A (29 tuổi, ở Seoul), người từ chối tiết lộ họ tên, bắt đầu sống chung với bạn trai vào năm ngoái. Cả hai đã bàn đến chuyện kết hôn nhưng vẫn muốn có thêm thời gian tìm hiểu nhau kỹ hơn, theo EToday.
"Đôi lúc chúng tôi cãi nhau nhưng nhìn chung cả hai khá hợp tính. Tôi có cảm giác ổn định và tin tưởng hơn sau khi chuyển về chung sống", cô nói.
Sống thử cũng giúp đôi trẻ tiết kiệm chi phí thuê nhà và hẹn hò bên ngoài. "Tôi không tin rằng sống chung sẽ dẫn đến hôn nhân vô điều kiện, nhưng mối quan hệ trở nên sâu sắc hơn khi chúng tôi chia sẻ cuộc sống hàng ngày với nhau".
Tại Hàn Quốc, quan niệm truyền thống về hôn nhân đang thay đổi. Ngày càng nhiều người trẻ thoải mái với việc sống thử khi họ không còn coi lập gia đình, sinh con là những cột mốc bắt buộc trong đời người.
|
Giới trẻ Hàn Quốc ngày càng thoải mái với việc sống thử. Ảnh: Reuters.
|
Sống chung để tiết kiệm
Theo "Thống kê về giới tính năm 2021" do chính quyền Seoul công bố vào ngày 3/2, 58,1% phụ nữ và 60,8% nam giới tham gia khảo sát cho biết họ có thể sống thử mà không cần kết hôn.
Cứ 10 người thì có 3 người (28,1% nữ, 31,6% nam) trả lời rằng họ có thể có con mà không cần lập gia đình.
Cuộc khảo sát được thực hiện với 3.881 người sống tại Seoul, trong đó có 1.894 nam và 1.987 nữ.
|
Nhiều người chọn sống thử để tiết kiệm tiền thuê nhà, sinh hoạt phí. Ảnh: Chosun.
|
So với phụ nữ, đàn ông có cái nhìn tích cực hơn về hôn nhân. Khoảng 59,3% nam giới cho biết họ cảm thấy hôn nhân là cần thiết hoặc mong muốn lấy vợ, so với tỷ lệ 43,5% ở nữ giới.
Trong số nam giới ở độ tuổi 20, 7,3% nói sẽ không lập gia đình, tăng gấp đôi so với hai năm trước.
Quan điểm về cuộc sống độc thân, sống thử hoặc gia đình đơn thân ngày càng tích cực.
Theo kết quả khảo sát của Bộ Bình đẳng giới và Gia đình thực hiện vào tháng 9 năm ngoái với 3.007 người đã sống thử, lý do phổ biến của việc sống thử là "không muốn kết hôn sớm", "không có nhà", "giảm chi phí hẹn hò, sinh hoạt".
Về sự bất tiện của sống thử, một nửa số người được hỏi cho rằng "khó sử dụng các hệ thống hỗ trợ nhà ở như đăng ký mua nhà và cho vay mua nhà" (50,5%), "chịu đựng cái nhìn tiêu cực" (50,5%) và "không được công nhận là người giám hộ hợp pháp" (49,2%).
Khác biệt thế hệ
Các chuyên gia chỉ ra rằng mặc dù quan niệm về "sống thử nhưng không kết hôn" đang thay đổi, chính sách hỗ trợ vẫn chưa đủ.
Kim Young Jung, nhà nghiên cứu tại Tổ chức Phụ nữ và Gia đình Seoul, cho biết: "Khi các giá trị gia đình đang thay đổi nhanh chóng, nhận thức cũng cần thay đổi. Các đôi sống thử thường gặp nhiều khó khăn, chẳng hạn như họ không thể làm người giám hộ trong bệnh viện".
Chính phủ Hàn Quốc đang thúc đẩy cải cách các luật liên quan đến gia đình để phù hợp với những kiểu cấu trúc gia đình khác nhau, bao gồm cặp vợ chồng sống thử nhưng không kết hôn.
|
Nhiều người trẻ chấp nhận sống thử nhưng người lớn không hoàn toàn tán thành. Ảnh: Directory Magazine.
|
Luật dân sự hiện hành bị chỉ trích vì loại trừ các hộ gia đình chưa kết hôn, chung sống, độc thân và đơn thân ra khỏi gia đình chính sách.
Bộ Bình đẳng giới và Gia đình cho biết sẽ tìm cách loại bỏ điều khoản này để công nhận các kiểu gia đình phi truyền thống.
Theo một cuộc thăm dò với 1.500 người do bộ thực hiện vào năm 2020, 69,7% người được hỏi cho rằng các cặp chia sẻ sinh kế và nhà cửa nên được coi là một gia đình ngay cả khi họ không có quan hệ huyết thống hay hôn nhân.
Cuộc khảo sát tương tự cho thấy 65,5% số người được hỏi "chấp nhận nam và nữ sống chung với nhau mà không kết hôn".
Tuy nhiên, có một khoảng cách thế hệ đáng chú ý, với 85,1% những người ở độ tuổi 20 chấp nhận sống thử, trong khi chỉ có 43% những người ở độ tuổi 70 tán thành điều này.