Trở thành “nạn nhân” của chính thành công của mình
Singapore từng được coi là hình mẫu về khả năng ứng phó với dịch Covid-19 giai đoạn đầu. Nước này đã đóng cửa biên giới, xét nghiệm và truy vết quyết liệt, đồng thời là một trong những quốc gia đầu tiên tại châu Á đặt hàng vắc xin.
Ảnh minh họa: New York Times
Một chính trị gia hàng đầu Singapore đã nhận định trước công chúng rằng, tỷ lệ tiêm vắc xin 80% là tiêu chí cho việc mở cửa theo từng giai đoạn. Singapore hiện đã tiêm đầy đủ cho khoảng 83% dân số nhưng thay vì mở cửa, nước này đang làm điều ngược lại.
Vào tháng 9, giữa bối cảnh cứ 8 - 10 ngày thì số ca mắc ở Singapore tăng gấp đôi, chính phủ đã tái áp đặt các biện pháp hạn chế đối với việc tụ tập đông người. Mỹ khuyến cáo các công dân nên cân nhắc khi đi lại tới quốc gia Đông Nam Á này. Những hàng dài người bắt đầu đứng chờ trước các phòng cấp cứu tại một số bệnh viện. Người dân Singapore lại một lần nữa được yêu cầu nên làm việc ở nhà.
Những kinh nghiệm của Singapore đã trở thành bài học thấm thía cho các quốc gia khác theo đuổi chiến lược mở cửa trở lại song chưa phải đối mặt với những đợt bùng phát dịch bệnh trên quy mô lớn. Với người dân Singapore, những người tin rằng đất nước sẽ mở cửa trở lại khi đạt tỷ lệ tiêm vắc xin nhất định, giờ đây đang băn khoăn trước những câu hỏi như nước này còn cần làm thêm gì để mở cửa trở lại khi mà việc tiêm vắc xin dường như vẫn chưa đủ.
"Theo một cách nào đó, chúng tôi trở thành nạn nhân của chính thành công của mình bởi chúng tôi đã tiến gần đến mục tiêu Không Covid cũng như khi duy trì tỷ lệ tử vong ở mức thấp. Vì thế, chúng tôi muốn tiếp tục vị trí đứng đầu này nhưng thật khó để duy trì điều đó", Paul Tambyah, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore cho hay.
Chiến lược mở cửa trở lại của Singapore, mà một số người cho là quá thận trọng, trái ngược với những gì diễn ra ở Mỹ và châu Âu, các nơi mà những người đã tiêm vắc xin được đến các buổi hòa nhạc, lễ hội và các sự kiện lớn khác. Tuy nhiên, không giống như Singapore, cả hai nơi này đều phải đối mặt với những làn sóng lây nhiễm đáng kể vào thời kỳ đầu đại dịch.
Chuẩn bị sẵn trước những làn sóng lây nhiễm lớn bất kể độ phủ vắc xin
Lawrence Wong, Bộ trưởng Tài chính Singapore, đồng thời là Chủ tịch Lực lượng tác chiến chống Covid-19 của nước này cho biết, bài học cho các quốc gia "ngây thơ về đại dịch Covid-19" như Singapore, New Zealand và Australia là cần chuẩn bị sẵn sàng cho những làn sóng lây nhiễm lớn, "bất kể độ phủ vắc xin như thế nào".
"Khi mở cửa, nhiều tương tác xã hội hơn sẽ diễn ra. Hơn nữa, với bản chất dễ lây nhiễm của biến thể Delta, chúng ta sẽ chứng kiến những chùm ca mắc mới xuất hiện", ông Wong nhận định.
Tại Singapore, các loại vắc xin đã phát huy hiệu quả trong việc giúp phần lớn dân số không phải nhập viện với 98,4% số ca mắc không triệu chứng hoặc chỉ có các triệu chứng nhẹ. Số ca tử vong chủ yếu được ghi nhận ở những người cao tuổi và thường là có các bệnh đi kèm, chiếm khoảng 0,2% số ca mắc trong 28 ngày qua. Tuy nhiên, việc tiêm vắc xin không thể ngăn chặn sự lây nhiễm, đặc biệt khi các ca nhiễm biến thể Delta tăng lên.
"Tại Singapore, chúng tôi cho rằng bạn không thể chỉ dựa vào vắc xin trong giai đoạn trung gian này. Và đó là lý do tại sao chúng tôi không có kế hoạch mở cửa trở lại một cách hoành tráng hay tuyên bố ngày tự do", Bộ trưởng Tài chính Wong cho hay.
Singapore dự kiến sẽ đánh giá các biện pháp hạn chế vào ngày 11/10, 2 tuần sau khi chúng được áp dụng và đưa ra những điều chỉnh phụ thuộc vào tình hình tại địa phương. Ông cũng nhấn mạnh rằng, Singapore vẫn đang trong quá trình sống chung với Covid-19 và khẳng định rằng ông thừa nhận, bất kỳ biện pháp thắt chặt nào, dù là quy mô nhỏ, đều sẽ vấp phải sự giận dữ và không hài lòng bởi mọi người đều mong muốn thoát khỏi đại dịch.
"Tuy nhiên, chúng ta phải điều chỉnh dựa trên tình hình thực tế mà chúng ta đang đối mặt", Bộ trưởng Tài chính Singapore đánh giá.
Học tập và làm việc tại nhà ở Singapore. Ảnh: New York Times
Tháng trước, các nhà chức trách đã tăng cường thiết lập các cơ sở điều trị cộng đồng được trang bị bình oxy, đồng thời yêu cầu những bệnh nhân không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ điều trị tại nhà. Dù vậy, nhiều người Singapore cho rằng, họ cảm thấy bối rối về những gì cần làm và chính phủ dường như đang không chuẩn bị tốt.
"Nếu hệ thống y tế bị quá tải, từ những kinh nghiệm ở các nơi khác, chúng ta đều biết rằng các bác sĩ không thể ứng phó được và tỷ lệ tử vong sẽ bắt đầu tăng lên. Do đó, chúng tôi đang cố gắng hết sức để tránh điều đó".
“Tôi đã quên đi cảm giác của cuộc sống bình thường”
Với nhiều người Singapore, việc lặp đi lặp lại các biện pháp hạn chế đã gây ra những ảnh hưởng nhất định. Số vụ tử tử năm 2020 tại Singapore ở mức cao nhất kể từ năm 2012, một xu hướng mà một số chuyên gia y tế cho rằng một phần nguyên nhân là do đại dịch Covid-19.
"Đó là sự không ổn định về kinh tế, xã hội, tình cảm và tinh thần", Devadas Krishnadas, giám đốc điều hành Future-Moves Group - một công ty tham vấn ở Singapore bình luận.
Ông Devadas Krishnadas cho rằng, quyết định tái áp đặt các biện pháp hạn chế sau khi đạt được tỷ lệ tiêm vắc xin cao đã khiến nước này trở thành kẻ "đứng ngoài toàn cầu".
"Điều quan trọng là việc đó khiến Singapore dịch chuyển hoàn toàn 180 độ theo hướng ngược lại với phần còn lại của thế giới. Việc này cũng khiến cho chúng tôi đặt ra câu hỏi chiến lược rằng, liệu điều đó có khiến Singapore rơi vào "bánh xe chuột hamster" (một hành động lặp đi lặp lại mà không đạt được tiến triển - ND) hay không".
"Ngày Tự do không phải là phong cách của Singapore", Jeremy Lim, giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore và là một chuyên gia về chính sách y tế nhận định khi nhắc đến chiến lược mở cửa của Anh vào mùa hè vừa qua. Tuy nhiên, việc hành động quá thận trọng cũng không hẳn là một chiến lược y tế công cộng tốt, chuyên gia này đánh giá.
Theo giáo sư Lim, chính phủ không nên chờ đợi các điều kiện hoàn hảo để mở cửa trở lại bởi "thế giới sẽ không bao giờ hoàn hảo”.
Sarah Chan, phó giám đốc tại Cơ quan Khoa học, Công nghệ và Nghiên cứu của Singapore cho biết bà đã cảm nhận được cuộc sống bình thường là như thế nào khi đến Italy vào tháng trước để thăm gia đình.
Không cần đeo khẩu trang khi ở ngoài trời, những người đã tiêm vắc xin có thể hội họp với nhau trong khi Chan và con trai bà có thể thưởng thức âm nhạc trong một nhà hàng. Tại Singapore, việc chơi nhạc trong nhà hàng đã bị cấm do lo ngại virus có thể lây lan.
Bà Chan cho biết bà cảm thấy xúc động tới nỗi bà đã bật khóc khi ở Italy: "Mọi thứ gần như trở lại bình thường. Cái cảm giác mà tôi đã quên đi nó như thế nào. Tôi thực sự nhớ cảm giác đó"./.