Khi câu chuyện giữa Mỹ và Trung Quốc đang “được viết lại”, nhiều nhà quan sát đã đặc biệt tập trung vào những sự kiện diễn ra trong tháng 9/2018. Có nhiều lo ngại ngày càng gia tăng về việc các nhà lãnh đạo của Bắc Kinh và Washington có thể sẽ không còn xem nhau là đối tác cạnh tranh nữa, mà hạ xuống mức thấp hơn là “quan hệ đối đầu ở mức toàn diện”.
|
Tổng thống Donald Trump chủ trì cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ảnh: BBC. |
Chỉ là 1 phần trong “chiến dịch tấn công phối hợp”
Trước đó, Mỹ và Trung Quốc đã không thể tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề, dẫn đến sự thất vọng ngày càng gia tăng ở cả hai phía. Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump luôn khẳng định luận điệu sắc bén cho rằng Trung Quốc đang “lấy mất công ăn việc làm của người dân Mỹ” và cản trở sự thịnh vượng của nước Mỹ. Do vậy, ông đã tăng cường áp đặt rào cản thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc. Song có vẻ như ông Trump đang không đạt được mong muốn của mình khi biện pháp này không giúp làm giảm thâm hụt thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc hoặc tác động tới việc cải cách cấu trúc kinh tế của Trung Quốc. Thay vào đó, nó lại làm tổn thương người nông dân, công nhân hoặc chủ sở hữu những doanh nghiệp nhỏ.
Mỹ đã tiến hành một loạt hành động nhằm vào những lĩnh vực tổn thương nhất của Trung Quốc. Những hành động này bao gồm áp đặt thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD, tuyên bố bán vũ khí cho Đài Loan, điều máy bay B-52 bay qua Biển Đông và Biển Hoa Đông và lần đầu tiên áp đặt trừng phạt một cơ quan quân sự của Trung Quốc kể từ năm 1989.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng ban hành chính sách mới yêu cầu nhiều đơn vị của một số cơ quan truyền thông Trung Quốc phải đăng ký là “cơ quan đại diện nước ngoài” tại Mỹ. Mặc dù chưa rõ các biện pháp đồng thời này của Mỹ là cố ý hay chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng các quan chức tại Trung Quốc lại nhìn nhận đây giống như một chiến dịch “tấn công phối hợp”.
Quan điểm này lại càng được củng cố khi Tổng thống Trump cáo buộc Trung Quốc can thiệp tiến trình bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ tại phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 26/9 vừa qua. “Họ (Trung Quốc) không muốn chúng tôi (đảng Cộng hòa) thắng bởi tôi là Tổng thống Mỹ đầu tiên từng thách thức Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại. Chúng tôi đang chiến thắng về mặt thương mại. Chúng tôi đang chiến thắng ở mọi cấp độ. Chúng tôi không muốn họ (Trung Quốc) can thiệp cuộc bầu cử của chúng tôi”.
Khi bị hối thúc đưa ra bằng chứng, Tổng thống Trump chỉ nói rằng, chính phủ Trung Quốc đã trả tiền để đăng một bài viết trên báo ở Iowa để thúc đẩy thông điệp của mình. "Nó không giống như quảng cáo, nó trông giống như bài xã luận và nó là của Trung Quốc. Bên cạnh đó, ông cũng cáo buộc Trung Quốc đang sử dụng thuế quan để làm tổn thương các cử tri tại những khu vực bầu cử mà trước đó đã ủng hộ ông.
Về phía Trung Quốc, có nhiều ý kiến cho rằng, ông Trump đang cố tình gây tổn hại nền kinh tế và làm trật bánh sự phát triển của Trung Quốc. Một số người chỉ trích việc ông cáo buộc Trung Quốc can thiệp bầu cử là nhằm mục đích đối phó với những thách thức nảy sinh trong nội bộ nước Mỹ. Theo logic này, Trung Quốc không có động cơ để đáp ứng những đòi hỏi của Tổng thống Donald Trump về vấn đề thương mại hay các vấn đề khác, bởi Trung Quốc cho rằng, làm như vậy cũng không thể dập tắt được mục tiêu chính của ông Trump là hạ gục Trung Quốc – đối thủ cạnh tranh gần nhất với Mỹ.
Trung Quốc liệu có đủ sức ảnh hưởng đến truyền thông Mỹ?
Hãng tin Sputnik dẫn lời một số chuyên gia cho rằng, Trung Quốc không có khả năng khởi xướng chiến dịch gây ảnh hưởng tới kết quả bầu cử Mỹ thông qua báo chí truyền thống và các phương tiện truyền thông bởi nước này có ảnh hưởng hạn chế đối với truyền thông Mỹ.
“Không thể phủ nhận rằng Trung Quốc có rất nhiều kinh nghiệm trong việc loại bỏ những nguồn tin giả mạo, gây ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia thông qua hệ thống bảo mật an ninh quy mô lớn. Tuy nhiên, khó có thể nói rằng Trung Quốc có thể tạo ra những nguồn tin có sức ảnh hưởng lớn có thể thách thức chính quyền Tổng thống Donald Trump”. Yen Chen-shen, một nhà nghiên cứu tại Học viện Quan hệ quốc tế của Đại học Quốc gia Chengchi cho biết.
Các chuyên gia khác cũng cho rằng, truyền thông nhà nước Trung Quốc có rất ít ảnh hưởng tại Mỹ bởi vì họ được biết đến rộng rãi với vai trò là cơ quan tuyên truyền. Và thực sự độc giả Mỹ cũng không quan tâm đến những gì đang xảy ra bên ngoài nước Mỹ. Do vậy, khả năng Trung Quốc lợi dụng truyền thông để gây ảnh hưởng đến bầu cử Mỹ rất khó xảy ra.
Ý định thực sự của ông Trump
Các chuyên gia phân tích của tờ Global Times nhận định, việc Tổng thống Trump cáo buộc Trung Quốc can thiệp bầu cử chứng tỏ ông đang rơi vào thế bí, bởi chính sách cứng rắn của ông đối với Trung Quốc không mang lại hiệu quả, mặt khác còn làm tổn thương những người ủng hộ ông.
Lý giải sâu hơn, ông Ni Feng, phó giám đốc Viện nghiên cứu Hoa Kỳ thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng, Tổng thống Donald Trump đang chuyển từ trạng thái xấu hổ tới giận dữ bởi chính sách bất thành của ông đối với Trung Quốc. “Sau khi bị Mỹ liên tục áp đặt rào cản thuế quan và trừng phạt nhằm vào lĩnh vực quân sự. Trung Quốc vẫn tiếp tục trả đũa không khoan nhượng và từ chối đàm phán với Mỹ trong điều kiện như hiện nay. Tình hình này không phải là điều ông Trump muốn, đó là lý do ông nổi giận và cố đưa ra những cáo buộc mới”.
Theo quan điểm của các học giả Trung Quốc, bằng cách chĩa mũi nhọn vào Trung Quốc và cáo buộc nước này can thiệp bầu cử, ông Trump có thể tạo cớ để đổ lỗi cho Trung Quốc nếu bị thất bại trong cuộc bầu cử tháng 11 tới. Diao Daming, chuyên gia nghiên cứu về Mỹ tại Đại học nhân dân Trung Hoa nhấn mạnh, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ đang đến gần, Đảng Cộng hòa đang đối mặt với thách thức nghiêm trọng và có thể bị mất ưu thế tại Hạ viện, do đó, Tổng thống Donald Trump đang cố gắng đùn đẩy trách nhiệm. “Đổ lỗi cho Trung Quốc là một lựa chọn tốt cho ông và một số người ủng hộ sẽ tin ông, bất chấp sự thật”, Diao Daming nói.
Quan hệ Mỹ-Trung về đâu?
Theo giới quan sát, một số quan chức trong chính quyền của Tổng thống Donald Trump có thể nối gót ông trong vài tuần tới và xây dựng niềm tin với công chúng rằng Trung Quốc là đối thủ thực sự của Mỹ, từ đó sẽ có thêm nhiều biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc chắc chắn không chịu bỏ qua và sẽ tung đòn đáp trả. Nếu chuỗi sự kiện như vậy trở thành hiện thực, mối quan hệ giữa hai cường quốc và hai nền kinh tế lớn nhất thế giới rất dễ rơi vào vòng xoáy nguy hiểm.
Một khi mối quan hệ song phương trở nên xấu hơn, Tổng thống Donald Trump sẽ có ít ảnh hưởng để tác động đến Bắc Kinh. Ông cũng sẽ không thể dựa vào sự hỗ trợ của đồng minh ở bất cứ nơi nào trên thế giới để theo đuổi cách tiếp cận theo hướng đối đầu đơn thuần với Trung Quốc. Bởi thực tế các đồng minh và đối tác của Mỹ như Nhật Bản, Ấn Độ, Australia dù từ trước đến nay luôn dè chừng Trung Quốc, nhưng sẽ không mạo hiểm phá vỡ quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Trái lại họ có thể đối phó với sự thiếu tin cậy từ phía Mỹ bằng cách xây dựng quan hệ ổn định với Trung Quốc. Và như vậy, Tổng thống Donald Trump một lần nữa đặt bản thân ông vào thế khó.
Một số ý kiến cho rằng, để kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc, Mỹ cần phải tìm những đối tác cùng chung những lo ngại về hành động của Trung Quốc và sẵn sàng đẩy lùi những vấn đề cụ thể liên quan đến lợi ích của họ. Một khi đối mặt với làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ nhiều phía, Trung Quốc sẽ phải suy xét lại những hành động của nước này.
Theo các nhà phân tích, quan hệ Mỹ-Trung Quốc dù đang ở giai đoạn căng thẳng lên đến cao trào nhưng không phải là không cứu vãn được. Điều này phụ thuộc vào sự lựa chọn của lãnh đạo hai nước trong thời gian tới và việc liệu các bên có thực sự muốn hòa hoãn để duy trì một mối quan hệ ổn định hay không./.