Mục đích của cuộc diễn tập là để thử nghiệm hiệu suất của "hệ thống phóng loạt tầm xa pháo cỡ lớn và vũ khí dẫn đường chiến thuật của các đơn vị phòng thủ", theo Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA, hàm ý rằng vụ phóng mới nhất này không liên quan đến các tên lửa đạn đạo tầm xa đã được coi là một mối đe dọa đối với Mỹ.
|
(Ảnh: KCNA) |
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã chỉ thị khai hỏa và nhấn mạnh sự cần thiết phải "tăng cường khả năng chiến đấu để bảo vệ chủ quyền chính trị và tự cung cấp kinh tế" của Triều Tiên trước các mối đe dọa, KCNA cho biết.
Tuyên bố được đưa ra một ngày sau vụ phóng vũ khí mới nhất của Bình Nhưỡng, mà giới phân tích cho là nhằm gây áp lực lên Washington, tạo cơ sở cho các cuộc đàm phán hạt nhân sau khi hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 2 kết thúc không có thỏa thuận.
"Vâng, cuộc thử nghiệm này là nghiêm trọng nhất kể từ cuối năm 2017, nhưng đây phần lớn là một lời cảnh báo với ông Trump, rằng ông có thể mất các cuộc đàm phán trừ khi Washington thực hiện các bước đổi lấy phi hạt nhân hóa một phần do ông Kim đưa ra", ông Shin Beom-chul, Viện nghiên cứu chính sách Asan nói.
"Tiếp theo có thể là một thử nghiệm vũ khí tầm xa sẽ được khôi phục, trừ khi ông Kim có được thứ ông ta muốn sớm", ông Shin Beom-chul cảnh báo.
|
(Ảnh: KCNA) |
Triều Tiên đã ngừng các vụ thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân từ năm 2017, hành động mà Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần ca ngợi là một thành tựu quan trọng của ông trong việc tiếp cận với Bình Nhưỡng.
Sau vụ phóng vũ khí của Bình Nhưỡng, Seoul lên tiếng kêu gọi người hàng xóm chấm dứt các hành vi leo thang căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên, trong khi ông Trump vẫn tự tin rằng có thể đạt được thỏa thuận với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
"Tôi tin rằng ông Kim Jong-un hoàn toàn nhận ra tiềm năng kinh tế to lớn của Triều Tiên, và sẽ không làm gì để can thiệp hay chấm dứt nó", ông Trump viết trên Twitter. "Ông ấy cũng biết rằng tôi ủng hộ ông ấy và không muốn thất hứa với tôi. Thỏa thuận sẽ xảy ra!"
|
(Ảnh: KCNA) |
Sáng 4/5, Triều Tiên đã phóng một số vật thể bay với tầm bắn từ 70-200km trên biển. Quân đội Hàn Quốc ban đầu mô tả nó là một vụ phóng tên lửa, nhưng sau đó đã đưa ra một mô tả mơ hồ hơn, cho rằng đó là vụ phóng "các vật thể tầm ngắn" và cho biết họ đang phân tích chung với Mỹ về các vụ phóng mới nhất.
Các chuyên gia nói rằng các vật phóng dường như đến từ bệ phóng pháo hàng loạt, và không phải là tên lửa đạn đạo.
Các cuộc thảo luận bị đình trệ sau hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa ông Kim và ông Trump tại Hà Nội không đưa ra được thỏa thuận chấm dứt chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng để đổi lấy dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Lần phóng tên lửa cuối cùng của Triều Tiên là vào tháng 11/2017, khi họ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Ngay sau vụ thử tên lửa đó, Triều Tiên tuyên bố rằng lực lượng hạt nhân của họ đã hoàn tất.
|
(Ảnh: KCNA) |
|
(Ảnh: KCNA) |