Hé lộ bí mật đằng sau khối tài sản khổng lồ của ông Trump

Google News

Vụ điều tra chấn động được New York Times thực hiện trong nhiều tháng, hé lộ bí mật xung quanh khối tài sản của "ông trùm bất động sản" Fred Trump, cha Tổng thống Donald Trump.
 

Ông Donald J. Trump đã xây dựng một đế chế kinh doanh trong lúc tự nhận mình là "tỷ phú tự thân". Tổng thống nhiều lần khẳng định cha của ông, Fred C. Trump, nhà thầu huyền thoại của thành phố New York, gần như không hỗ trợ con trai về mặt tài chính. "Tôi đã tự xây dựng tất cả", tổng thống từng phát biểu.
Tuy nhiên, cuộc điều tra của New York Times hé lộ Tổng thống Donald Trump đã nhận khối tài sản trị giá 413 triệu USD, tính theo thời giá hiện nay, từ cha của ông. Không dừng lại ở đó, phần lớn số tiền này được chuyển cho ông Donald Trump vào những năm 1990 một cách mờ ám, thậm chí có dấu hiệu trốn thuế, theo điều tra của New York Times.
Ông Trump từ chối bình luận về cáo buộc trên trong suốt nhiều tuần.
He lo bi mat dang sau khoi tai san khong lo cua ong Trump
 Tổng thống Mỹ Donald Trump để một bức ảnh của cha sau bàn làm việc ở Nhà Trắng. Ảnh: New York Times.
Luật sư của Tổng thống Trump, ông Charles J. Harder, đưa ra phát biểu bằng văn bản. "Không có ai (trong gia đình ông Trump) gian lận hoặc trốn thuế. Cơ sở mà New York Times sử dụng để thực hiện bài điều tra sai sự thật đó hoàn toàn không chính xác", ông Harder nói. "Tổng thống Trump gần như không liên quan gì đến vấn đề này", luật sư Harder đồng thời cho biết ông Donald Trump đã ủy nhiệm việc đóng thuế tài sản của cha mẹ cho người trong gia đình và các chuyên gia về thuế.
"Vụ việc do các thành viên khác trong gia đình Trump xử lý, những người này không có chuyên môn và vì vậy đã phụ thuộc hoàn toàn vào các chuyên gia được cấp phép để đảm bảo tuân thủ pháp luật", ông Harder nêu.
Người đứng ra phát biểu thay mặt gia đình đương kim tổng thống là ông Robert Trump, em trai ông Donald Trump. "Chúng tôi đã điền đầy đủ các bản khai thuế quà tặng và thuế bất động sản, mọi loại thuế bắt buộc đều đã được trả".
Từ lúc Tổng thống Trump từ chối công bố các bản khai thu nhập cá nhân, công chúng bắt đầu đặt câu hỏi về nguồn gốc và khối lượng tài sản của ông. Đến khi ông dính cáo buộc thông đồng với Nga trong cuộc bầu cử 2016, áp lực của dư luận ngày càng lớn.
He lo bi mat dang sau khoi tai san khong lo cua ong Trump-Hinh-2
 Dư luận đang sôi sục về những tiết lộ của New York Times xung quanh khối tài sản của gia đình Trump. Ảnh: Getty.
Bài viết chấn động của New York Times không tiết lộ nhiều về các thương vụ gần đây của ông Donald Trump. Nhưng đây được xem là cuộc điều tra toàn diện đầu tiên, phần nào tiết lộ khối tài sản ông Donald Trump được thừa kế và âm mưu trốn thuế đã đảm bảo một cuộc sống nhung lụa cho vị tổng thống.
Cuộc điều tra được thực hiện dựa trên một lượng lớn hồ sơ tài chính và bản khai thu nhập cá nhân tuyệt mật. Bài viết dài 13.000 chữ là một trong những bài điều tra dài nhất từng được đăng tải lên New York Times.
Dưới đây là một số điểm nhấn:
Gia đình Trump có dấu hiệu gian lận thuế
Theo các chuyên gia, ranh giới giữa việc tránh thuế hợp pháp và trốn thuế bất hợp pháp là tương đối khó xác định. Không ít trường hợp sử dụng thủ thuật tránh thuế được tòa án hoặc Cơ quan Thuế vụ Mỹ (IRS) chấp nhận. Nhóm người giàu nhất nước Mỹ hiếm khi phải trả đúng số thuế theo quy định. Và thủ thuật thuế của gia đình Trump không gặp nhiều trở ngại từ IRS, theo phát hiện của New York Times.
Chuyên gia thuế nhận định hành vi tránh thuế của gia đình Trump có dấu hiệu gian lận và là chiêu "tủng hỏa mù" nhằm ngăn chặn IRS đánh thuế khối tài sản khổng lồ mà "ông trùm" bất động sản Fred Trump truyền lại cho các con.
Ông Donald Trump nhận 200.000 USD/năm từ năm 3 tuổi
Theo lời kể của đương kim tổng thống Mỹ, ông là nhà giao dịch bậc thầy, người đã phát triển tập đoàn bất động sản "nhỏ bé" của cha tại Brooklyn và Queens và xây dựng cho mình đế chế trị giá 10 tỷ USD, ghi tên gia tộc lên hệ thống khách sạn, cao ốc, sòng bài và sân golf trên toàn thế giới.
Tuy nhiên theo điều tra của New York Times, Tổng thống Trump phụ thuộc vào khối tài sản đồ sộ của cha mình tại mọi giai đoạn trong cuộc đời. Từ năm 3 tuổi, ông được hưởng số tiền tương đương 200.000 USD/năm theo thời giá hiện nay từ đế chế bất động sản của ông Fred. Ông trở thành triệu phú năm lên 8. Và đến năm 40-50 tuổi, Tổng thống Donald Trump nhận hơn 5 triệu USD/năm.
Cách thức ông Trump gây dựng khối tài sản của mình tương đối rõ: Mỗi khi ông bắt đầu dự án mới, cha của ông sẽ ngay lập tức có mặt để trợ giúp. Cuối những năm 1970, ông bắt đầu "lấn sân" sang khu vực Manhattan hào nhoáng, với việc biến khách sạn Commodore cũ kỹ cạnh ga trung tâm New York thành khách sạn Grand Hyatt. Cha của ông liền hỗ trợ nhiều khoản vay lớn.
Vài năm sau, ông mở rộng kinh doanh đến những sòng bài ở thành phố Atlantic, bang New Jersey, và ông Fred Trump ngay lập tức lập ra kế hoạch tăng cường viện trợ tài chính.
He lo bi mat dang sau khoi tai san khong lo cua ong Trump-Hinh-3
 Tổng thống Trump bị cho là phụ thuộc vào khối tài sản đồ sộ của cha mình tại mọi giai đoạn trong cuộc đời. Ảnh: REX.
Khoản vay "nhỏ" 1 triệu USD thực chất lên đến 60,7 triệu USD
Trong những cuốn tự truyện, chương trình truyền hình và trong khi vận động tranh cử, Tổng thống Trump thường xuyên ngụ ý rằng ông đã xây dựng đế chế bất động sản của mình chỉ từ khoản vay trị giá 1 triệu USD của cha. "Tôi còn phải hoàn lại số tiền này cho ông ấy, kèm cả phần lời", Tổng thống Trump từng phát biểu.
Trên thực tế, New York Times phát hiện rằng "trùm bất động sản" Fred Trump đã cho con trai vay ít nhất 60,7 triệu USD, tức 140 triệu USD theo thời giá hiện nay. Phần lớn số tiền này chưa được hoàn lại, các dữ liệu cho thấy.
Fred Trump từng cứu con trai khỏi nhiều khủng hoảng tài chính
Vào cuối những năm 1980, các thương vụ lớn của ông Donald Trump bắt đầu rơi vào khủng hoảng, từ hãng hàng không Trump Shuttle, khách sạn Plaza đến các sòng bài ở thành phố Atlantic. Nhưng dù ông có gặp hết thảm họa tài chính này đến thảm họa tài chính khác, công ty và các đối tác thuộc gia đình Trump vẫn sẵn sàng chi hàng loạt khoản thanh toán.
Từ năm 1989 đến năm 1992, bốn công ty con của ông Fred Trump đã trả cho vị tổng thống số tiền tương đương 8,3 triệu USD theo thời giá hiện nay. Và khi cần các khoản vay khẩn cấp từ ngân hàng, ông Trump lại sử dụng tài sản thế chấp mà cha đã cho ông.
Tài liệu thuế mà các phóng viên New York Times tiếp cận được cho thấy vào thời điểm ông Donald Trump lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất, cha của ông đã rút khoản tiền lên đến 50 triệu USD để giúp đỡ. New York Times không thể tìm ra bằng chứng cho thấy ông Fred dùng số tiền này để trả nợ, làm từ thiện hoặc mua sắm cá nhân. Tuy nhiên, một vài dấu hiệu cho thấy ông cần tiền mặt để bảo lãnh cho con trai trong trường hợp cần thiết.
He lo bi mat dang sau khoi tai san khong lo cua ong Trump-Hinh-4
 "Ông trùm bất động sản" Fred Trump từng nhiều lần cứu con trai khỏi các cuộc khủng hoảng tài chính. Ảnh: Getty.
Và điều mà ông Fred lo lắng đã xảy ra vào tháng 12/1990, khi khoản thanh toán trái phiếu trị giá 18,4 triệu USD tại sòng bài Castle của ông Donald Trump gần đến ngày đáo hạn. Ông Fred ngay lập tức cử một kế toán viên đáng tin cậy đến thành phố Atlantic với những tấm ngân phiếu trị giá 3,5 triệu USD để mua "xu đánh bạc" (casino chip) mà không đặt cược.
Theo quy định của bang New Jersey, thủ thuật này được xem là một khoản vay trái phép và người vi phạm có thể phải đóng phạt đến 65.000 USD. Nhưng điều này đã giúp ông Donald Trump tránh được nguy cơ vỡ nợ.
Biến khoản nợ 11 triệu USD thành khoản chi có thể khấu trừ thuế
Tính đến năm 1987, số tiền mà ông Donald Trump nợ cha đã lên đến ít nhất 11 triệu USD. Nếu ông Fred quyết định "quên" khoản nợ này, số tiền sẽ được tính là thu nhập của ông Donald Trump và ông sẽ phải đóng thuế. Tuy nhiên, hai cha con ông Trump đã tìm ra một giải pháp khác: Biến khoản nợ 11 triệu USD thành quà tặng không báo cáo và khoản chi có thể khấu trừ thuế bất hợp pháp.
Cuối năm đó, ông Fred chi 15,5 triệu USD để mua 7,5% cổ phần tòa chung cư Trump Palace của ông Trump tại Manhattan. Bốn năm sau, ông Fred bán lại cổ phần với giá 10.000 USD. Và người mua không ai khác là con trai ông, tài liệu cho biết.
Các chuyên gia về thuế cho rằng theo quy định của IRS, mánh khóe trên có thể được xem là một món quà trị giá hàng triệu USD. Tuy nhiên, bản khai thu nhập cá nhân của ông Fred Trump không có phần nào nhắc đến món quà này.
Ông Fred lợi dụng giao dịch trên để khai nhận một khoản chi có thể khấu trừ thuế khổng lồ. Điều này xâm phạm quy định liên bang về thuế, trong đó cấm hành vi khấu trừ các khoản tiền trao đổi hoặc chênh lệch mua bán giữa các thành viên trong gia đình.
Tổng cộng, ông Fred đã tránh được 8 triệu USD thuế quà tặng và 5 triệu USD thuế thu nhập với giao dịch trên.
He lo bi mat dang sau khoi tai san khong lo cua ong Trump-Hinh-5
Các anh chị em gia đình Trump từ trái qua phải: Robert, Elizabeth, Freddy, Donald và Maryanne. Ảnh: Washington Post. 
"Tỷ phú tự thân" Donald Trump?
New York Times ghi nhận 295 nguồn lợi nhuận riêng biệt mà ông Fred Trump đã thiết lập trong hơn 5 thập kỷ nhằm chuyển tài sản cho con trai. Nhưng mối quan hệ giữa ông Donald Trump và người cha không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn và phát huy khối tài sản của gia đình.
Họ tham gia một dự án đầy tham vọng: Tạo nên huyền thoại về "tỷ phú tự thân" Donald Trump. Nếu ông Fred đóng vai vị "mạnh thường quân" bí mật, hỗ trợ tài chính cho con trai, thì ông Donald Trump chịu trách nhiệm "nhào nặn" một câu chuyện hấp dẫn và thuyết phục.
Biểu tượng của dự án này là Tháp Trump, "bùa hộ mệnh" đã biến ông Donald thành một tay chơi sừng sỏ ở New York. Tuy vốn xây dựng công trình là của ông Fred, con trai ông lại nhận hết công trạng và biến tòa tháp quyền lực này thành sân chơi của riêng ông trong chương trình truyền hình The Apprentice (Người Tập sự) và trong suốt quá trình vận động tranh cử.
Ông Trump từng muốn đổi di chúc của cha
Tháng 12/1990, Tổng thống Trump gửi cho ông Fred một lá thư khiến người cha vừa giận dữ vừa lo lắng. Đó là một bản bổ sung di chúc gồm nhiều thay đổi nằm ngoài ý muốn của ông Fred, trong đó quy định ông Donald Trump là người thi hành di chúc duy nhất liên quan đến khối tài sản của cha.
Đây cũng là thời điểm công việc kinh doanh của ông Donald rơi vào khủng hoảng, khi kế toán viên của ông Fred phải mang những tấm ngân phiếu trị giá 3,5 triệu USD đến sòng bài thành phố Atlantic để giải cứu ông Donald.
Người cha lo sợ bản bổ sung di chúc trên có thể khiến sự nghiệp của ông gặp nhiều rủi ro, con trai ông có thể biến đế chế ông đã xây dựng nhiều thập kỷ thành tài sản thế chấp để cứu vãn các thương vụ thất bại, New York Times dẫn một bản ghi lời khai được soạn thảo nhiều năm sau đó trong một vụ giải quyết mâu thuẫn gia đình.
Ông Fred từ chối ký vào bản bổ sung di chúc, và điều này gợi ra một vấn đề: Người cha đã già và ngày càng ốm yếu. Nếu gia đình Trump không nhanh chóng đề ra giải pháp, ông có thể qua đời và để lại khối tài khổng lồ bị đánh thuế đến 55%.
Vì vậy, gia đình Trump, với ông Donald đóng vai trò trung tâm, đã đề ra một kế hoạch tránh thuế mà các chuyên gia cho là mơ hồ về mặt pháp lý và có dấu hiệu gian lận.
He lo bi mat dang sau khoi tai san khong lo cua ong Trump-Hinh-6
 Ông Donald Trump đứng trên nóc tòa Tháp Trump vào năm 1982, công trình được cha cấp vốn đã biến ông Donald thành một tay chơi sừng sỏ ở New York. Ảnh: New York Times.
"Công ty ma" bơm tiền từ cha sang con
Bước đầu tiên trong kế hoạch trốn thuế của gia đình Trump là xây dựng công ty All County Building Supply & Maintenance. Trên giấy tờ, công ty này được thành lập vào năm 1992 với danh nghĩa là đơn vị cung cấp nồi hơi, thiết bị dọn dẹp và các mặt hàng khác cho các công trình của ông Fred Trump.
Nhưng thực tế, đây là một "công ty ma" được thành lập nhằm chuyển tài sản ra khỏi đế chế của ông Fred bằng thủ thuật đơn giản là tăng giá trị các khoản mua từ 20% tới 50%. Nhờ đó, hàng triệu USD đã đến tay chủ sở hữu công ty All County, chính là ông Donald Trump và các anh chị em.
Ông Lee-Ford Tritt, chuyên gia đầu ngành về luật thuế quà tặng và thuế bất động sản thuộc Đại học Floria, cho rằng cách gia đình Trump lợi dụng danh nghĩa của công ty All County là "rất đáng ngờ" và có thể cấu thành tội gian lận thuế. "Đây rõ ràng là một món quà khả nghi", ông Tritt nói.
Người thuê bất động sản của ông Fred Trump bỗng chốc trở thành nạn nhân. Với việc các hóa đơn bị "thổi phồng", ông Fred có lý do để tăng giá cho thuê, theo các báo cáo New York Times thu thập được.
Luật sư Charles Harder, người bảo vệ quyền lợi cho ông Donald Trump, đáp trả các cáo buộc của New York Times: "Nếu New York Times khẳng định hoặc ngụ ý rằng Tổng thống Trump có liên đới đến hành vi gian lận thuế hoặc bất kỳ tội danh nào khác, tờ báo này đã làm tổn hại đến danh dự, uy tín của tổng thống và sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý".
Gia đình Trump khai tài sản chuyển giao thấp hơn thực tế
Sau khi êm xuôi rút tài sản khỏi đế chế của ông Fred, gia đình Trump bắt đầu chuyển quyền sở hữu phần lớn số tiền này cho ông Donald Trump và các anh chị em. Phương tiện mà họ sử dụng là một mô hình ủy thác đặc biệt có tên gọi GRAT, tức mô hình người cấp - giữ tín nhiệm hàng năm, cho phép các thành viên trong gia đình chuyển tài sản cho nhau mà không cần đóng thuế liên bang 55%, hoặc đóng với phần trăm thấp hơn.
Trên thực tế, gia đình Trump đã đóng thuế quà tặng dựa trên một con số quan trọng: giá trị thị trường của khối bất động sản của ông Fred. Tuy nhiên, New York Times phát hiện ra rằng họ đã tránh được hàng trăm triệu USD thuế quà tặng bằng việc nêu giá trị tài sản được đặt vào hai mô hình GRAT, được tạo cho cha và mẹ ông Donald Trump, thấp hơn thực tế trong các bản khai thu nhập cá nhân.
He lo bi mat dang sau khoi tai san khong lo cua ong Trump-Hinh-7
 Theo điều tra của New York Times, ông Donald Trump là người đóng vai trò trung tâm trong kế hoạch trốn thuế của gia đình. Ảnh: AP.
Bản khai thu nhập cá nhân năm 1995 của ông Fred Trump nêu 25 dự án phức hợp và các tài sản khác được đặt trong 2 mô hình ủy thác GRAT có giá trị 41,4 triệu USD. Tuy nhiên vào năm 2004, các ngân hàng đánh giá khối bất động sản trên trị giá gần 900 triệu USD.
"Họ định giá tài sản theo những cách hết sức quá đáng", chuyên gia về thuế Lee-Ford Tritt nói. "Họ thay đổi giá trị liên tục tùy theo từng mục đích".
Ông Harder, luật sư của Tổng thống Trump, cho rằng "mọi vấn đề liên quan đến bất động sản (của gia đình Trump) đều được giải quyết bởi các luật sư được cấp phép, các kế toán viên công chứng được cấp phép và nhà thẩm định giá trị địa ốc được cấp phép, những chuyên gia này tuân thủ luật lệ một cách nghiêm túc".
Tài sản lớn nhất ông Fred để lại là một tờ ghi nợ của con trai
Khi ông Fred Trump qua đời vào tháng 6/1999 ở tuổi 93, gia sản ông để lại thể hiện qua kê khai thu nhập không cho thấy sự tương xứng với giá trị của đế chế do ông gầy dựng. Đây là bằng chứng cho thấy chiến lược trốn thuế của nhà Trump trong những năm 1990 đã thành công.
Mục tài sản giá trị nhất được nêu trong bản kê khai thu nhập của ông Fred là giấy ghi nợ trị giá 10,3 triệu USD giữa ông và con trai Donald Trump. Ông Donlad đã vay cha số tiền này vào năm 1998, ngay trước khi người cha qua đời.
Phần còn lại trong đế chế tài sản mà ông Fred để lại thể hiện qua kê khai thu nhập không tương xứng với giá trị thị trường, New York Times cho biết.
He lo bi mat dang sau khoi tai san khong lo cua ong Trump-Hinh-8
"Tỷ phú tự thân", "bậc thầy đàm phán" Donald Trump thực chất phụ thuộc vào tài sản của cha? Ảnh: New York Times.
Là người thực hiện di chúc của cha, ông Donald, chị gái ông là Maryanne và em trai ông là Robert chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của bản kê khai tài sản do cha để lại. Họ buộc phải cung cấp cho IRS số liệu về giá trị tài sản của ông Fred sau khi mất, đồng thời liệt kê những khối tài sản ông Fred gửi làm quà tặng trong suốt cuộc đời.
Theo các chuyên gia về thuế, nếu họ biết rõ sai phạm mà không trình báo, họ có thể đã vi phạm luật thuế.
Luật sư Harder của Tổng thống Trump khẳng định bản kê khai tài sản của gia đình Trump "đã được kiểm tra bởi các cơ quan thuế vụ liên quan". "Những vấn đề (mà New York Times gợi ra) đã khép lại từ nhiều thập kỷ trước".
Ông Trump bán rẻ tài sản của cha
Năm 2003, ông Donald Trump một lần nữa gặp rắc rối về tài chính. Ông bắt đầu rao bán đế chế mà cha ông từng hy vọng sẽ mãi mãi nằm dưới sự kiểm soát của gia đình. Thương vụ hoàn thành vào năm 2004, tỷ phú nhận được số tiền lớn nhất từ tài sản do cha để lại: 177,3 triệu USD, tương đương 236,2 triệu USD theo thời giá hiện nay.
Nhưng theo điều tra của New York Times, các ngân hàng định giá khối tài sản trên nhiều hơn hàng trăm triệu USD so với giá bán của ông Trump. Người tự nhận là "bậc thầy đàm phán" đã bán rẻ đế chế do cha để lại.
Theo Chi Mai - Thanh Danh/Zing.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)