Hai tuần trước, bạo loạn bất ngờ bùng phát tại tỉnh Papua. Hàng ngàn người, trong đó chủ yếu là các sinh viên đại học, đổ ra các con phố biểu tình, ném đá vào cảnh sát, phá hoại và đốt các trụ sở chính quyền. Lợi dụng bạo loạn, 250 tù nhân đã đào tẩu khỏi nhà tù.
Nguyên nhân của các cuộc biểu tình là do một số sinh viên ở Papua bị cảnh sát bắt giữ với cáo buộc không tôn trọng quốc kỳ Indonesia và dùng những lời lẽ miệt thị, phân biệt chủng tộc. Ở một số địa điểm, các cuộc biểu tình đã biến thành bạo lực, khiến nhiều tòa nhà tư nhân và các cơ sở công cộng bị hư hại hoặc bị đốt cháy. Các cơ quan truyền thông mô tả quy mô cuộc biểu tình và tình trạng bất ổn hiện nay là lớn nhất trong nhiều năm qua.
|
Người biểu tình. Ảnh: Tribunnews. |
Tại Papua và các tỉnh lân cận, thậm chí tại thủ đô Jakarta, hàng nghìn người mang lá cờ đòi độc lập, loại cờ đã bị cấm tại nước này trước kia để biểu tình tại các trụ sở công quyền.
Chính phủ Indonesia đã huy động hơn 6.000 nhân viên an ninh để trấn áp các vụ bạo loạn tại Papua và tuyên bố sẽ còn huy động thêm nếu tình hình không trở nên khả quan. Mặc dù tình hình hiện nay đã được kiểm soát, song cảnh sát trưởng tỉnh Papua, ông Rudolf Albert Rodja ngày 1/9 trên trang mạng Twiter đã ra lệnh cấm người dân biểu tình. “Tôi không cho phép các hoạt động biểu tình tiếp tục xảy ra, nếu có sẽ áp dụng các hành động cứng rắn. Lệnh cấm biểu tình là để ngăn chặn các hành động 'vô chính phủ' có thể xảy ra".
Mạng internet tại khu vực Papua trước đó đã bị ngắt kết nối sau khi gần 5.000 người biểu tình phá hoại các trụ sở công quyền. Lệnh được áp dụng cho tới khi tình hình ở Papua trở lại ổn định. Hiện cảnh sát và quân đội đã đưa người biểu tình trở về nhà. Cảnh sát Indonesia đang điều tra về việc có hay không sự tác động của yếu tố nước ngoài tới cuộc bạo loạn tại Papua.
Papua là thuộc địa Hà Lan trước kia, đã sát nhập vào Indonesia năm 1969 sau một cuộc bỏ phiếu do Liên Hợp Quốc bảo trợ. Người dân tại đây có những tập quán văn hoá khác với phần còn lại của Indonesia.