Mới đây, tại một đám cưới ở vùng nông thôn Trung Quốc xảy ra sự việc hy hữu, gây xôn xao dư luận.
Theo thông tin đăng tải, đám cưới vốn diễn ra vui vẻ, náo nhiệt cho đến khi cô dâu và chú rể thực hiện nghi lễ bái đường, nói lời thề nguyện trăm năm.
Vào khoảnh khắc cô dâu, chú rể thực hiện nghi lễ, người thân của chú rể bước ra, cầm roi liên tục quất thẳng vào đầu cô dâu. Dường như đã dự liệu việc này, cô dâu đã vươn tay chặn lại, đồng thời nhất quyết không chịu để người khác đánh mình.
Hai bên giằng co kịch liệt, gia đình nhà trai liên tục mắng mỏ, trách móc cô dâu không chịu hoàn thành nghi lễ đám cưới. Ngược lại, cô dâu không nói câu nào, chỉ lẳng lặng nắm chặt người cầm roi, ngăn việc họ đánh mình.
Trong khi đó, chú rể vẫn cúi đầu quỳ lạy, không đếm xỉa đến cô dâu. Những người khác, bao gồm cả họ hàng hai bên và bạn bè cũng chỉ đứng xem trò vui, không đứng lên can ngăn, khuyên bảo hay có bất cứ động thái nào cản lại.
Kết thúc nghi lễ, chú rể chỉ đứng một bên nhìn chứ không giúp cô dâu xử lý sự việc. Toàn bộ cảnh tượng được một người quay lại, đăng tải lên mạng xã hội gây xôn xao dư luận.
Có người cho rằng, đây chỉ là phong tục địa phương, mang ý nghĩa răn đe, dạy dỗ cô dâu mới về nhà chồng. Nếu muốn cuộc sống sau này suôn sẻ, thuận lợi, cô dâu nên ngoan ngoãn tuân theo.
Tuy nhiên, nhiều người đồng tình với hành động của cô dâu, cho rằng cô dâu phản ứng như thế là hợp tình hợp lý. Cho dù là phong tục địa phương cũng nên xem xét đến cảm nhận của cô dâu, không có ai muốn bị đánh, bị làm nhục ngay trong hôn lễ.