Chỉ trong chưa đầy một năm nữa, lực lượng vũ trang Bungari sẽ không thể độc lập bảo vệ không phận nước này bằng các tiêm kích MiG-29, bởi sự xuất hiện của hàng loạt vấn đề trong việc sửa chữa loại máy bay chiến đầu này. Thông báo được đưa ra bởi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Bungari, ông Dimitar Stoyanov trong buổi họp báo gần đây.
Cụ thể, ông Stoyanov tuyên bố rằng các tài nguyên còn sót lại của MiG-29 tại Bungari chỉ đủ để giữ phi đội này hoạt động nhiều nhất tới giữa năm 2023. Hiện nước này mới chỉ có phương án hợp tác với Ba Lan để sửa chữa sáu động cơ, ngoài ra họ “không có phương án triệt để nào khác". Và do sáu động cơ chỉ đủ cho 3 chiếc MiG-29 sử dụng, nhưng Bungari lại đang sở hữu tới 15 chiếc, phương án này không thể bảo toàn khả năng chiến đấu của dàn tiêm kích MiG-29.
Ngoài ra, Ba Lan cũng đã thừa nhận rằng mình không đủ khả năng sửa chữa chất lượng cao các mẫu MiG-29, bởi vậy nước này đã quyết định mua tiêm kích FA-50 từ Hàn Quốc nhằm thay thế phi đội thời Xô Viết này sớm nhất có thể.
Như vậy, tới cuối năm 2023, toàn bộ phi đội MiG-29 của Bungari dù không thể tiếp tục bay, cũng sẽ trở thành nguồn linh phụ kiện dồi dào sau khi tháo dỡ. Tuy nhiên, có rất ít khả năng Bungari sẽ chấp nhận “chia tay” phi đội của mình.
Trong buổi phát biểu, ông Stoyanov đã thẳng thừng chỉ việc năng lực của lực lượng không quân nước này, đã suy yếu dần. Lý do là vì Mỹ trì hoãn việc cung cấp 8 tiêm kích F-16 Block 70 tới hai năm sau – theo hợp đồng, số tiêm kích này vốn sẽ được cung cấp từ đầu năm 2023, tuy nhiên bị dời tới 2025. Lý do Mỹ đưa ra là do chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID trong năm 2020 – 2021, khiến quá trình lắp ráp bị ảnh hưởng.