Tàu Ronald Reagan và nhóm tàu hộ tống, gồm khoảng 7.500 quân nhân, 2 tàu hành trình tên lửa, một hạm đội gồm ít nhất 2 tàu khu trục và khoảng 70 máy bay, cập cảng Manila hôm 7/8.
Chuyến thăm nhấn mạnh “sự kiết nối về quân sự và cộng đồng mạnh mẽ giữa Philippines và Mỹ”, Hải quân Mỹ nói.
|
Tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan với khẩu hiệu "Hoà bình nhờ sức mạnh" khi cập cảng Manila, Philippines. Ảnh: AP |
Ông Sung Yong Kim, Đại sứ Mỹ tại Philippines, cho biết chuyến thăm lần này thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
“Chuyến thăm là sự thể hiện tuyệt vời cho tình bạn, quan hệ đối tác và đồng minh mạnh mẽ của chúng tôi với Philippines, cũng như sự cam kết chung của chúng tôi đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do”, ông Sung nói.
Mỹ và Philippines ký hiệp ước quốc phòng tương hỗ năm 1951.
Trước khi tàu sân bay Mỹ thăm Philippines, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã gặp lãnh đạo các nước Úc, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc, những quốc gia nổi bật trong chiến lược bao vây Trung Quốc của Mỹ.
Một nhà phân tích nói rằng một số quốc gia Đông Nam Á cũng muốn hợp tác nhiều hơn với Mỹ để đối phó với sự hiện diện của Trung Quốc.
“Hầu hết các nước Đông Nam Á coi Mỹ là nhân tố ổn định chính, đặc biệt trong bối cảnh bất định hiện nay, rõ nhất là sức mạnh quân sự ngày càng lớn, ý định mơ hồ và những tuyên bố rõ ràng về cách ứng xử bắt nạt”, ông Collin Koh, một nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam thuộc ĐH Công nghệ Nanyang Singapore, đánh giá.
Chuyên gia này cho rằng giới chức ở Bắc Kinh sẽ coi chuyến thăm Manila của tàu Ronald Reagan là một mối đe doạ nghiêm trọng và Trung Quốc sẽ phô trương cơ bắp để đáp trả.
“Cả nhóm tàu sân bay tấn công của Hải quân Mỹ là một cỗ máy chiến tranh đáng gờm trên biển và về lý thuyết có thể đe doạ nghiêm trọng các lợi ích của Trung Quốc trên biển Đông, ít nhất là khiến các tiền đồn quân sự xa xôi của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa lộ ra, trở nên dễ bị tổn thương và chia cắt với đất liền”, ông Koh nói.
Ông Rajeev Ranjan Chaturvedy, nghiên cứu sinh tại Trường S.Rajaratnam, cho rằng chuyến thăm này và các hoạt động liên quan nằm trong chính sách ngoại giao hàng hải và tuần tra tự hàng hải của Mỹ.
“Chuyến thăm này cũng phản ánh sự tái bảo đảm của Mỹ đối với các đối tác”, ông đánh giá.
“Điều quan trọng hơn là điều này chuyển tải thông điệp rằng hải quân Mỹ tự do hoạt động trên các vùng biển quốc tế. Bối cảnh địa kinh tế và địa chính trị đang thay đổi. Cạnh tranh ngày càng căng thẳng...Sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ được nhiều nước Đông Nam Á coi là nhân tố cân bằng. Nó cũng được coi là đóng vai trò quan trọng bảo đảm ổn định và an ninh khu vực”, ông Chaturvedy nói.
Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 8/8, trả lời cầu hỏi đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam trước việc một trong những tàu sân bay lớn nhất của Mỹ đi vào biển Đông trong tình hình căng thẳng hiện nay, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói rằng Việt Nam tôn trọng quyền tự do an ninh, an toàn hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế.
“Duy trì hoà bình, ổn định, bảo đảm an toàn hàng hải hàng không ở biển Đông trên tinh thần luật pháp quốc tế là lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Việt Nam mong các nước đóng góp thiết thực cho mục tiêu đó”, bà Hằng nói.