Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đến Paris tham dự lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc Thế chiến I cùng các lãnh đạo thế giới. Tuy nhiên, chuyến thăm này lại bộc lộ sự xa cách giữa Mỹ và các đồng minh phương Tây, thay vì thắt chặt mối quan hệ hai bên bờ Đại Tây Dương.
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters. |
Công kích đồng minh
Ông Trump có mặt tại Paris vào ngày 9/11 và rời đi vào ngày 11/11, bỏ lỡ sự kiện Diễn đàn hòa bình Paris. Diễn đàn này là một phần của cuộc vận động do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khởi xướng nhân kỷ niệm sự kiện lịch sử nói trên, thông qua đó để tái khẳng định tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương và hành động tập thể nhằm đối mặt với các thách thức hiện nay. Nội dung của diễn đàn dường như đối lập với chiến lược “nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump.
Trước cuộc gặp song phương, Tổng thống Trump đã công kích nhà lãnh đạo Pháp trên trang cá nhân Twitter ngày 6/11 rằng đề xuất của người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron về việc châu Âu nên thành lập quân đội riêng để bảo vệ lục địa già trước Mỹ, Nga và Trung Quốc là sự xúc phạm, đồng thời tái khẳng định Châu Âu phải đóng góp đúng mức cho ngân sách quốc phòng của NATO.
Còn ông Macron đã tận dụng bài diễn văn kỷ niệm 100 năm kết thúc Thế chiến I để chỉ trích Tổng thống Trump. “Khi chúng ta chỉ quan tâm đến lợi ích của mình trước tiên, chúng ta đã xóa bỏ những nền tảng quý giá của một quốc gia”. Ông cũng nhấn mạnh: “Việc rút khỏi các thỏa thuận, theo đuổi chủ nghĩa đơn phương, bạo lực và bá quyền sẽ là một sai lầm lớn”. Giới phân tích cho rằng, dù không nhắc đến nhà lãnh đạo Mỹ, nhưng rõ ràng ông Macron đang chỉ trích chính sách ngoại giao “khác biệt” của Tổng thống Trump.
Thời gian đầu khi ông Trump lên nắm quyền, Tổng thống Macron là một trong số ít các nhà lãnh đạo phương Tây tỏ ra yêu thích cá tính của Tổng thống Donald Trump. Ông Macron đã đánh giá cao cách thức đàm phán của Tổng thống Trump, ca ngợi ông và tìm cách gây ấn tượng với nhà lãnh đạo Mỹ khi hai bên gặp gỡ trực tiếp. Mặc dù không phải lúc nào cũng thành công trong các cuộc tiếp xúc với Trump, nhưng Tổng thống Macron đã rất thận trọng tránh xa khỏi phương châm chính trị mang tính “đơn cực” của Tổng thống Trump.
Song tình hình hiện giờ đã khác hoàn toàn. Thay vì tỏ thái độ niềm nở, nhà lãnh đạo Pháp đã chỉ trích một loạt quyết định của ông Trump, trong đó có việc rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9/2018, ông Macron đã ca ngợi chủ nghĩa đa phương mà Tổng thống Trump luôn phản đối. Ông cũng cho rằng việc Mỹ thoái lui trên sân khấu quốc tế là một cơ hội cho Pháp để bảo vệ các giá trị của phương Tây.
Sự xa cách giữa hai bên bờ Đại Tây Dương lại càng được thể hiện rõ qua bức ảnh ông Trump bày tỏ thái độ nhiệt tình với Tổng thống Nga Putin, bất chấp ánh nhìn không mấy thiện cảm của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Macron.
Một Tổng thống Mỹ “lạc lõng”
Trái ngược hoàn toàn với thái độ của Tổng thống Trump, Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức đã thể hiện tinh thần hợp tác và nỗ lực kêu gọi sự đoàn kết giữa các quốc gia, cảnh báo về nguy cơ lặp lại những khoảnh khắc đen tối của lịch sử. Hai nhà lãnh đạo hàng đầu Châu Âu đều công khai chống lại chủ nghĩa đơn phương, bất chấp việc phải đối mặt với những rối ren chính trị trong nước. Cách tiếp cận của họ hoàn toàn khác biệt với Tổng thống Trump.
Dù có mặt tại Paris cùng với hàng chục nhà lãnh đạo trên thế giới nhưng ông Trump vẫn rất “lạc lõng”. Trong khi đó, nhiều lãnh đạo thế giới đã gặp nhau tại điện Élysées, cùng đi xe buýt đến Khải Hoàn Môn - nơi diễn ra lễ tưởng niệm, thì Tổng thống Trump lại quyết định một mình tới nơi này. Nhà Trắng cho biết lý do Tổng thống Mỹ đi riêng là nhằm đảm bảo an ninh. Theo nhận xét của CNN, rất khó lấy lý do về an ninh để giải thích cho hành động của Tổng thống Trump. Điều này cho thấy ông Trump không thực sự mong muốn củng cố mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương mà thay vào đó tỏ rõ sự không hài lòng đối với các đồng minh lâu năm về vấn đề thương mại và quốc phòng.
Một chi tiết khác đáng lưu ý là ông Trump đã hủy chuyến thăm khu tưởng niệm những người lính Mỹ tại nghĩa trang Aisne-Marne American ở Belleau, cách Paris 85km, với lý do thời tiết xấu và cử cấp dưới đi thay. Bất chấp sự vắng mặt của ông Trump, ông Macron và bà Merkel vẫn tới tham gia sự kiện. Ngay sau đó, ông Macron đã đăng tải hình ảnh đi cùng với bà Merkel trong nghĩa trang này với tiêu đề “Unis” (tạm dịch là Đoàn kết).
Trump xích lại gần hơn với Putin
Một nhân vật khác dường như cũng rất lạc lõng trong sự kiện lần này là Tổng thống Nga Putin. Trước đó có nhiều đồn đoán cho rằng ông Trump và ông Putin có thể thu xếp gặp nhau bên lề lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc Thế chiến I tại Paris.
Theo thông báo từ Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã có cuộc gặp Tổng thống Putin cùng các nhà lãnh đạo khác tại bữa trưa làm việc, thảo luận nhiều vấn đề như Xyria, thương mại và tình hình tại Saudi Arabia. Còn phía Điện Kremlin cho biết, hai bên đã có cuộc trao đổi ngắn trong giờ trưa. Tuy nhiên, theo tờ Guardian, các quan chức Pháp đã thay đổi sự sắp xếp chỗ ngồi, để ông Trump ngồi đối diện với ông Putin thay vì sát cạnh nhau, vì thế hai bên đã không thực sự có một cuộc trò chuyện riêng tư. Trong khi đó, người phát ngôn của Điện Kremlin cáo buộc chính phủ Pháp đã gây sức ép buộc Tổng thống Trump và Tổng thống Putin phải hủy bỏ cuộc gặp song phương khi họ ở Paris.
Dù có những sự việc xảy ra ngoài ý muốn, nhưng giới quan sát nhận định Tổng thống Trump và Tổng thống Putin vẫn muốn xích lại gần nhau khi hai bên dành cho nhau những cử chỉ nồng ấm. Ông Trump đã tươi cười niềm nở khi gặp nhà lãnh đạo Nga còn Tổng thống Putin giơ ngón cái biểu hiện sự thích thú sau khi bắt tay ông Trump. Đáp lại màn chào hỏi thân thiện của Tổng thống Nga, ông Donald Trump vỗ nhẹ vào lưng ông Putin. Thái độ thân thiện của ông Trump dành cho Tổng thống Putin khác biệt hoàn toàn sự lạnh nhạt mà ông thể hiện với lãnh đạo các nước đồng minh./.