Nỗi ám ảnh mang tên búp bê
Trào lưu chăm sóc búp bê (còn gọi là Luuk thep này) khiến người ta nhớ lại trào lưu Kumanthong đã tồn tại ở thời Ayutthaya từ năm 1351 tới năm 1767 tại Thái Lan.
Kumanthong là một loại bùa chú được làm từ các bộ phận cơ thể của trẻ sơ sinh đã chết và được cho là sẽ mang lại sự may mắn, giàu sang cho người sở hữu.
|
Những người mộ đạo chơi với búp bê trong một ngôi nhà ở Nonthaburi, Thái Lan. Ảnh: Reuters |
Nếu như Luuk thep là những con búp bê được sản xuất trong nhà máy thì Kumanthong là bộ xương khô của trẻ sơ sinh được phủ một lớp vàng lá. Nhưng chúng đều có một điểm chung - đó là đều được đối xử như những đứa trẻ thực sự.
Một chủ cửa hàng bán Luuk thep cho biết, người mua mặt hàng này chủ yếu là những người phụ nữ trung niên hoặc những người cô đơn đang cần một mối quan hệ.
Giá búp bê dao động từ 100 baht tới 10.000 baht, phụ thuộc vào chất liệu. Ông từng bán những con búp bê phiên bản giới hạn với giá 10.000 baht, hiện giờ giá trị của nó đã lên tới 100.000 baht.
Ông cũng nói với các khách hàng của mình rằng không cần phải cho búp bê ăn hay mang chúng ra ngoài.
Mua vé máy bay, trả tiền ăn nhà hàng như... người
|
"Bố mẹ" búp bê thường cho chúng tham gia các hoạt động của gia đình như một thành viên thực thụ. Ảnh: Bangkok Post |
Hồi cuối năm 2015, hãng hàng không Smile Thái Lan đã khiến dư luận tranh cãi sau khi đồng ý bán vé máy bay cho những khách hàng đặc biệt này, đồng thời cung cấp cả bữa ăn cho chúng.
Động thái này khiến các nhà chức trách buộc phải thảo luận khẩn cấp về tính an toàn của các chuyến bay. Tướng Chakthip Chaijinda - Giám đốc Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan, đã phải đưa ra những hướng dẫn nghiêm ngặt để ngăn chặn tội phạm lợi dụng những con búp bê cất giấu ma túy và hàng lậu.
Trong khi đó hãng hàng không Smile Thái Lan cho biết, các thành viên trong phi hành đoàn sẽ đối xử với những con búp bê giống như người thật, tức là sẽ cung cấp đầy đủ các dịch vụ cho tới việc nhắc nhở chúng thắt dây an toàn. Tất nhiên, các ông bà chủ của chúng cũng có thể đặt một chỗ ngồi gần lối đi hoặc một chỗ ngồi gần cửa sổ cho chúng.
Việc sắp xếp chỗ ngồi cũng trở thành một vấn đề với hãng hàng không này bởi vì những hành khách ngồi gần chúng có thể sẽ cảm thấy sợ hãi.
Trong khi đó, giám đốc điều hành của Hãng hàng không Bangkok cho biết: “Chúng tôi không khuyến khích khách hàng mua chỗ ngồi riêng cho búp bê vì nó rất đắt đỏ. Nhưng chúng tôi cũng không thể ngăn cản họ làm việc đó”.
Một quản lý truyền thông cấp cao của hãng này chia sẻ: “Hàng không Bangkok không làm bất cứ điều gì đặc biệt với những con búp bê. Chúng tôi đối xử với nó như những con búp bê mà thôi".
Cảnh sát Thái Lan: 'Trào lưu điên rồ'
Hồi năm 2016, Giám đốc Cảnh sát hoàng gia Thái Lan đã bày tỏ quan ngại về trào lưu này.
Tướng Chakthip Chaijinda thừa nhận rằng, việc mang những con búp bê trẻ con lên máy bay là quyền riêng tư của mỗi người.
Nhưng ở góc độ cá nhân, ông thấy hành động này không phù hợp. Ông đã ra lệnh lực lượng cảnh sát trên khắp đất nước tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt những con búp bê Luuk thep để ngăn chặn những hành vi vận chuyển ma túy.
Tướng Chakthip cũng cho rằng trào lưu Luuk thep cũng giống như trào lưu Kumanthong và Tamagotchi trước đó.
“Bạn cho chúng ăn, cho chúng mặc và chơi với chúng” - vị cảnh sát này nói.
Trong buổi họp báo, ông đã hỏi các phóng viên rằng liệu đó có phải là một xu hướng phù hợp với thời điểm hiện tại.
“Làm thế nào mà đất nước chúng ta có được ngày hôm nay? Tôi vẫn thực sự bối rối. Nhờ nuôi một con Luuk thep chăng? Tôi không nghĩ rằng có một lúc nào đó mình sẽ bắt kịp xu thế này. Thật là điên rồ” - ông bày tỏ quan điểm cá nhân.
Vị tướng cũng cho biết ông thực sự lo lắng về cách mà thế hệ tương lai sẽ tiếp cận với việc này và có đi theo nó.
Ông thừa nhận, việc nuôi một con búp bê là quyền cá nhân nhưng việc mang theo nó cũng cần phải tôn trọng quyền của những người khác.
Những người nuôi búp bê có thể đủ tiền để mua một chiếc vé máy bay cho nó, nhưng theo quan điểm cá nhân, Tướng Chakthip cho rằng số tiền đó nên dùng để mua những thứ hữu ích khác.