"Các sỹ quan của cúng tôi lo ngại mức độ bạo lực có thể đã lên tới mức họ có thể giết một ai đó hoặc tự sát. Chúng tôi rất kiềm chế nhưng khi đối mặt với bạo lực như vậy, áp lực đó trở nên cực kỳ nguy hiểm", một quan chức cảnh sát Hong Kong nói trong cuộc họp báo ngắn hôm 20/9.
Tuần trước, đụng độ xảy ra trên các con phố ở khu Vịnh Cửu Long giữa nhóm biểu tình chống chính quyền Hong Kong và nhóm ủng hộ chính quyền Trung Quốc. Các nhóm biểu tình khác cũng thách thức cảnh sát khi ném bom xăng, gạch vào trụ sở của lực lượng này buộc cảnh sát phải dùng vòi rồng và bắn hơi cay để giải tán.
Cảnh sát Hong Kong nhiều lần phải bắn chỉ thiên để cảnh báo, nhưng họ cho rằng hình thức này có thể không đủ sức răn đe.
|
Cảnh sát Hong Kong cân nhắc đùng đạn thật để đối phó với biểu tình. (Ảnh: SCMP) |
Các cuộc biểu tình phản đối chính quyền Carrie Lam đã bước sang tuần thứ 16 ở Hong Kong. Bất chấp việc dự luật dẫn độ, vốn là nguồn cơn dẫn tới đợt biểu tình kéo dài gần 4 tháng qua bị hủy bỏ, người biểu tình cho biết họ sẽ chỉ ngừng biểu tình cho tới khi tất cả các yêu cầu được đáp ứng. Một trong số đó là mở một cuộc điều tra độc lập về các hành động lạm quyền của cảnh sát trong biểu tình.
"Lực lượng an ninh của Hong Kong đã tham gia vào một mô hình đáng quan ngại về các chiến thuật liều lĩnh và bất hợp pháp chống lại người dân trong các cuộc biểu tình", một nhóm nhân quyền cho hay.
1.300 người bị bắt kể từ khi biểu tình nổ ra vào tháng 6.
Khi được hỏi về cảnh báo sử dụng đạn thật của cảnh sát, Bonnie Leung tới từ Mặt trận Nhân quyền Dân sự nói rằng việc dùng tới súng và đạn là không cần thiết và bất công.
"Họ có những thứ vũ khí ít gây sát thương. Họ có đạn cao su, giờ họ cũng đã có vòi rồng. Nhưng những gì họ làm cho thấy họ không chỉ cố gắng bảo vệ mình. Họ đang làm nhiều hơn mức cần thiết và hơn những gì pháp luật cho phép. Điều đó tạo ra nguy hiểm", cô này cho hay.
Tuy nhiên, một chỉ huy cấp cao cảnh sát Hong Kong cho biết lực lượng này đang cố gắng tìm mọi cách để đối phó làn sóng bạo lực hiện nay trong điều kiện cho phép và rằng họ không thể mềm mỏng với những người mà mục tiêu duy nhất của họ là làm suy yếu cảnh sát khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
"Chúng tôi đang ở giữa một cuộc khủng hoảng. Mỗi ngày chúng tôi vẫn phải ở ngoài đó đối mặt với các mối đe dọa... Nếu có bạo lực, chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề đó", ông này cho biết.
Cũng trong cuộc họp báo, cảnh sát Hong Kong đề cập tới áp lực mà lực lượng này đang phải đương đầu giữa làn sóng biểu tình.
"Khi hết nhiệm vụ, chúng tôi cũng không thể nghỉ ngơi. Nhiều người biểu tình còn tới dự lễ cưới của cảnh sát", một quan chức cảnh sát cho hay, nói thêm rằng một nhóm sỹ quan đang được điều trị tâm lý để giải tỏa căng thẳng,
"Chúng tôi đang ở trong một tình thế ngặt nghèo. Chúng tôi là cơ quan duy nhất mà toàn bộ Hong Kong có thể dựa vào", quan chức này nói, cho rằng lực lượng này chưa nhận được đủ sự trợ giúp từ chính quyền.
Một số cảnh sát tin rằng tình hình hiện nay có thể được giải tỏa nếu tòa án mạnh tay hơn trong việc thực thi pháp luật.
Vào đầu tuần tới, Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam sẽ bắt đầu các phiên đối thoại với người dân để tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hiện nay.
Bà Lam khẳng định các phiên đối thoại sẽ hết sức cởi mở và tất cả người dân đều có thể tham dự.
"Xã hội Hong Kong đã gặp phải hàng loạt các vấn đề kinh tế, xã hội và chính trị. Tôi hy vọng các hình thức đối thoại khác nhau có thể tạo ra nền tảng để chúng ta thảo luận", bà Lam nói với các phóng viên trong cuộc họp báo hôm 17/9.
Tuy nhiên, lãnh đạo Hong Kong cũng nhấn mạnh việc xây dựng nền tảng đối thoại không có nghĩa là chính phủ dung thứ cho các hành vi bạo lực.
Mỗi phiên đối thoại cho phép 100-200 người tới tham dự. Chính quyền sẽ chọn ngẫu nhiên những người tham dự từ tất cả các lĩnh vực với các độ tuổi và lập trường khác nhau.