đình bốn người, ở mức 19.900 HKD.
|
1,38 triệu cư dân thành phố Hong Kong đang sống dưới mức nghèo chính thức trong năm 2017. Ảnh: SCMP. |
Tuy nhiên, họ buộc phải chi 3.300 HKD để thuê một buồng trong căn hộ rộng 100 m2 được chia nhỏ ở Mong Kok. "Cho dù tiền lương của tôi thấp nhưng tôi vẫn phải trả tiền đúng hạn, tôi phải nhận làm thêm giờ để kiếm thêm", Ah Wing nói.
Theo South China Morning Post, câu chuyện về những người lao động phải làm việc nhiều giờ để kiếm sống không phải hiếm ở Hong Kong.
Chính quyền Hong Kong mới đây đã công bố Báo cáo về Tình trạng Nghèo năm 2017, cho thấy mức cao kỷ lục của 1,38 triệu cư dân thành phố đang sống dưới mức nghèo chính thức, nhiều hơn 25.000 so với con số năm 2016.
Các quan chức bắt đầu tổng hợp số liệu thống kê về người nghèo ở Hong Kong trong năm 2009. Tỷ lệ nghèo đã tăng từ 0,2% lên 20,1%, cao nhất kể từ năm 2010 nhưng đáng báo động hơn là nhiều hộ gia đình ở mức nghèo là những người lao động.
Chăm chỉ nhưng vẫn nghèo
Trong năm 2017, hơn 10% hộ gia đình có việc làm và không nhận được các khoản thanh toán phúc lợi dưới hình thức Hỗ trợ An sinh Xã hội Toàn diện (CSSA) được xác định là nghèo, tăng 0,6% so với năm 2016.
Theo báo cáo năm 2017, các hộ nghèo thường là những gia đình có người già đã nghỉ hưu và chỉ có một thành viên gia đình làm việc, thường là công việc tay nghề thấp.
|
Một người già nhặt các tấm bìa các tông trên đường Sham Shui Po. Ảnh: SCMP. |
"Những người có tay nghề thấp ở Hong Kong rất thiệt thòi. Họ vẫn nghèo dù làm việc tới 12 giờ một ngày", Giáo sư Paul Yip Siu-fai, chuyên gia sức khỏe dân số tại Khoa Công tác xã hội và Quản trị xã hội của Đại học Hong Kong, cho biết.
Nhưng đối với Ah Wing, người chỉ học một trường ở Trung Quốc đại lục tương đương với cấp Tiểu học ở Hong Kong, anh không thể kén chọn công việc, bất kể mức lương là bao nhiêu.
Hàng ngày, anh đi theo xe chở rác từ 6h30 đến 15h30. Sau khi nghỉ ngơi một giờ, anh dừng chân tại một điểm thu gom rác cho đến 23h. Anh không có thời gian dành cho hai đứa con 6 tuổi vì phải ra ngoài vào mỗi buổi sáng trước khi chúng thức dậy và trở về sau khi chúng đi ngủ.
"Tôi không còn lựa chọn nào khác bởi vì tôi phải kiếm sống", anh nói. Công việc nặng nhọc và thời gian làm việc dài cũng khiến anh bị đau lưng kinh niên.
Theo giáo sư Yip, nhiều người lao động nghèo ở Hong Kong đang đảm nhận các công việc của chính quyền đã được khoán cho các nhà thầu tư nhân. Những người này bao gồm nhân viên bảo vệ và người dọn dẹp thuộc Cục Vệ sinh Môi trường và Thực phẩm và Cục Dịch vụ Văn hóa và Giải trí. Ah Wing là một ví dụ.
|
Một người cao tuổi nghỉ ngơi bên các tấm bìa các tông ở To Kwa Wan. Ảnh: SCMP. |
Dịch vụ tư nhân bắt đầu được sử dụng vào khoảng năm 2002 khi chính quyền thu hẹp và giảm chi tiêu nhưng số tiền phải trả cho các nhà thầu không ít hơn là bao so với chi phí sử dụng lao động trực tiếp.
"Họ vẫn làm công việc tương tự nhưng thay vì kiếm được khoảng 13.000 HKD mỗi tháng, các công nhân chỉ kiếm được khoảng 8.000 đến 9.000 HKD, với 20 đến 40% thu nhập vào túi các nhà thầu", Yip nói.
Theo ông, chính phủ đã tạo ra một nhóm người lao động nghèo mới mà sau đó họ lại phải trợ cấp cho gia đình những người này. Yip cho biết các quốc gia khác cũng thuê ngoài các dịch vụ công cộng nhưng có luật lao động chặt chẽ hơn để bảo vệ người lao động.
"Chính phủ khác với một công ty tư nhân. Những công nhân này đang làm việc cho xã hội", ông nói. Ông ước tính thành phố có từ 60.000 đến 70.000 lao động như vậy.
Một nhóm khác dễ rơi xuống mức nghèo là những người nhập cư mới đến từ đại lục. Theo báo cáo năm 2017, tỷ lệ nghèo trong số những hộ gia đình mới đến này là 36,2%, gần gấp đôi so với tỷ lệ của toàn bộ dân số.
Yip cho biết từ 60 đến 70% tăng trưởng dân số Hong Kong trong 10 năm qua là từ những người di cư đại lục sử dụng cái gọi là giấy phép một chiều. Các giấy phép thường được cấp để tạo điều kiện cho các gia đình đoàn tụ.
Ông cho biết khoảng 60 đến 70% phụ nữ đại lục mới đến đạt trình độ học vấn cấp hai nhưng thị trường lao động kém linh hoạt với rất ít công việc bán thời gian khiến nhiều người thất nghiệp.
Mắc kẹt trong vòng đói nghèo
Ah Yu và chồng cô chuyển đến Hong Kong 5 năm trước với hy vọng bảo đảm cho hai đứa con trai 9 tuổi của họ một nền giáo dục tốt hơn. Hai vợ chồng có trình độ học vấn trung học phổ thông và có công việc tay nghề thấp.
Họ được trả tổng cộng khoảng 14.000 HKD mỗi tháng. Hơn một nửa thu nhập của họ là để thuê một buồng trong căn hộ rộng 100 m2 ở Cheung Sha Wan.
|
Những ngôi nhà hình khối bất hợp pháp trên tầng thượng của một tòa nhà công nghiệp ở Kwun Tong. Ảnh: SCMP. |
Chồng cô lắp đặt và sửa chữa điều hòa trong khi cô làm việc tại một cửa hàng thức ăn nhanh. Cô có 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bán hàng, kế toán và hành chính cho một công ty giấy ở Thâm Quyến.
Ah Yu mong muốn tìm kiếm một công việc có mức lương tốt hơn nhưng cô không thể tìm được công việc toàn thời gian vì phải chăm con nhỏ.
Một lo lắng lớn cho các gia đình như Ah Yu Rút là tình trạng khó khăn của họ sẽ được truyền lại cho thế hệ tiếp theo.
Chua Hoi-wai, người đứng đầu Hội đồng Dịch vụ Xã hội Hong Kong, cảnh báo rằng áp lực tài chính đối với các gia đình ở đáy xã hội ảnh hưởng đáng kể đến việc giáo dục trẻ em và nếu tác động không được kiểm soát sẽ dẫn đến nghèo đói cho các thế hệ.
Yip cho rằng nguồn trợ cấp lớn của chính quyền không mang lại hiệu quả. "Chính quyền không nên tự hào về việc đã chi bao nhiêu cho việc giúp đỡ người nghèo. Những gì cần làm là cải cách thị trường lao động để khuyến khích việc làm, chẳng hạn như lịch làm việc linh hoạt và cơ cấu lương được cải thiện. Tôi nghĩ bất cứ ai có thể kiếm được tiền đều không thích dựa vào phúc lợi", ông nói.
|
Một người vô gia cư Hong Kong ngủ trong nhà hàng thức ăn nhanh phục vụ 24 giờ. Ảnh: SCMP. |
Đối với Ah Wing, anh vẫn lạc quan về tương lai dù cuộc sống khó khăn. "Tôi rất hạnh phúc vì có thể tự đứng trên đôi chân mình và không phải phụ thuộc vào chính phủ", anh nói.
Anh cho biết những đứa trẻ trong các gia đình sống dựa vào chế độ phúc lợi CSSA bị bạn bè ở trường học coi thường. Ah Wing dành 3.000 HKD mỗi tháng từ thu nhập khiêm tốn của mình để trả học phí cho các con vì không muốn chúng bị thiệt thòi.
Sự chăm chỉ và lạc quan của anh đã được đền đáp. Sau 7 năm chờ đợi, gia đình anh cuối cùng đã tìm được một căn hộ cho thuê công cộng ở Sha Tin và sẽ chuyển đi trong năm nay.
Ah Wing cho biết anh rất phấn khởi trước thành tích học tập ở trường của con gái mình. Cô bé đạt điểm trên 90 trong hầu hết môn học. "Tôi sẽ làm hết sức mình để nuôi chúng và thậm chí sẽ vay tiền để cho chúng tiếp tục học", anh nói.