Đại dịch COVID-19 sắp kết thúc?

Google News

Hiện tại, đại dịch COVID-19 gây tử vong ít hơn vì đã có vắc xin nhưng các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vẫn có thể xuất hiện.

Đại dịch kéo dài hơn 2 năm khiến nhiều người mệt mỏi khi trải qua những hạn chế khắc nghiệt và những điều khó đoán trước trong cuộc sống hàng ngày. Hàng triệu bệnh nhân COVID-19 đã thiệt mạng, hàng chục triệu người mất đi sinh kế và các nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề.

Vì vậy, ai cũng hy vọng đại dịch sắp kết thúc. Ở một số nước, việc nới lỏng hoặc loại bỏ hoàn toàn các hạn chế càng tiếp sức cho những hy vọng đó.

Đại dịch COVID-19 kéo dài hơn 2 năm qua đã khiến nhiều người mệt mỏi. Ảnh: AP

Trong bài viết mới đây trên trang Al Jazeera, Tiến sĩ Amir Khan thuộc trường Y Đại học Leeds và Đại học Bradford (Anh) chỉ ra rằng, tâm lý kể trên càng được thúc đẩy bởi biến thể Omicron – vốn đã được chứng minh là ít gây bệnh nghiêm trọng hơn và tỷ lệ nhập viện thấp hơn so với nhiễm biến thể Delta.  

Tuy nhiên, sự xuất hiện của Omicron với khả năng lây lan nhanh và tránh né một số hàng rào miễn dịch vẫn là lời nhắc nhở về diễn biến phức tạp của COVID-19. Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesu cũng đã đưa ra một cảnh báo rất rõ khi nói "thật nguy hiểm nếu cho rằng Omicron sẽ là biến thể cuối cùng và chúng ta đang ở lượt chơi cuối cùng".

Tuy Omicron có thể nhẹ hơn Delta nhưng số ca bệnh đang không ngừng tăng cao, đặc biệt là ở châu Âu. Điều này cho thấy bất kỳ hy vọng nào rằng COVID-19 có thể sớm trở thành bệnh đặc hữu đều sẽ là nhầm tưởng.

Theo thuật ngữ mang tính khoa học nhất, một căn bệnh được coi là đặc hữu khi số ca bệnh trở nên ổn định hoặc chững lại, chứ không phải khi bệnh gây chết chóc ít hơn. Theo định nghĩa này, COVID-19 chưa phải là bệnh đặc hữu, vì số ca nhiễm vẫn tăng. Mặt khác, những bệnh đặc hữu như sốt rét vẫn có thể giết chết 600.000 người mỗi năm, hoặc sốt xuất huyết - cướp đi mạng sống của 25.000 người mỗi năm.

Vì vậy, mọi người khi nói về "sống chung với" COVID-19, câu hỏi được đặt ra là: Con số tử vong có thể chấp nhận được để thế giới tiếp tục như bình thường là bao nhiêu? Tất nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là cách tiếp cận này sẽ đặt những người dễ bị tổn thương và người cao tuổi - vốn thuộc diện có nguy cơ cao thiệt mạng nếu nhiễm virus SARS-CoV-2 - vào tình thế bất lợi lớn.

Một số người có thể lập luận rằng bệnh cúm cũng cướp đi mạng sống của 650.000 mỗi năm trên toàn thế giới, vì vậy chắc chắn chúng ta có thể sống chung với COVID-19. Nhưng cúm không phải là một bệnh đặc hữu, thay vào đó chúng ta chỉ thường chứng kiến những đợt dịch bùng lên vào mùa đông.

COVID-19 và cúm là hai bệnh khác nhau. COVID-19 là do loại virus gây viêm đa hệ thống, không chỉ gây chết người mà còn có thể dẫn tới các vấn đề sức khỏe lâu dài cho mọi người ở mọi lứa tuổi. Ngược lại, bệnh cúm thường chỉ ảnh hưởng đến hệ hô hấp. Điều này có nghĩa là hàng triệu người trên toàn thế giới có thể phải sống chung với COVID-19 kéo dài, với sinh kế bị ảnh hưởng và nền kinh tế bị tác động lớn. Đó là chưa kể, số ca tử vong do COVID-19 tính đến nay nhiều hơn đáng kể so với do cúm gây ra. 

Vì vậy, con người vẫn phải áp dụng các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của virus cho đến khi đạt được mục đích này theo đúng nghĩa.

Ngoài ra, vắc xin ngừa COVID-19 chính là chìa khóa, cần được tiêm cho càng nhiều người càng tốt, để virus có ít thời gian nhân lên và ít cơ hội biến hóa hơn. Bên cạnh đó cần có các liệu pháp điều trị kháng virus như molnupiravir và paxlovid, vốn đã được chứng minh giúp giảm nguy cơ nhập viện cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao. Những loại thuốc này ngăn chặn sự nhân lên của virus, tức là làm giảm thời gian một người bị bệnh, nghĩa là virus có ít thời gian hơn để biến hóa ra các thể mới.

Đó là điều mà nhân loại nói chung sẽ được hưởng lợi, theo tiến sĩ Khan.

Theo Thanh Hảo/Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)