Thế nhưng, phần lớn dân số châu Phi phải sống trong tình trạng nghèo đói cùng cực, vẫn đang tiếp tục “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, khai thác kim cương, mong có được cơ hội đổi đời. Vì sao lại xảy ra tình trạng này?
|
Viên kim cương "Hòa bình" ở Sierra Leone. Ảnh: Reuters |
Viên kim cương thô mang tên “Hòa bình” nặng hơn 700 carat được bán với giá 6,5 triệu USD, tương đương khoảng 130 tỷ đồng. Đây là viên kim cương lớn nhất từng được phát hiện tại Sierra Leone.
Với người dân làng Koyado, việc tìm thấy viên kim cương “Hòa bình” ở địa phận của làng không chỉ là niềm tự hào, mà còn mở ra cơ hội phát triển cho cộng đồng nghèo khó này. Bởi, những người bán kim cương hứa rằng, sẽ chia một nửa số tiền bán được cho dân làng.
Một người dân chia sẻ: “Ngày chúng tôi tìm thấy kim cương, chúng tôi đã rất vui mừng. Đó là một ngày đáng nhớ của dân làng tôi. Chúng tôi đã tụ tập, đã nhảy múa ở trong và ngoài nhà thờ”.
Làng Koyado không có điện, không có đường, không có cơ sở y tế. Thậm chí cả giếng nước ở đây cũng thường xuyên bị khô cạn. Trước đây, số tiền thu được từ việc khai thác kim cương bị sự dụng để mua vũ khí trong cuộc xung đột tại Sierra Leone.
Hiện nay, người dân muốn dùng khoản tiền này để xây dựng đất nước. Ông Paul Saquee, đại diện nhà chức trách quận Kono, cho biết số tiền bán kim cương không thể biến mọi mong muốn thành hiện thực, thế nhưng, đó có thể là điểm khởi đầu.
“Thực tế mà nói, bạn không hy vọng một viên kim cương có thể mang đến điện đến với mọi nhà, mang trường cho mọi nơi, mang cơ sở y tế đến cho mọi người. Nhưng, viên kim cương đó có thể là điểm khởi đầu”, ông Saquee nói.
Vậy mà, đã hơn 2 tháng trôi qua kể từ khi viên kim cương lớn nhất Sierra Leone được bán thành công trên đất Mỹ, tiền vẫn chưa được chuyển đến dân làng Koyado như đã hứa. Câu chuyện về viên kim cương “Hòa bình” và dân làng Koyado là ví dụ điển hình về “lời nguyền kim cương” tại một số quốc gia châu Phi hiện nay.
Zimbabwe là một trong năm nhà sản xuất kim cương thô lớn nhất thế giới, nhưng ba phần tư dân số nước này đang sống trong tình trạng nghèo cùng cực.
Thời gian gần đây, lượng kim cương thô được khai thác tại châu Phi ngày càng tăng và giá trị của các viên kim cương ngày càng lớn. Thế nhưng, lợi nhuận từ việc bán kim cương lại chảy về túi giới quyền chức và những công ty khai thác mỏ, chủ yếu thuộc sở hữu nước ngoài.
Có một số nguyên nhân gây ra thực trạng này. Trước hết, đó là do môi trường khai thác và đầu tư không minh bạch, tiếp tay cho những công ty khai thác “cướp bóc” kim cương của châu Phi.
Một phi vụ gần đây là vụ công ty Petra Diamonds, một trong những công ty khai thác kim cương lớn nhất thế giới, vận chuyển trái phép khoảng 15 kg kim cương khai thác ở Tanzania sang Bỉ tiêu thụ.
Một lý do khác là tình trạng tham nhũng xảy ra ở nhiều cấp, từ những người thợ mỏ, những công ty khai thác nội địa và nước ngoài, giới chức trách. Vì vậy, tiền thu được từ việc bán kim cương không được trả cho những người khai thác, cộng đồng dân cư nơi tìm thấy kim cương.
Quay trở lại làng Koyado, Sierra Leone, trong lúc chờ đợi khoản tiền bán viên kim cương “Hòa bình” được chuyển về, người dân vẫn tiếp tục “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” khai thác kim cương, mong có được cơ hội đổi đời khác. Bởi khai thác kim cương là cơ hội duy nhất với người dân nghèo nơi đây.