Hiến pháp Philippines (Điều 15, triệt 2) quy định rằng: “Hôn nhân là một thể chế xã hội bất khả xâm phạm, là nền tảng của gia đình và phải được Nhà nước bảo vệ”.
Phía phản đối mạnh mẽ nhất việc ly hôn ở Philippines là Giáo hội Công giáo. Theo dữ liệu điều tra chính thức, 80% số dân Philippines đều theo đạo Công giáo. Có thể khẳng định tôn giáo đóng vai trò lớn trong cuộc chiến về quyền được ly hôn ở Philippines.
Công giáo của Philippines cấm vợ chồng ly hôn, vì thế, luật pháp tại quốc đảo này cũng tồn tại điều luật trên.
Ly hôn là chuyện khó khăn nhất đối với người dân ở quốc gia này. Được biết, hầu hết các giáo dân đều muốn kết hôn trong nhà thờ và trước đó, họ phải đăng ký kết hôn từ chính quyền địa phương. Muốn thoát khỏi cuộc hôn nhân không hạnh phúc một cách hợp pháp và có thể kết hôn trong nhà thờ lần nữa, họ phải được nhà thờ đồng ý và chính quyền chấp nhận.
Thêm nữa, quá trình ly hôn ở Philippines không chỉ mất nhiều năm mà còn rất tốn kém. Thời gian để tiến hành ly hôn có khi lên tới 5-10 năm. Và khi đưa ra tòa việc giải quyết các thủ tục hôn ước nhằm phân chia tài sản, số tiền mà mỗi người phải bỏ ra cũng khoảng 25.000 peso (khoảng 150 triệu đồng).
|
Vì không được ly hôn, nhiều phụ nữ Philippines không thể tự giải thoát khỏi những người chồng của mình. Ảnh minh hoạ. |
Đến tháng 3/2018, đất nước này đã có một bước tiến lớn trong vấn đề ly hôn. Cụ thể, Hạ viện Philippines thông qua dự luật bắt đầu xem xét lại việc hợp pháp hóa ly hôn. Tuy nhiên, hiện dự luật sẽ tiếp tục phải được Thượng viện thông qua mới có thể chính thức có hiệu lực.
Trong khi Hạ viện cho rằng, các căn cứ để xét ly hôn là khi trong hoàn cảnh phải chịu đựng bạo lực gia đình, cặp vợ chồng có vấn đề không thể hòa giải, âm mưu ép vợ/chồng hoạt động mại dâm. Đặc biệt, dự luật sẽ giúp quá trình ly hôn diễn ra nhanh hơn và ít tốn kém hơn so với mức hiện nay.
Còn phía Thượng nghị viện đề xuất 6 tháng mới bắt đầu tiến hành giải quyết sau khi vợ chồng nộp đơn yêu cầu ly hôn. Thời gian này được coi là nỗ lực cuối cùng cho việc hòa giải giữa hai vợ chồng. Thượng nghị viện cũng đề xuất những lý do cho phép ly hôn: bạo lực, lạm dụng thô bạo, ma túy, nghiện rượu, cờ bạc, đồng tính luyến ái và ngoại tình...
Mặc dù chưa chính thức nhưng dự luật này được xem là bước tiến lớn và rất có ý nghĩa, đặc biệt là với nhiều cặp vợ chồng nghèo đang bị mắc kẹt trong một cuộc hôn nhân không thể cứu vãn được nữa.
Các cuộc thăm dò ý kiến ở Philippines hồi năm 2017 cho thấy có 53% người dân ủng hộ hợp pháp hóa ly hôn và đang có xu hướng tăng lên. Cô Melody Alan, một phụ nữ từng trải qua cuộc hôn nhân tồi tệ, là một trong những người đi đầu trong việc thúc đẩy nhận thức về sự cần thiết của luật ly hôn.
Cô kết hôn với mối tình đầu của mình vào năm 1995, sau khi tốt nghiệp đại học, nhưng cuộc hôn nhân nhanh chóng gặp trắc trở khi cô biết rằng chồng mình nghiện rượu và ma túy. Cô ly thân với người chồng bạo lực từ năm 2009, nhưng không thể thoát khỏi cuộc hôn nhân đau khổ này, bởi luật pháp Philippines không cho ly hôn.