Trong những ngày gần đây, tàu khảo sát Hải dương Địa chất 8 cùng các tàu hộ tống của Trung Quốc đã gây căng thẳng trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở phía nam Biển Đông.
Có thể nói, hoạt động của nhóm tàu Hải dương Địa chất 8 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam không chỉ vi phạm nghiêm trọng Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), mà còn xâm phạm trắng trợn các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam tại khu vực phía nam Biển Đông.
Theo quy định của UNCLOS 1982, quốc gia ven biển có các quyền chủ quyền về việc thăm dò, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên sinh vật hoặc không sinh vật của vùng nước đáy biển, của đáy biển và vùng đất dưới đáy biển cũng như những hoạt động khác nhằm thăm dò, khai thác vì mục đích kinh tế trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở.
|
Tàu Haijing 35111 của Trung Quốc. Ảnh: SOCIAL MEDIA. |
Nhiều nước trên thế giới đã thể hiện thái độ phản đối mạnh mẽ và kiên quyết, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay những hành động đó, bởi chúng không chỉ vi phạm trắng trợn và nghiêm trọng luật pháp quốc tế mà còn gây lo ngại thật sự về an ninh và ổn định ở khu vực Biển Đông.
Ngày 19/7 vừa qua, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên án hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam của nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc trên khu vực phía Nam biển Đông.
"Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ngày 19/7 cho hay.
Bà Hằng nói thêm rằng Việt Nam đã nhiều lần tiếp xúc với phía Trung Quốc qua các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và vì ổn định, hòa bình ở khu vực.
Trước đó, ngày 16/7, trả lời câu hỏi của một số phóng viên trong và ngoài nước liên quan đến diễn biến gần đây ở Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở Biển Đông được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và các nước ở Biển Đông đều là thành viên.
Do đó, mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam phải tuân thủ các quy định có liên quan của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, pháp luật Việt Nam.
Lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982".
Ngày 20/7, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã thể hiện sự quan ngại sâu sắc trước thông tin Trung Quốc can thiệp vào các hoạt động khai thác dầu và khí đốt của Việt Nam ở biển Đông, đồng thời cáo buộc Bắc Kinh đe dọa an ninh năng lượng trong khu vực.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, những hành động này đang can thiệp vào việc thăm dò và sản xuất dầu mỏ cũng như khí đốt mà các nước đã tiến hành từ lâu, đặc biệt là của Việt Nam.
Mời độc giả xem video: Việt Nam lên án tàu khảo sát Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế. (Nguồn: VTC News)
Trong một thông cáo báo chí hôm 20/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nêu rõ việc Trung Quốc tiến hành cải tạo và quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông, cùng với các hành động khác nhằm khẳng định những đòi hỏi bất hợp pháp của Bắc Kinh ở vùng biển này, bao gồm cả việc sử dụng quân sự trên biển để hăm dọa, cưỡng ép, và đe dọa các quốc gia khác, là hành động làm xói mòn hòa bình và an ninh trong khu vực.
Ngoài ra, các nước trong khu vực đang tích cực củng cố sức mạnh của lực lượng cảnh sát biển để đối phó với tham vọng bành trướng của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp.
Lực lượng Cảnh sát biển Philippines hôm 17/7 thông báo sẽ tiếp nhận một tàu tuần tra ngoài khơi dài 84 m vào tháng 12/2019. Con tàu này được kỳ vọng sẽ thực hiện tất cả sứ mệnh bảo đảm an toàn và an ninh hàng hải của Philippines tại Biển Đông.
Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) được ký tại Vịnh Montego thuộc Jamaica.
Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (gọi tắt là Công ước) là một văn kiện quốc tế đa phương đồ sộ, bao gồm 320 điều khoản và 9 Phụ lục. Công ước có hiệu lực từ ngày 16/11/1994 và đã trở thành một trong những điều ước quốc tế đa phương quan trọng nhất của thế kỷ XX và là điều ước quốc tế phổ cập với 164 quốc gia thành viên, tính đến thời điểm hiện nay.
Những vấn đề cơ bản được đưa vào nội dung Công ước như Quy chế pháp lý của các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia gồm nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; Chế độ pháp lý của vùng biển quốc tế và đáy đại dương-di sản chung của loài người; Việc sử dụng và quản lý tài nguyên biển bao gồm tài nguyên sinh vật và không sinh vật; Vấn đề bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, an ninh trật tự trên biển; Vấn đề giải quyết tranh chấp và hợp tác quốc tế về biển; Quy chế hoạt động của Cơ quan quyền lực quốc tế về đáy đại dương, Ủy ban ranh giới ngoài thềm lục địa, Tòa án Luật biển quốc tế, Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước...