Theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap, quan hệ Mỹ - Triều có những dấu hiệu tích cực kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ nhất giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trung tuần tháng 6 ở Singapore.
Hai nhà lãnh đạo đã ra một tuyên bố chung, theo đó Bình Nhưỡng cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn đổi lấy đảm bảo an ninh từ Washington. Kể từ đó, Bình Nhưỡng luôn kiềm chế không chỉ trích Washington trong quá trình đàm phán phi hạt nhân.
Tuy nhiên, hiện đàm phán hạt nhân tạm đi vào “ngõ cụt” do hai bên còn nhiều khác biệt liên quan đến quy mô phi hạt nhân hóa, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và việc chính thức tuyên bố kết thúc cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
|
Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều bắt tay trong lần gặp thượng đỉnh đầu tiên. Ảnh: CNN |
Không nhìn thấy dấu hiệu có lời giải đáp, Triều Tiên bắt đầu quay trở lại hình thức phàn nàn và chỉ trích. Ngày 13/12, hãng thông tấn chính thức của nhà nước Triều Tiên (KCNA) xuất bản một bài bình luận nêu rõ quan điểm của Bình Nhưỡng về sự bế tắc trong các cuộc đàm phán. KCNA cho biết Bình Nhưỡng kêu gọi Washington thức tỉnh và có những hành động đúng đắn về vấn đề phi hạt nhân hóa, thay vì theo đuổi các lệnh trừng phạt Triều Tiên.
Trong bài bình luận, KCNA viết: “Triển vọng trong quan hệ Mỹ - Triều phụ thuộc vào việc liệu Washington có thể thức tỉnh khỏi những suy nghĩ nhất thời”. Sau đó 4 ngày, một quan chức cấp cao thuộc Bộ ngoại giao cũng đưa ra một tuyên bố tương tự.
Mức độ chỉ trích nặng dần trong các lời tuyên bố được cho là nhằm gây sức ép đối với Mỹ, thể hiện sự kiên nhẫn của Bình Nhưỡng đang "nhạt dần" khi phải trông chờ Washington có những biện pháp hồi đáp thích hợp, như dỡ bỏ trừng phạt, để đổi lấy tiến trình phi hạt nhân hóa.
Tuy nhiên, giọng điệu có phần nhẹ nhàng hiện tại của Triều Tiên so với những lời chỉ trích gay gắt trước đây gần như dẫn đến chiến tranh cũng thể hiện quốc gia Đông Bắc Á này không muốn ngừng đàm phán hoàn toàn.
"Triều Tiên đang trong một cuộc giằng có căng thẳng với Mỹ, khi tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc hành động và điều chỉnh mức độ trong lời chỉ trích vì không muốn phá vỡ khuôn khổ đối thoại", Yang Moo- jin - Giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Bắc Triều Tiên – nhận định.