Chính trường Mỹ “nổi bão” vì quyết định rút quân khỏi Syria của ông Trump

Google News

Những nghị sỹ Mỹ phản đối ông Trump cho rằng rút quân khỏi Syria sẽ khiến Mỹ ra về tay trắng và mất đi lợi thế tại Trung Đông.
 

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ thị cho Bộ Quốc phòng Mỹ rút quân ngay lập tức khỏi Syria khi Syria đã gần giải phóng hoàn toàn lãnh thổ khỏi sự kiểm soát của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) là quyết định khá bất ngờ. Động thái này dường như đi ngược lại với tuyên bố của các quan chức cấp cao trong quân đội Mỹ - những người luôn cho rằng tiếp tục triển khai quân tại Syria là một quyết định khôn ngoan. Nhiều thành viên đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa cũng chỉ trích quyết định nêu trên của ông Trump.
Chinh truong My “noi bao” vi quyet dinh rut quan khoi Syria cua ong Trump
Lực lượng Mỹ tại tổng hành dinh của Các đơn vị bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) sau khi bị Thổ Nhĩ Kỳ không kích vào 25/4/2017. Ảnh: Reuters. 

Tổng thống Trump lên nắm quyền với cam kết nhanh chóng đánh bại các nhóm khủng bố ở Trung Đông và đưa các lực lượng Mỹ từ những khu vực xung đột trở về nhà. Về cơ bản, ông đã thực hiện chính sách về Syria của cựu Tổng thống Barack Obama, được đưa ra vào năm 2014, khi khủng bố IS đang mở rộng sự bành trướng. Chính sách này bao gồm thực hiện các cuộc không kích, song song với triển khai một lực lượng nhỏ quân đội Mỹ phối hợp cùng với người Kurd và các đối tác khác của Mỹ. Ước tính, Mỹ có 2.000 binh sỹ tại Syria, hầu hết ở khu vực đông bắc.
Việc đánh bại IS là một thắng lợi quan trọng và tốn ít kinh phí hơn nhiều so với các chiến dịch quân sự khác của Mỹ trong khu vực. Tuy nhiên, những người chỉ trích ông Trump cho rằng rút quân khỏi Syria có nguy cơ khiến Mỹ ra về tay trắng và mất toàn bộ những thành tựu mà nước này đã đạt được.
Cơn giận trên chính trường Mỹ
Phe cứng rắn tại đảng Cộng hòa đã nổi giận vì quyết định bất ngờ của Tổng thống Trump bởi cho rằng ông đã không tham vấn trước với họ. Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, một đồng minh thân cận của ông Trump nói với CNN rằng quyết định của ông Trump cũng giống với quyết định của người tiền nhiệm Barack Obama – ám chỉ việc Mỹ rút binh sĩ khỏi Iraq vào năm 2011, vốn bị chỉ trích là gián tiếp dẫn đến sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
“Hiện giờ, chúng ta đã ghi dấu ấn và có sự hiện diện quân sự giới hạn tại Syria để hỗ trợ các đồng minh người Kurd trong cuộc chiến chống khủng bố. Duy trì binh sỹ tại Syria là một chính sách bảo đảm chống lại sự trỗi dậy của IS và bảo vệ đồng minh người Kurd – những người đã chiến đấu rất dũng cảm”. Ông Graham cho biết ông đã không được báo trước về quyết định nêu trên, đồng thời yêu cầu tổ chức một cuộc họp báo để thông báo về những thông tin trong cuộc gặp giữa ông với Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis hôm 19/12. “Việc rút quân khỏi Syria sẽ bị Iran và các bên khác coi là dấu hiệu cho thấy sự “hèn nhát” của nước Mỹ trong nỗ lực kiềm chế sự mở rộng ảnh hưởng của Iran”.
Trong tuyên bố trên trang Twitter, Thượng nghị sỹ Cộng hòa Adam Kinzinger đã phản đối kế hoạch của ông Trump, cho rằng “đó không phải là sự thật”. “Chúng ta đã rời Iraq và phải quay trở lại. Tôi hy vọng Tổng thống Trump và các cố vấn của ông sẽ sáng suốt hơn để nhận ra điều đó”.
Chuyên gia Charles Lister, đến từ Viện nghiên cứu Trung Đông, nhận quyết định của Tổng thống Trump có thể khiến những quan chức có lập trường "diều hâu" với Iran, trong đó có Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton và Ngoại trưởng Mike Pompeo, cảm thấy "bị phản bội", đồng thời "gieo mầm" cho sự chống đối trong nội bộ đảng Cộng hòa. “Đây là quyết định của riêng ông Trump và nó sẽ không nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong đảng Cộng hòa. Dù mất nhiều giờ hay nhiều tháng thì chúng ta sẽ vẫn thấy sự kháng cự”, ông Lister nói.
Không chỉ vấp phải sự phản đối ngay chính trong đảng Cộng hòa, mà Tổng thống Trump cũng bị phe Dân chủ cực lực công kích. Bà Nancy Pelosi, lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện và nhiều khả năng sẽ trở thành tân chủ tịch Hạ viện cho rằng, quyết định rút quân khỏi Syria của Tổng thống Trump là “quá sớm”, đồng thời đặt ra câu hỏi tại sao điều này không được thực hiện trong bối cảnh các cuộc đàm phán hòa bình về Syria đạt tiến triển?
Ông Eliot Engel, người dự kiến sẽ là Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ thì nhấn mạnh, quyết định của Tổng thống Trump đã làm dấy lên một loạt câu hỏi không có lời đáp, trong đó quan trọng nhất là chính quyền Mỹ có kế hoạch như thế nào để đảm bảo đánh bại hoàn toàn IS. Bên cạnh đó, ông Engel cũng đặt câu hỏi về tính hợp pháp của các hoạt động quân sự mà Mỹ tiến hành tại Syria, kêu gọi Tổng thống tư vấn với Quốc hội về việc điều phối lực lượng quân sự.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Jack Reed cho rằng: “Điều ông Trump nói trên Twitter rằng IS đã bị đánh bại không khiến chúng tôi không cảm thấy an toàn hơn. Tổng thống tiếp tục bất chấp lời khuyên của các nhân viên quân sự, ngoại giao và tình báo, những người đã cảnh báo nguy cơ đối với việc rút quân khỏi Syria”.
Lo ngại bắt nguồn từ đâu?
Những lời chỉ trích của các nghị sỹ trong nội bộ nước Mỹ, bắt nguồn trước hết từ mối lo ngại IS sẽ trỗi dậy và lớn mạnh hơn. Thông báo về việc rút quân, Tổng thống Trump nói rằng IS đã bị đánh bại. Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, điều này chưa thực sự đúng. Ước tính có khoảng 15.000 phần tử IS vẫn đang hiện diện tại Syria.
Trong những tháng gần đây, IS bắt đầu giành lại một số cứ điểm tại Syria và các vụ tấn công bạo lực cũng gia tăng. Có những dấu hiệu cho thấy IS bắt đầu nhóm họp lại và củng cố lực lượng. Ông Ilham Ahmed – một quan chức cấp cao thuộc chính quyền tự trị khu vực phía Bắc và phía Đông Syria khẳng định: “Quân đội Mỹ cần phải ở lại. Nếu họ rời đi sẽ không có giải pháp cho Syria và đó sẽ là thảm họa”. Việc Mỹ rút quân có thể khiến IS hoạt động mạnh mẽ và quyết liệt hơn, khi đó bóng ma khủng bố không chỉ tiếp tục đe dọa khắp Syria mà còn vươn xa ra các khu vực khác.
Mặc dù Mỹ vẫn sẽ tiếp tục hiện diện quân sự ở Iraq với khả năng tấn công vào Syria, nhiều nhà phân tích khẳng định việc Mỹ rút quân sẽ khiến các đối thủ cạnh tranh hài lòng, mở lối ở Syria cho chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, Nga và Iran.
Vai trò cầm quyền của Tổng thống Bashar Al Assad ngày càng thêm vững chãi trong khi quân đội Syria sẽ tránh được những cuộc đối đầu trực tiếp hoặc gián tiếp với các lực lượng Mỹ. Cần phải nhắc lại rằng, với việc đánh đuổi IS, quân đội Mỹ vô hình trung đã làm suy yếu một trong những kẻ thù nguy hiểm nhất của chính phủ Syria. Điều này cho phép ông Assad tập trung lực lượng chống lại các mối đe dọa khác và đạt được nhiều thắng lợi lớn. Một khi lực lượng Mỹ ra đi, chính quyền Tổng thống Assad có thể tìm cách giành lại những khu vực khác của đất nước mà họ đã để mất trong cuộc xung đột kéo dài hơn 7 năm qua.
Bên cạnh đó, Tổng thống Donald Trump cũng sẽ “trao cơ hội vàng” cho hai trong số những đối thủ nặng ký nhất của Mỹ là Nga và Iran. Chỉ vài tháng cách đây, chính quyền Tổng thống Trump cho biết sẽ tiếp tục triển khai quân tại Syria vô thời hạn như một biện pháp chống lại sự mở rộng ảnh hưởng của Iran. Trên thực tế, Mỹ đã kiểm soát được khoảng 1/3 lãnh thổ Syria và đang nỗ lực hành động để ngăn chặn các hoạt động của Iran. Không có sự hiện diện của Mỹ, Iran và Nga sẽ là những lực lượng nước ngoài quyền lực nhất tại Syria bởi hai quốc gia này đều là đồng minh thân cận của chính quyền ông Assad. Trong quá khứ, Iran đã từng xem Syria như một tuyến đường tiếp vận nhân lực và vũ khí cho các đồng minh ở Trung Đông, trong đó có lực lượng Hezbollah tại Lebanon. Nếu Iran lấp đầy khoảng trống quyền lực mà Mỹ để lại tại Syria, nước này cuối cùng sẽ mở được tuyến đường thông thương ra biển Địa Trung Hải.
Còn đối với Nga, sau khi Mỹ rút quân khỏi Syria, Moscow sẽ có thể mở rộng vai trò tại Syria và tăng cường sự ảnh hưởng trên khắp khu vực Trung Đông. Nhiều quốc gia, trong đó có Israel đang chuyển hướng quay sang hợp tác với Nga. Trước đó, Mỹ là đối tác chính của họ về viện trợ, cung cấp vũ khí và thương mại nhưng sự thiếu nhất quán trong chính quyền Tổng thống Trump mà ví dụ mới nhất là việc rút quân khỏi Syria đã khiến nhiều đối tác, thậm chí là đồng minh của Mỹ thấy bất an. Chuyên gia Ilan Goldenberg - nghiên cứu chương trình Trung Đông tại Trung tâm an ninh Mỹ (Center for a New American Security): “Điều này cơ bản làm giảm uy tín của Mỹ. Nó cho thấy một nước Mỹ dễ thay đổi như thế nào”.
Một quốc gia khác cũng “mừng thầm” trước quyết định rút quân của Tổng thống Trump là Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi Mỹ coi các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) là lực lượng nòng cốt trong cuộc chiến khủng bố, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan lại liệt họ vào danh sách khủng bố, đe dọa an ninh quốc gia này. Nếu quân đội Mỹ rút khỏi Syria, Thổ Nhĩ Kỳ có thể nhân cơ hội này phát động chiến dịch quân sự quy mô lớn chống lại người Kurd ở miền bắc Syria. Động thái có thể làm gia tăng bất ổn trong khu vực và tạo ra làn sóng người tị nạn mới.
Tóm lại, theo giới phân tích, một khi rút hết toàn bộ lực lượng khỏi Syria, Washington sẽ ra về mà không có bất cứ đòn bẩy nào từ Syria và điều đó sẽ làm suy yếu vị thế của Mỹ trong các cuộc đàm phán khác và những điểm nóng khác tại Trung Đông. “Vị thế của Mỹ trên bàn đàm phán và trong các chiến lược khác tại Trung Đông sẽ bị suy giảm đáng kể. Việc Mỹ yêu cầu các lực lượng Iran rút khỏi Syria như một phần của cuộc đàm phán hòa bình ban đầu đã là một đòi hỏi phi thực tế, gắn với bối cảnh hiện nay thì yêu cầu này là ảo tưởng”, ông Charles Lister nói.
Ông Nick Rasmussen, cựu giám đốc Trung tâm chống khủng bố quốc gia Mỹ cùng cho rằng, động thái của chính quyền ông Trump sẽ gây cản trở tới việc thu thập thông tin tình báo trong khu vực với những cơ quan tình báo phụ thuộc khá nhiều vào các lực lượng Mỹ về hậu cần và sự hỗ trợ khác. “Chúng ta sẽ biết ít hơn về diễn biến và tình hình tại Trung Đông”./.
Theo Hồng Anh/VOV

>> xem thêm

Bình luận(0)