Quyết định của nhà chức trách Mỹ đưa ra trong bối cảnh vòng đàm phán tiếp theo về lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza đang đối mặt với nhiều thách thức.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết, lệnh trừng phạt nhắm vào một nhóm hỗ trợ trại định cư trái phép ở Nam Hebron khi đầu năm nay, nhóm này đã gây sức ép buộc 250 người Palestine phải di dời, đồng thời tấn công họ.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, những hành động này sẽ làm suy yếu triển vọng hòa bình khu vực: "Bạo lực của người định cư cực đoan ở Bờ Tây gây đau khổ, đe dọa an ninh Israel và làm suy yếu triển vọng hòa bình khu vực. Israel cần truy cứu trách nhiệm đối với các đối tượng gây bạo lực nhằm vào dân thường Palestine”.
Ngay sau quyết định của Mỹ, văn phòng Thủ tướng Israel nêu rõ Thủ tướng Benjamin Netanyahu phản đối lệnh trừng phạt trên của Mỹ, đồng thời khẳng định Israel đang xem xét kỹ lưỡng và thảo luận sâu rộng vấn đề này với Mỹ.
Kể từ khi bùng phát xung đột giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel vào ngày 7/10 năm ngoái tại Dải Gaza, bạo lực đã leo thang ở Bờ Tây. Ít nhất 640 người Palestine đã thiệt mạng do quân đội hoặc người định cư Israel gây ra. Mỹ nhiều lần bày tỏ quan ngại với Thủ tướng Benjamin Netanyahu về tình trạng bạo lực của người định cư và việc mở rộng các khu định cư.
Lệnh trừng phạt của Mỹ đưa ra trong bối cảnh Israel phát động cuộc tấn công quy mô lớn vào Bờ Tây, bất chấp cảnh báo từ chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden về nguy cơ leo thang xung đột. Trong khi đó, vòng đàm phán tiếp theo về lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza, dự kiến diễn ra tại Qatar sau nhiều ngày đàm phán căng thẳng tại Cairo, đang đối mặt với nhiều thách thức.
Trong một tuyên bố, cố vấn an ninh Nhà Trắng Jake Sullivan nhấn mạnh: "Chúng tôi vô cùng quan ngại về tình trạng xung đột leo thang thành một cuộc chiến tranh khu vực toàn diện kể từ ngày 7/10 năm ngoái, và chúng tôi đã làm việc suốt ngày đêm cùng với các đối tác và đồng minh tham gia vào hoạt động ngoại giao chuyên sâu cả công khai và riêng tư đằng sau hậu trường để ngăn chặn kết cục này. Chúng tôi hy vọng rằng những diễn biến mới không lan rộng thành một cuộc leo thang dẫn đến chiến tranh khu vực".
Hiện tại tiến trình đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza đang tiếp tục bế tắc sau khi cả Israel và lực lượng Hamas đều từ chối các thỏa hiệp do các nhà trung gian đề xuất.
Trong số các yêu cầu của mình, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn kiên quyết duy trì sự hiện diện của quân đội Israel dọc Hành lang Philadelphia và sàng lọc những người Palestine phải di dời khi họ trở về phía Bắc Gaza. Trong khi đó, lực lượng Hamas tuyên bố lực lượng này chỉ đàm phán về lệnh ngừng bắn dựa trên các đề xuất hôm 2/7 vừa qua của Tổng thống Biden.
Trước đó, vòng đàm phán cấp cao diễn ra tại thủ đô Cairo của Ai Cập đã kết thúc vào ngày 25/8 mà không đạt được thỏa thuận cuối cùng. Hiện các nhà đàm phán vẫn đang thảo luận về các chi tiết của thỏa thuận cho vòng đàm phán sắp tới.