Xuất hiện cùng chồng trong một livestream gần đây, cô dâu Thu Sao, 62 tuổi, ở Cao Bằng gây bất ngờ với chiếc bụng lớn. Anh Triệu Hoa Cương liên tục xoa bụng vợ.
Cũng trong livestream, cô dâu 62 tuổi còn đứng dậy để khoe bụng và dáng đứng của bà bầu. Người phụ nữ cho biết, gần đây chị hay thèm đồ chua, bún chả. Trước những hành động này, nhiều người đoán rằng cô dâu 62 tuổi đang mang thai.
|
Cô dâu Thu Sao, 62 tuổi, ở Cao Bằng gây bất ngờ với chiếc bụng lớn. |
Tuy nhiên, theo bác sĩ, phụ nữ trên 60 tuổi thì hai bên buồng trứng đã mất chức năng, không còn trứng, noãn để có thể thụ thai tự nhiên.
Thế nhưng, người phụ nữ trên 60 tuổi có thể mang thai khi can thiệp bằng phương pháp khoa học. Nếu như người phụ nữ này khỏe mạnh, đủ sức khỏe để mang thai sẽ thực làm thụ tinh ống nghiệm (IVF).
Điều kiện để làm IVF, người phụ nữ phải xin được phôi từ người khác hoặc xin trứng người phụ nữ khỏe mạnh khác để làm với tinh trùng của chồng họ. Vì ở độ tuổi này phụ nữ không còn trứng để có thể làm phôi".
Cuối năm 2018, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản của Bệnh viện Bạch Mai đã giúp người phụ nữ 58 tuổi sinh con khỏe mạnh nhờ can thiệp khoa học. Đây cũng là trường hợp lớn tuổi nhất sinh con nhờ can thiệp được thực hiện thành công tại Trung tâm hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bạch Mai.
Trên thế giới đã ghi nhận phụ nữ ở độ tuổi 60, 70 vẫn mang bầu và sinh con. Trường hợp lớn tuổi nhất được ghi nhận là bà Daljinder Kaur (72 tuổi, ở Amritsar, Ấn Độ) đã vượt lên mọi mặc cảm, dùng sức mạnh của tình yêu thương để sinh thành và nuôi dưỡng đứa con thơ. Một trường hợp khác sinh con thành công khi tuổi đã cao là cô giáo người Anh Sue Tollefsen, sinh con gái đầu lòng ở tuổi 60, khi đã nghỉ hưu.
Nguy cơ cho cả mẹ và con khi phụ nữ lớn tuổi mang thai
Những trường hợp sinh con khi tuổi cao đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và nguy cơ đối với con cái cũng như chính bản thân họ.
Theo bác sĩ, tuổi sinh sản đối với phụ nữ đặc biệt quan trọng, tỉ lệ mang thai thành công cao nhất và tốt nhất là ở độ tuổi từ 18 - 25. Qua 25 - 30 tuổi, tỉ lệ này có xu hướng giảm đi. Từ 30 tuổi trở lên, tỉ lệ có thai giảm rõ rệt, đặc biệt là sau tuổi 35. Trên 40 tuổi, khả năng có thai tự nhiên rất thấp do dự trữ buồng trứng giảm, chất lượng trứng, số lượng và chất lượng phôi giảm.
|
Những trường hợp sinh con khi tuổi cao đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và nguy cơ cho cả mẹ lẫn con. |
Trước đây Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ trên 45 tuổi không nên điều trị hiếm muộn để mang thai, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho mẹ và bé. Theo các bác sỹ sản khoa, phụ nữ đã lớn tuổi làm thụ tinh nhân tạo, khi tiêm tinh trùng vào trứng sẽ khó thụ tinh, phôi không phát triển hoặc phát triển bất thường. Nội tiết tố của phụ nữ lớn tuổi kém, khó giữ thai, nguy cơ sẩy thai, thai chết lưu cao hơn. Số liệu tại nhiều trung tâm thụ tinh ống nghiệm trong nước và trên thế giới cho thấy, ở những phụ nữ trên 40 tuổi, tỷ lệ thành công rất thấp, chỉ khoảng 16%. Đa số phôi tạo ra từ trứng của những phụ nữ này có bất thường nhiễm sắc thể, không thể phát triển thành thai nhi được. Sau đó, việc giữ thai còn khó hơn, gần 50% số này bị sẩy thai, thai lưu. Hoặc dù là noãn, trứng được xin của người khác nhưng phôi cũng khó “đậu” ở tử cung của phụ nữ lớn tuổi.
Phụ nữ sinh con muộn (trên 35 tuổi) dễ sinh ra những đứa trẻ bị hội chứng Down do tuổi tác làm cho các nhiễm sắc thể ở trứng dễ kết dính với nhau và khi tạo thành một tổ hợp nhiễm sắc thể nào đó thì có thể dẫn đến hội chứng này. Ngoài ra, trẻ sinh ra còn có thể gặp một số bệnh khác như huyết tật tim bẩm sinh, bệnh hô hấp, tắc nghẽn đường tiêu hóa sớm, ung thư máu ở tuổi ấu thơ, thừa cân hoặc còi cọc, chậm phát triển tâm thần và thể chất, dễ nhạy cảm với các tác nhân nhiễm khuẩn.