Nạn ly hôn giả ở Trung Quốc

Google News

Một phần không nhỏ trong số hơn 1,85 triệu cặp vợ chồng ly hôn trong 6 tháng đầu năm nay là… giả.

Nghề môi giới ly hôn giả
Từ Lợi, một phụ nữ đơn thân ở Bắc Kinh đang mang thai, để thuận lợi trong việc làm thủ tục khai sinh cho đứa con trong bụng đã làm thủ tục đăng ký kết hôn với một người đàn ông tên là Lý Lập, sau đó hai người nhanh chóng làm thủ tục ly hôn. Lý Lập là nhân viên một công ty chuyên môi giới hôn nhân giả. Trước khi “kết hôn” hai người mới gặp nhau tổng cộng 2 lần.
Theo báo Pháp chế, hiện nay kết hôn giả không chỉ được sử dụng cho việc làm thủ tục khai sinh như Từ Lợi, mà còn được phổ biến trong việc trục lợi khi giải quyết các vấn đề về hộ khẩu, mua xe, mua nhà, phá dỡ nhà, di dân… Môi giới hôn nhân giả hiện tồn tại như một nghề. Một cuộc hôn nhân giả có hôn thú trong nước có giá từ 15 đến 100 ngàn NDT (49,5 đến 330 triệu VND), còn một cuộc hôn nhân giả với người Mỹ để có được tấm thẻ xanh thì giá có thể tới 345 ngàn NDT (1,138 tỷ VND). Nhân viên của trung tâm “môi giới hôn nhân giả Thành Tín” còn cam kết: “đảm bảo tuyệt đối an toàn vì trước khi nhận hôn thú đã ký kết hợp đồng thỏa thuận trước hôn nhân và cả hợp đồng ly hôn với đối tác rồi”.
Nan ly hon gia o Trung Quoc
 Ảnh minh họa.
Các bản hợp đồng này bao gồm các nội dung thiết thực, như: “hai bên A, B cam kết sau khi kết hôn mỗi bên không sử dụng hoặc chi phối tài sản trước kết hôn của bên kia”, “mỗi bên tự chịu trách nhiệm về những khoản nợ nần của mình trước khi kết hôn”, “mỗi bên A, B không phải chịu trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ của bên kia”, “sau khi kết hôn bên B không được yêu cầu quan hệ tình dục với bên A, không được tiết lộ bí mật và các thông tin riêng tư của bên A, nếu vi phạm phải bồi thường thiệt hại quy ra tiền”, “sau khi kết hôn hai bên phải phối hợp làm thủ tục khai sinh, hộ tịch cho đứa con mà bên A sinh ra…”. v.v.
Ly hôn giả để được bồi thường
Theo báo Pháp chế, tại thôn Cách Bình, huyện Nghi Tân, Tứ Xuyên, chỉ trong vòng 3 tháng đã có 86 cặp vợ chồng kéo nhau đi làm thủ tục ly hôn, cặp trẻ nhất mới 20 tuổi, già nhất 56. Qua điều tra thì thấy sở dĩ xuất hiện làn sóng ly hôn trong làng quê này là do địa phương chủ trương di dời nhà cửa của họ, thu hồi đất để sử dụng vào việc khác, để được bồi thường diện tích lớn hơn sau khi di dời, các gia đình nô nức kéo nhau đi ly hôn… giả, đợi sau khi nhận được đền bù sẽ “phục hôn”.
Ở các thành phố lớn như Bắc Kinh hay Thượng Hải thì hiện tượng phổ biến là ly hôn giả để được mua nhà. Tờ Bắc Kinh Buổi sáng đưa một vụ điển hình: ông Lý và bà vợ họ Vương vì muốn con gái được học trường chất lượng tốt đã bàn nhau ly hôn giả để lách chính sách hạn chế mua nhà, mua một căn hộ trong khu vực có trường tốt ở quận Hải Điện. Sau khi vay tiền mua được nhà mới ở Hải Điện, ông Lý tìm đến bà Vương để yêu cầu “phục hôn” thì bị bà từ chối. Không có cách nào khác ông đành kiện bà ra tòa mặc dù biết khó có cửa thắng…
Còn theo báo Kinh doanh Trung Quốc thì trước cửa các cục Dân Chính ở Thượng Hải luôn có hàng dài người xếp hàng đợi làm thủ tục ly hôn, thậm chí đặt lịch trước qua mạng nhiều ngày đến làm thủ tục, chủ yếu là để được mua nhà mới. Báo này viết, những quận xử lý nhanh có thể “sáng ly hôn chiều mua nhà”, những quận xử lý chậm thì phải hẹn ngày nhận kết quả, như thứ Sáu làm thủ tục, thứ Hai mới có kết quả. Một người sử dụng mạng cho biết: ở quận Từ Hối, mỗi ngày từ sáng sớm đã có hàng dài người xếp hàng đợi làm thủ tục ly hôn.
Sự suy đồi về đạo đức xã hội
Ông Chu Hân Hân - một nhà báo lão thành Trung Quốc cho biết: “Hiện nay ở khắp Trung Quốc, dù tầng lớp tinh anh nhất hay thuộc giới bình dân đều đã đánh mất tiêu chuẩn đạo đức, thậm chí vì đạt được lợi ích tìm đủ mọi cách lợi dụng kẽ hở của pháp luật, dù đây là một chuyện nghiêm túc, thiêng liêng”. Ông nói: “không coi kết hôn là chuyện hệ trọng, tức là coi thường đạo đức, không tôn trọng hôn nhân là biểu hiện của thói vật chất hóa tất cả, quên đi ý nghĩa thực sự của cuộc đời”. Trong một khía cạnh khác, về ngoại tình, đối với phía nữ thì chiếm 18,6% là các bà nội trợ, 13,8% là giáo viên, 8,6% là thày thuốc, 7,2% là thư ký, 6,1% là nhà thiết kế; còn đối với giới mày râu, 10,6% số ông chồng cặp bồ là nhân viên IT, 8,2% làm trong giới ngân hàng, 6,5% là giáo viên, bác sỹ chiếm 4,6% và cuối cùng là luật sư 3,8%.
Luật sư Đường Cát Điền cho rằng: “Người với người kết hôn không phải là sự liên hệ vật chất, mà là liên hệ giữa con người với nhau, không thể xem đó là hiện tượng xã hội hay quan hệ xã hội lạnh lùng, mà là mối quan hệ thiêng liêng được kết tinh bởi các nhân tố luân thường, đạo đức, lịch sử và hiện thực”.
Theo báo “Tin tức kinh tế hàng ngày” ngày 7/9, số liệu thống kê của Bộ Dân chính Trung Quốc cho biết: 6 tháng đầu năm 2017, toàn Trung Quốc có 5,58 triệu cặp vợ chồng kết hôn, giảm 7,5% so với cùng thời kỳ năm trước; trong khi đó có 1 triệu 856 ngàn cặp làm thủ tục ly hôn, tăng 10,3%. Trong đó tỷ lệ ly hôn cao nhất là các thành phố: Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến, Quảng Châu, Hạ Môn, Đại Liên, Hàng Châu…
Theo Thu Thủy/Tiền Phong

>> xem thêm

Bình luận(0)